Vì vậy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tất yếu gắn liền với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) TSVM. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm cực kỳ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền.

Biện chứng vai trò của Nhà nước với quá trình xây dựng Đảng TSVM về chính trị, tư tưởng và tổ chức đã cho chúng ta ý thức sâu sắc rằng, Nhà nước thật sự TSVM, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả thì Đảng cầm quyền mới TSVM. Bản chất, tính chất của Nhà nước ta gắn liền với vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Nhà nước được chăm lo xây dựng TSVM thì quyền làm chủ của nhân dân mới được bảo đảm và phát huy cao nhất. Nhà nước và hoạt động của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước ngày càng cao, xã hội càng dân chủ, văn minh, tạo cơ sở vững chắc xây dựng Đảng TSVM; đồng thời mục tiêu, lý tưởng của Đảng được hiện thực hóa. Đối với Đảng ta là Đảng cầm quyền, khi Đảng thực sự tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, chính là yếu tố quyết định cho thành công của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước được thực hiện thông qua cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; bằng tổ chức, bộ máy của Đảng trong các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, thông qua công tác tổ chức cán bộ, Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác này trên cơ sở bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước theo luật định. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra chứ không làm thay công việc quản lý của Nhà nước; lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp… Những vấn đề đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta, được khẳng định trong Điều lệ Đảng và hiến định trong Hiến pháp năm 2013.

Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực của nhân dân, giữ gìn trật tự kỷ cương và bảo đảm công bằng xã hội, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng Đảng TSVM. Vai trò đó của Nhà nước thông qua thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; thông qua việc đẩy mạnh cải cách và xây dựng, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm một nền hành chính dân chủ, TSVM, phục vụ đắc lực và có hiệu quả Cương lĩnh, các nghị quyết của Đảng. Vai trò của Nhà nước trong xây dựng Đảng TSVM còn thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước vừa đủ cả đức và tài, vừa “hồng” và vừa “chuyên”, trong đó lấy đức là gốc; đồng thời phát huy tính tiền phong, gương mẫu của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Nhà nước và Điều lệ Đảng. Nhà nước không những đứng ở vị trí trung tâm của hệ thống chính trị mà còn là người đại diện chính thức cho các giai cấp và tầng lớp trong xã hội. Điều đó làm cho Nhà nước có một cơ sở xã hội rộng rãi để có thể phát huy tốt vai trò của mình trong việc triển khai nhanh chóng và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước thật sự TSVM, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi rất cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở đó, Nhà nước phát huy vai trò to lớn với việc tham gia xây dựng Đảng, Báo cáo chính trị Đại hội XII khẳng định: “Xây dựng Đảng TSVM về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Vì vậy, đòi hỏi trước hết hoạt động lập pháp cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có chất lượng, hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Quốc hội cần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước; tăng cường sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của nhân dân, bảo đảm xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, TSVM, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất; đồng thời xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền, qua đó ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương cả trong các cơ quan Nhà nước và trong Đảng.

Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của Nhà nước, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, là trung tâm đầu não điều chỉnh mọi hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng với “trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI”, yêu cầu đặt ra đối với Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Kiên quyết khắc phục quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sa sút phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực thực hành nhiệm vụ công chức kém cỏi. Các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và hoạt động xét xử.

Thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Chính phủ cần hết sức coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, am hiểu pháp luật, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ; trong đó “đức là gốc”, tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn gắn bó với dân, việc có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Đó là những vấn đề cốt yếu góp phần ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực nảy sinh từ ngay trong bộ máy nhà nước. Khi mỗi cán bộ, công chức Nhà nước TSVM là góp phần làm cho Nhà nước TSVM, cũng đồng thời góp phần xây dựng Đảng ta luôn TSVM. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến phương thức điều hành, quy chế hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ chuyển đổi từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phát triển; xây dựng một “Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về việc nói đi đôi với làm”. Người đứng đầu Chính phủ cùng với các Phó thủ tướng sẽ kiên quyết không ký những văn bản bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, được đặt trước. Đó cũng chính là niềm mong đợi lớn nhất của nhân dân cả nước; đồng thời biểu hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 Đại tá, Thạc sĩ  NGUYỄN ĐỨC THẮNGViện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự