Đây là chuyến thăm chính thức châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, đúng dịp Việt Nam và Thụy Sĩ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).

Chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ thời gian qua có nhiều bước phát triển tích cực. Về chính trị-ngoại giao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Gần đây nhất, tháng 9-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhân dịp tham dự Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trước đó, tháng 8-2021, Phó tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã thăm Việt Nam. Hai nước phối hợp, ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Thụy Sĩ. Ảnh: dangcongsan.vn. 

Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều khởi sắc. Theo đó, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Tính đến tháng 5-2021, Thụy Sĩ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam. Kể từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương giữa hai nước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 706,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 184,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 521,6 triệu USD.

Thụy Sĩ là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua với tổng tài trợ lên tới 600 triệu USD, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Thụy Sĩ công bố Chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA khoảng 85 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, khoa học-kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Hai nước đã ký nhiều hiệp định hợp tác, như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (1996), Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000), Hiệp định khung về hợp tác phát triển (2002), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (2009), Hiệp định về Bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (2018)....

Hiện nay, có khoảng 12.000 người Việt Nam sinh sống tại Thụy Sĩ, tập trung đông ở các thành phố lớn, như Geneva, Zürich, Bern, Basel, Lausanne và Fribourg. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hòa nhập tốt, chăm chỉ và được chính quyền sở tại đánh giá cao, là cầu nối quan trọng giữa hai nước.

Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật... Nhân dịp này, hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, đồng thời đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích.

QĐND