Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) diễn ra từ 20 đến 28-1-2016, tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Tại đại hội, hơn 1.500 đại biểu đại diện cho trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thảo luận và quyết nghị những chủ trương, giải pháp lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Các văn kiện mà Đại hội XII thông qua được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta; xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít khó khăn, thách thức. Thành công của Đại hội XII tạo luồng sinh khí mới, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, thông qua học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII còn nhằm mục đích đưa các chủ trương, giải pháp của Đảng trở thành phong trào hành động cách mạng, sức mạnh vật chất của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Bộ Chính trị xác định: Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, cần được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả; bảo đảm để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đều quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng hiệu quả, có chất lượng cao, trước hết cấp ủy từng cấp, mà trực tiếp là đội ngũ bí thư cấp ủy cần nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt yếu được xác định trong Văn kiện và Nghị quyết. Đây là cơ sở, là điều kiện để cấp ủy các cấp tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Mặt khác, trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp cơ bản để cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp và thiết thực. Điều đặc biệt lưu ý là việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng không phải là sự sao chép nghị quyết, mà từng cấp ủy cần xác định rõ từng nội dung, hình thức, bước đi phù hợp, biết lựa chọn khâu đột phá, vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải. Đây là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi khả năng tư duy, trình độ và trí tuệ của đội ngũ cấp ủy viên, trực tiếp là bí thư cấp ủy ở từng cấp. Cần nhận thức một cách đầy đủ rằng: Xây dựng nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, trực tiếp là bí thư cấp ủy. Thực tế, từ trước tới nay không ít nghị quyết, chỉ thị của Đảng chậm đi vào đời sống, hiệu quả triển khai hạn chế, một phần chưa xác định rõ được trách nhiệm chính trị của đội ngũ bí thư cấp ủy.

Tăng cường kiểm tra, biểu dương những tổ chức đảng, những địa phương, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa đúng, thiếu hiệu quả, hình thức cũng là điều cần được quan tâm, coi trọng trong triển khai thực hiện nghị quyết lần này. Giáo dục, quán triệt, tổ chức thực hiện gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát không chỉ là phương châm lãnh đạo của Đảng, mà còn là giá trị truyền thống tạo dựng nên những thành công trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không có kiểm tra là không có lãnh đạo-bài học ấy hẳn không còn mới đối với từng cán bộ, đảng viên của Đảng.

Một vấn đề nữa không thể không đề cập đến trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII là phải gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, gia trưởng, xa dân... với những biểu hiện khác nhau là một thực tế đang tồn tại ở không ít tổ chức đảng và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) là góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, tạo dựng những giá trị đạo đức nhân văn, nhân nghĩa, nâng cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân trong mỗi cán bộ, đảng viên; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua hơn 86 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII là điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường. Sự phát triển của đất nước, sự giàu mạnh của mỗi người dân đến đâu phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết, trên hết là trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy viên, đứng đầu là bí thư cấp ủy các cấp trong học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, suốt hơn 71 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; thể hiện vai trò xung kích bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Đó không chỉ là chiến công, mà chính là phẩm giá cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Với trách nhiệm chính trị của mình, ngay sau thành công của Đại hội XII, Quân ủy Trung ương, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Quân đội đã có nhiều chủ trương, biện pháp, hình thức tổ chức học tập, quán triệt, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần quan trọng để toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để đất nước phát triển toàn diện. Quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ Quân đội tiếp tục nguyện đem hết tài năng, trí tuệ gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

QĐND