Hiện nay, công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu. Thực tiễn đặt ra hàng loạt vấn đề rất không đơn giản, thường nảy sinh từ những mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa chủ nghĩa xã hội (CNXH) với thị trường; giữa tăng trưởng với phát triển bền vững, đúng định hướng; kinh tế với chính trị, tư tưởng, văn hóa; giữa hội nhập thế giới với độc lập tự chủ, giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN)...

Những vấn đề thực tiễn mới mẻ đặt ra ngày càng nhiều; để giải quyết, thái độ cẩn trọng "bảy lần đo, một lần cắt" là rất cần thiết, không thể khinh suất, vội vàng. Nhưng trong điều hành lại có việc không thể chờ có bài bản đầy đủ rồi mới làm. Khả năng phạm sai lầm là khó tránh được hoàn toàn. Lênin đã nhiều lần chỉ ra điều đó khi nói về những khó khăn đặc biệt của sự nghiệp xây dựng và sáng tạo ra CNXH.

Trong thực tiễn, quả khó tránh khỏi sai lầm, vấp váp. Song, đối với những vấn đề chính trị có tính nguyên tắc cơ bản thì không thể nói như vậy. Ở đây cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ngay từ đầu công cuộc đổi mới, khẳng định: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là tìm ra những bước đi, hình thức và phương pháp thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu đó một cách tốt nhất và có hiệu quả nhất. Như vậy, nếu phạm sai lầm về bước đi, hình thức và phương pháp cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể có thể hiểu được, thì sai lầm về mục tiêu XHCN, về những nguyên tắc cơ bản trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng là không thể chấp nhận. Đối với cách mạng Việt Nam, ngoài độc lập dân tộc và CNXH, không có con đường nào khác. Đổi mới dứt khoát không được đổi màu; hội nhập dứt khoát không thể hòa tan.

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng phải nỗ lực vươn lên cả về phẩm chất chính trị tư tưởng, cả về trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết…

Những năm tới là đoạn đường cực kỳ quan trọng để thu hẹp bớt khoảng cách với các nước. Phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất (LLSX), đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất từng bước theo định hướng XHCN, phát huy cao độ nội lực cả dân tộc gắn với tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài, chủ động mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Phải định hình cho được vững chắc thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng nhanh nguồn lực lao động chất lượng cao, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là những yêu cầu lớn đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Việt Nam, phát triển nói chung, tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với tăng nhanh đời sống là vấn đề sống còn. Chỉ có phát triển nhanh và đúng hướng mới tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn, mới giữ vững được độc lập dân tộc và CNXH. Đặt CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm có nghĩa coi việc phát triển LLSX là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là vấn đề ưu tiên số một. Mọi cơ chế, thể chế cản trở sự phát triển LLSX, làm chậm CNH, HĐH đều cần được bãi bỏ, sửa đổi. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của đổi mới chính là giải phóng LLSX. Không có đại công nghiệp, công nghệ hiện đại thì không có CNXH chân chính.

Tuy nhiên, phát triển LLSX không phải mục đích tự thân, càng không phải là tất cả. Phát triển LLSX, tiến hành cách mạng khoa học công nghệ là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tóm lại là vì nâng cao đời sống xã hội và con người. Vì thế, phát triển kinh tế không những phải nhanh, có những đột phá, mà còn phải bền vững; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Có kết hợp được hài hòa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền thì mới bảo đảm tăng trưởng kinh tế thật ổn định. Tăng trưởng kinh tế nhất thiết phải theo định hướng XHCN, nhất thiết phải đi đôi với giữ vững độc lập tự chủ. Không thể xem tăng trưởng là tất cả, coi nhẹ định hướng xã hội và chính trị.

Trong tổng thể các thành phần kinh tế hợp thành nền kinh tế quốc dân thống nhất quá độ lên CNXH, nhân tố hàng đầu bảo đảm định hướng XHCN vẫn phải là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, là hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Song, doanh nghiệp nhà nước hoạt động không phải theo cơ chế kế hoạch tập trung, cấp phát-giao nộp-bù lỗ như trước đây, mà theo cơ chế thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Nếu thiếu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì căn bản không thể nói đến định hướng XHCN, không thể CNH, HĐH thành công, sẽ không có cơ sở vật chất chủ yếu nhất bảo đảm quyền làm chủ kinh tế của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, bảo đảm vai trò quản lý kinh tế và chính ngay sự tồn tại của Nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân. Chính vì thế, việc đổi mới và nâng cao tính hiệu quả của kinh tế nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Đó phải là trọng tâm trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Việc nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp, dịch vụ và cả trong nông, lâm nghiệp đang là một thách thức cực kỳ to lớn, bởi trong thực tế, đây là nhiệm vụ đầy gian khổ, khó khăn. Song, dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không thể chần chừ, dao động, thiếu quyết tâm, không thể không làm chừng nào chúng ta còn định hướng tiến lên CNXH. Tuy vậy, tuyệt đối không xem nhẹ phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xem nhẹ cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần trong điều kiện kinh tế thị trường.

Trong đổi mới cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng nói chung, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Không ai quan tâm nhiều tới xây dựng Đảng như Bác Hồ. Trước năm 1930, Bác đặt vấn đề: “Muốn làm cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh” và Bác đã ra sức chuẩn bị thành lập Đảng. Sau đó, suốt mấy chục năm, trong trăm công nghìn việc cách mạng và kháng chiến phải giải quyết, việc lớn Bác chăm lo nhất là xây dựng Đảng. Trước khi đi xa, trong Di chúc Bác để lại, cũng "trước hết nói về Đảng", về "chỉnh đốn Đảng". Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục đổi mới vững chắc, xây dựng Đảng càng phải được coi là nhiệm vụ then chốt.

