Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân; từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện… Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Đó cũng chính là những định hướng lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Ảnh minh họa: baomoi.com.
Mục đích cao cả của Đảng, thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng ngay từ khi mới thành lập cho đến nay, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nói cách khác, với một Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, thì việc phục vụ nhân dân, hết lòng vì nhân dân vừa là điểm khởi phát, vừa là mục đích tối thượng, bất biến. Nhà nước của dân, do dân và vì dân cũng xuất phát từ nguyên lý đó. Vì vậy, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề quốc kế dân sinh đều phải được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để “dân biết” thì phải công khai, minh bạch những đường lối, chủ trương, các kế hoạch, công việc của các tổ chức Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, cũng như các cơ quan, đơn vị cơ sở. Dân phải được thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đa chiều. Tuy nhiên, sự thông tin có định hướng, vì lợi ích quốc gia là hết sức cần thiết. Điều này phải nằm trong tư duy và sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền nhà nước từ Trung ương đến các địa phương.
Để “dân bàn” thì các tổ chức, cơ quan của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là những người giữ vai trò lãnh đạo phải gần dân, thường xuyên tiếp xúc chân thành; thẳng thắn “mở lòng” với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, thể hiện tinh thần ham học hỏi cầu tiến bộ. Có như vậy thì cán bộ, đảng viên mới chống được tệ quan liêu, thật sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó cũng là tinh thần “thật thà tự phê bình và phê bình” như lời Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên.
Để “dân làm”, dân hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương, tham gia quản lý xã hội, thì phải trên cơ sở “dân biết” và “dân bàn” thấu đáo, theo phương châm: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Thực tế lịch sử đất nước hàng nghìn năm qua, nhất là từ ngày Đảng ta ra đời cho đến nay, trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh, cũng như trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Dân không chỉ được “biết”, được “bàn”, được “làm”, mà dân còn phải được “kiểm tra, giám sát”. Được kiểm tra, giám sát mọi vấn đề, mọi công việc của đất nước là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân chủ thực sự. Các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện để dân được kiểm tra, chất vấn, theo dõi, giám sát đến nơi đến chốn, trên tinh thần “dĩ công vi thượng”. Dân được kiểm tra, giám sát sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đồng thời bảo đảm hiệu quả các công việc, kế hoạch, công trình, dự án…
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII nêu rõ: “Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng, là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội”. Sự thật, vấn đề dân chủ trong Đảng đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra từ lâu. Trong “Di chúc”, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Thực tiễn cho thấy: Có phát huy dân chủ trong Đảng, thì mới phát huy được dân chủ trong toàn xã hội. Đây cũng chính là tinh thần: Cán bộ, đảng đi trước, làng nước theo sau.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” là những yếu tố cơ bản, quan hệ thống nhất, hữu cơ, biện chứng với nhau trong hệ thống tư tưởng “Dân chủ” của Đảng. Khái niệm “Dân” là các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng người đại diện là hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và cao nhất là Quốc hội. Vì vậy, đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tất yếu phải là những đại diện ưu tú của nhân dân, phải thể hiện rõ nhất các yếu tố “Dân chủ” trong hoạt động của mình. Nói một cách cụ thể, đại biểu HĐND các cấp và ĐBQH phải thật sự có tâm và có tài, có bản lĩnh, để kịp thời và thẳng thắn tiếp thu, phản ánh các ý nguyện của nhân dân đến các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Bên cạnh quyền dân chủ đại diện, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần coi trọng việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; thường xuyên tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, pháp luật được thực thi nghiêm là nhân tố quan trọng để nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình.
Đất nước ta đã thu được nhiều thành quả trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, nhưng đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi; một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn bị lạm dụng, bị “biến tướng” theo “lợi ích nhóm”; cải cách hành chính chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn; công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” từ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp phải được thể hiện mạnh mẽ và cụ thể trong đời sống xã hội, được thực thi rộng khắp, thực chất, đạt hiệu quả rõ rệt, tránh phô trương, hình thức chủ nghĩa.
ĐÀO NGỌC ĐỆ