Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Cái "chìa khóa vạn năng”, đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 25-3-1967. Sau khi nêu tình trạng một số đơn vị, hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây, Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra dễ”, Người kết luận: “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có hàng trăm câu nói và viết về dân chủ nhưng có lẽ câu “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” là câu cô đọng nhất, sâu sắc nhất và có tính khái quát cao nhất khi nói về vai trò của dân chủ và việc thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Điều này cho thấy sự đánh giá rất cao của Người về vai trò của việc thực hành dân chủ, cả trong Đảng và trong xã hội. Người cho rằng, dân chủ là phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết mọi khó khăn, vì Người tin ở dân, dựa vào dân. Không chỉ là “tài sản quý” của nhân dân mà đối với sự nghiệp cách mạng, dân chủ cũng là “tài sản quý”, bởi phát huy dân chủ sẽ động viên được lực lượng của toàn dân hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng. Người từng nói: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, tháng 7-1958. Ảnh tư liệu.
Sức mạnh của dân chủ đã được thể hiện rất rõ trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ hoàn thành đã đưa nhân dân ta từ địa vị bị áp bức lên địa vị làm chủ đất nước, xã hội và hoạt động với tư cách là các chủ thể tự giác xây dựng xã hội mới, đem lại nguồn nội lực vĩ đại để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến kiên cường chống ngoại xâm kéo dài giữa thế kỷ 20. Thành công của công cuộc Đổi mới cũng được khởi đầu bằng quá trình dân chủ hóa trong các lĩnh vực, tạo nên động lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội, là một hiện thực sinh động chứng minh sức mạnh của động lực dân chủ đối với sự phát triển xã hội.
Trong các hoạt động của Đảng và các cấp chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ. Người nhấn mạnh: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân” và “Lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, song Người không nói đến uy quyền của Đảng trong xã hội mà luôn nhấn mạnh đến yêu cầu phục vụ nhân dân, “là đầy tớ của nhân dân” trong từng công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Người nói một cách hóm hỉnh nhưng rất sâu sắc rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”. Quả đúng như vậy, để được quần chúng tin yêu, mến phục thì cán bộ, đảng viên phải là những người thực sự gương mẫu, thực sự biết hy sinh vì lợi ích của nhân dân, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết và triệt để chống căn bệnh quan liêu, xa dân, bệnh công thần, địa vị, coi thường kỷ luật, coi thường nhân dân của một số cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”. Người lên án những cán bộ “Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ. Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng, mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”.
Ở nước ta và trong Đảng, việc “thực hành dân chủ” trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, những căn bệnh quan liêu, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa vẫn luôn rình rập cản trở sự phát triển của xã hội, làm trì trệ trào lưu dân chủ hóa. Những tệ nạn đó đang tồn tại dưới nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực, ở các ngành, các cấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của nhân dân, quên đi lợi ích của tập thể, của nhân dân; quan liêu, thậm chí biến chất và vi phạm pháp luật; họ đã thực sự xa dân, sợ dân. Sự quan liêu, độc đoán, mất dân chủ của một số cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút lòng tin, làm Đảng xa dân, dân xa Đảng. Việc củng cố mối quan hệ hai chiều giữa Đảng và dân, đẩy lùi dần “quốc nạn” tham nhũng là những nhiệm vụ cấp bách và khó khăn. Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, điều đặc biệt quan trọng là phải thực hiện dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ ở cơ sở để “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”-như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị.
Chúng ta nhắc lại những điều đó và không thể quên “Cái chìa khóa vạn năng” mà năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta, để góp phần sớm vượt qua những khó khăn, thách thức.
NGỮ THIÊN