Cũng bởi thế, trong nhiều hội nghị quan trọng, nhất là đại hội chi bộ, đảng bộ, khi phân công phát biểu ý kiến và điều hành thảo luận, người chủ trì (cán bộ đứng đầu cơ quan) thường không đưa tôi vào danh sách những người tham gia ý kiến. Thậm chí, trước khi hội nghị diễn ra, có cán bộ còn đến vận động: “Hội nghị hôm nay có cấp trên về dự, để bảo đảm cho mọi việc “xuôi chèo mát mái”, xin anh phát biểu vào lúc khác, thời điểm khác. Những góp ý của anh, chúng tôi sẽ ghi nhận, tiếp thu bằng hình thức khác”.

Vậy nên lúc hội nghị diễn ra, các ý kiến phát biểu thường theo một kịch bản có sẵn được chuẩn bị từ trước. Các ý kiến này thường được cấp có thẩm quyền thông qua nhiều lần theo hướng chủ yếu ca ngợi thành tích, tung hô lẫn nhau; mà xét về bản chất thì đó là những ý kiến không nói đúng sự thật hoàn toàn. Khi tôi giơ tay xin phát biểu thì người chủ trì tỏ vẻ ái ngại, làm như thể không nhận ra cánh tay của người thẳng thắn. Đến độ, muốn phát biểu, tôi phải nói to: “Tôi xin ý kiến” rồi đi thẳng lên bục thì mới được thể hiện chính kiến của mình.

Tôi cho rằng, việc nói thẳng, nói thật không hề đơn giản, dù rằng mình có cái tâm trong sáng, động cơ đúng đắn, vì sự tiến bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Do đó, để cán bộ được nói thẳng phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ như Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII là rất cần thiết. Vấn đề là các cấp ủy, từng cơ quan, đơn vị phải đồng lòng hiện thực tinh thần, nội dung của kết luận vào cuộc sống và công tác. Làm được điều này rất cần sự lãnh đạo sát sao, đồng bộ, quyết liệt của Trung ương đối với tất cả các tổ chức trong toàn Đảng và hệ thống chính trị; ví như tạo nên các đợt sinh hoạt chính trị “nói thẳng, nói thật”, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình... Nên có làm điểm, làm trước ở một số nơi, rồi dần lan rộng ra, tạo thành thói quen, nền nếp trong cả hệ thống và toàn đội ngũ.

NGUYỄN HỮU QUÝ (74 tuổi, cán bộ hưu trí ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận)