Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNCC ACMECS 9, HNCC CLMV 10 và HNCC CLV 11 thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV và CLV, góp phần mở ra chương mới cho hợp tác Tiểu vùng Mê Công, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực.

ACMECS hình thành vào năm 2003 với 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan nhằm tăng cường hợp tác kinh tế để khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Việt Nam gia nhập cơ chế này vào năm 2004. Hợp tác ACMECS bao gồm 8 lĩnh vực là thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp-năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, môi trường.  

Trong khi đó, cơ chế CLMV được lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhất trí thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản vào tháng 12-2003 ở Tokyo. CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hợp tác CLMV tập trung vào các lĩnh vực như thương mại-đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông,...

Đối với Khu vực Tam giác phát triển CLV, đây là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng bậc nhất giữa ba nước láng giềng có tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó. Năm 1999, Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam đã quyết định thành lập Khu vực Tam giác phát triển giữa các tỉnh biên giới 3 nước, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Salavan (Lào) và Stung Treng, Ratanakiri, Mondulkiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào Khu vực Tam giác phát triển CLV. Mục tiêu của việc hình thành Khu vực Tam giác phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực như an ninh-đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, bảo vệ môi trường...

Có thể thấy rõ, là những cơ chế hợp tác nội khối giữa các nước Tiểu vùng Mê Công, ACMECS, CLMV và CLV ra đời chủ yếu nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập kinh tế của các nước tiểu vùng trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Kể từ khi được thành lập cho đến nay, hợp tác ACMECS, CLMV và CLV được đánh giá đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hòa bình và ổn định ở khu vực.

HNCC ACMECS 9, HNCC CLMV 10 và HNCC CLV 11 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những thời khắc khó khăn do dịch Covid-19. Trên cơ sở những kết quả quan trọng mà hợp tác ACMECS, CLMV và CLV đã đạt được những năm qua, chúng ta tin tưởng rằng HNCC ACMECS 9, HNCC CLMV 10 và HNCC CLV 11 sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nước Tiểu vùng Mê Công, tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực, đưa các chương trình hợp tác trong ACMECS, CLMV và CLV ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

QĐND