Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các cấp, các ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường minh bạch trong thu, chi ngân sách Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua sắm tài sản công. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, ước tính tiết kiệm được khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng và sẽ còn tăng lên. Biên chế công chức được phê duyệt năm 2019 giảm 6,6% so với số được giao năm 2015, đã thực hiện tinh giản biên chế 10.047 người…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách. Vì vậy, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách, trình cấp có thẩm quyền quyết định; giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài; tập trung ngân sách để bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công. Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả dịch Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách…

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm, qua kinh nghiệm ứng phó và xử lý dịch Covid-19 cho thấy, nếu tiếp tục thực hiện thay đổi cách sống, kiểu sống, cụ thể là thay đổi về lễ hội, giao lưu thì không chỉ tiết kiệm cho nhà nước mà còn tiết kiệm cho toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu thực tiễn việc thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 cũng giúp tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể, ít nhất là chi phí hoạt động thường xuyên. Chính phủ nên có hướng dẫn, chỉ đạo, tránh sau khi hết thời gian cách ly có tình trạng “chi bù cho những cái lẽ ra phải chi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, lễ hội còn quá nhiều. Dù lễ hội không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng huy động của xã hội, tiền đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn là lãng phí. Ví dụ, bắn pháo hoa nhiều, thời gian dài gây tốn tiền của các nhà tài trợ. Nếu huy động tiền tài trợ đó để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo, hay huy động để ứng phó biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, để dành nguồn lực cho nhân dân, giảm bớt tiêu dùng xa xỉ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng phải có thay đổi. UBTVQH đã cho ý kiến và lưu ý về công tác hỗ trợ của Nhà nước cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lớn nên phải công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, phải đến tay người dân. “Ngay cả Quốc hội tới đây cũng sẽ có những hoạt động điều hành mang tính chất tiết kiệm rất cao. Quốc hội có thể có những kỳ họp trực tuyến giúp giảm rất nhiều chi phí. Đấy là một điểm góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

* Cũng trong ngày 22-4, UBTVQH cho ý kiến vào dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật Cư trú (sửa đổi); xem xét, quyết định việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định.

Ngày 22-4, UBTVQH nghỉ họp. Ngày 23-4, UBTVQH tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 44.

CHIẾN THẮNG