Trong điều kiện đổi mới xây dựng CNXH với cơ chế thị trường nhiều thành phần, mở cửa với bên ngoài, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng trên nền tảng tư tưởng chính trị, Cương lĩnh, đường lối của Đảng có tầm quan trọng sống còn. Trong xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, việc củng cố niềm tin cộng sản có ý nghĩa đặc biệt.

Sự nhất trí về đường lối trong toàn Đảng được giữ vững khi tất cả đảng viên giữ vững niềm tin. Trong cục diện chính trị thế giới và tương quan lực lượng các mặt, trong những điều kiện đấu tranh cực kỳ gay go, phức tạp cho mục tiêu lý tưởng XHCN, hiện nay, vấn đề niềm tin của người cộng sản cần thiết hơn bao giờ hết, quan trọng hơn bao giờ hết, mất niềm tin là mất tất cả. Chỗ nào có sự sa sút niềm tin, có khoảng trống về tư tưởng, chỗ đó nguy cơ chệch hướng xuất hiện, nguy hiểm nhất nếu mất niềm tin ở số cán bộ có chức, có quyền.

Xây dựng Đảng về mặt tổ chức là một nội dung cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Do yêu cầu cao, quy mô to lớn và tính chất mới mẻ, khó khăn, phức tạp của các nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi. Thực trạng của Đảng về mặt tổ chức cũng đang đặt ra những yêu cầu bức xúc. Những bài học lịch sử và quốc tế cũng dạy ta nhiều điều phải hết sức quan tâm xây dựng Đảng về mặt tổ chức.

   Ở đây, nhiệm vụ hàng đầu là phải củng cố vững chắc nguyên tắc tập trung dân chủ. Sức mạnh của Đảng là ở chế độ tập trung; nhưng phải tập trung trên cơ sở dân chủ. Chỉ có tập trung trên cơ sở dân chủ, Đảng mới trở thành đội quân triệu người như một, hàng ngũ chỉnh tề, bước đi đều nhịp, chiến đấu kiên cường và sáng tạo.

Một mục tiêu lớn của đổi mới là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ XHCN. Muốn thực hiện dân chủ trong xã hội thì trước hết phải bảo đảm dân chủ trong Đảng. Thiếu dân chủ trong Đảng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quyền làm chủ của quần chúng bị vi phạm. Mất dân chủ trong Đảng, tất cũng mất dân chủ trong xã hội. Đương nhiên, dân chủ nhất thiết phải đi đôi với kỷ cương: Trong Đảng là kỷ luật, ngoài xã hội là pháp luật. Đó là đòi hỏi tự thân của nguyên tắc tập trung dân chủ. Ở nơi nào thiếu kỷ luật, kỷ cương, luật pháp thì không thể có dân chủ, mà chỉ có hỗn loạn. Nguyên tắc tập trung dân chủ căn bản đối lập một mặt với bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.

Đảng ta kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, chống mọi biểu hiện vi phạm quyền dân chủ, chống lối dân chủ hình thức, thiếu tập trung, cũng như chống sự lợi dụng dân chủ để mưu cầu ý đồ, lợi ích riêng và quan điểm sai trái. Dân chủ trước hết phải được thể hiện trong quá trình xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách… Đảng là đội quân chiến đấu cách mạng, là tổ chức hành động chứ không phải một câu lạc bộ nói mà không làm hay làm qua loa, đại khái.

Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, việc xây dựng Đảng về tổ chức theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật, tất cả những nỗ lực trên đều nhằm giữ vững và tăng cường đoàn kết trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, để toàn Đảng phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Những năm gần đây, Đảng có những nỗ lực lớn để tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Hoạt động của Quốc hội và các hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp có nhiều cố gắng đổi mới khiến cho nền dân chủ đại diện ngày càng có thực chất. Cuộc vận động xây dựng dân chủ trực tiếp ở cơ sở là sáng kiến được nhân dân hoan nghênh và nhiều nơi triển khai có kết quả. Hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội và nghề nghiệp cũng có những bước tiến bộ. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm, trong phương pháp và phong cách lãnh đạo của Đảng còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục. Tồn tại lớn nhất là tệ quan liêu, tham nhũng phát triển, đây là nguyên nhân chính làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Làm yếu mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, làm yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Tồn tại này nếu không khắc phục có hiệu quả thì không có gì bảo đảm rằng Đảng mãi giữ được vai trò lãnh đạo.

Đảng ta đã và đang thi hành những biện pháp đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy ngày càng đầy đủ hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Xây dựng Đảng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là công việc quan trọng nhất của Đảng ta, đó là điều kiện then chốt, quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có giá trị vô cùng to lớn. Nghị quyết tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội, có sức lan tỏa nhanh và sâu rộng; việc thực hiện đã có kết quả tại một số địa phương, ban, ngành. Đảng ta đang quyết tâm thúc đẩy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và trong sạch, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đổi mới do Đảng đề ra cho giai đoạn mới, đáp ứng lòng mong mỏi khẩn thiết của nhân dân.

Giáo sư NGUYỄN ĐỨC BÌNH