Cha ông là cụ Phan Đình Quế, một nhà nho mất sớm, mẹ ông là cụ Đinh Thị Hoàng, cơ sở tin cậy của nhiều đồng chí tiền bối cách mạng.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã tham gia phong trào từ khi 15 tuổi, đến năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ đó, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên nhiều mặt. Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở ATK, khi công tác ở miền Nam, khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói: “Trong nhiều năm phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng, là lĩnh vực công tác rất khó khăn, phức tạp, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích đối với công cuộc đổi mới hiện nay”[1]. Trong đó đặc biệt quan trọng là công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Đến nay, những quan điểm của đồng chí Lê Đức Thọ về bố trí, sử dụng cán bộ vẫn được nghiên cứu vận dụng trong thực tiễn.

Bố trí, sử dụng cán bộ là công việc quan trọng của Đảng

Bố trí và sử dụng cán bộ là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, là yếu tố cơ bản để xem xét, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác cán bộ của cơ quan chức năng và cấp ủy quản lý trực tiếp cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ đúng và hiệu quả không chỉ đòi hỏi tính nguyên tắc mà còn phải linh hoạt và khéo léo. Kế thừa và tuân thủ tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, theo đó, công tác tổ chức cán bộ không chỉ thuộc về Đảng, làm trong nội bộ Đảng rồi đưa ra thuyết phục mà còn phải dựa vào thành ý và minh tâm để tìm và tuyển chọn được người có đức, có tài. Trong lựa chọn, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc và tùy tài mà dùng người. Đối với cán bộ của Đảng, Người từng dạy, bố trí và sử dụng cán bộ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn và sở trường. Đề bạt, bổ nhiệm đúng lúc, giao việc đúng tầm. Vì vậy, đồng chí Lê Đức Thọ xác định để các cấp ủy đảng làm đúng chức năng của mình thì công tác bố trí, sử dụng cán bộ đóng vai trò quyết định.

Nhận thức sâu sắc như vậy, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo cất nhắc, điều động cán bộ cho đúng người, đúng việc. Ðặc biệt, từ Ðại hội III đến Ðại hội VI của Ðảng, với vai trò Trưởng Tiểu ban nhân sự, đồng chí tận tụy đến tận nơi xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi giới thiệu cán bộ vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng, giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt nhân sự cho lựa chọn, bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào các kỳ đại hội Ðảng.

Đồng chí Lê Đức Thọ. Ảnh tư liệu

Đào tạo cán bộ gắn với bố trí, sử dụng

Trong công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ dồi dào là một nhiệm vụ rất quan trọng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Trong mọi thời kỳ cách mạng, trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Lê Đức Thọ luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trước cách mạng Tháng Tám 1945, khi phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Đức Thọ đã quyết định mở một lớp quân chính đào tạo cán bộ quân sự cho toàn Xứ ủy và giao nhiệm vụ cho đồng chí Vương Thừa Vũ, cán bộ quân sự của Xứ ủy phụ trách mở lớp, đồng thời làm giảng viên của lớp. Xứ ủy chọn xóm Lọt, xã Hoài An (Lạc Sơn, Hòa Bình) làm nơi mở lớp huấn luyện. Những cán bộ được đào tạo tại đây đã được tổ chức bố trí, sử dụng có hiệu quả, đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sau khi được Đảng và Bác Hồ tin tưởng cử vào theo dõi cách mạng miền Nam và được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị Xứ ủy Nam Bộ mở Trường Đảng Trường Chinh đào tạo cán bộ cao cấp, trung cấp và Trường Nguyễn Văn Cừ đào tạo cán bộ sơ cấp. Học viên lấy từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào cho tới mũi Cà Mau. Cán bộ được đào tạo tại những cơ sở này là nguồn quan trọng để lấp đầy sự thiếu hụt cán bộ đang xảy ra ở Nam Bộ.

Năm 1954, trước khi tập kết ra Bắc, để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng miền Nam sau này, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề xuất chủ trương đưa hàng vạn con em cán bộ miền Nam ra Bắc học tập. Theo đồng chí, con em miền Nam tập kết ra Bắc cả nam lẫn nữ, có nhiều thành phần khác nhau nhưng đều là hạt giống quý của sự nghiệp cách mạng. Ra miền Bắc có điều kiện học tập, sẽ phát triển tốt, là một lực lượng rất cần thiết cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tương lai. Đồng chí đã chỉ đạo Ban Thống nhất Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương tìm cách phát hiện, đề xuất ý kiến cho các cơ quan có trách nhiệm động viên, chăm sóc đời sống tình cảm và vật chất cho lực lượng này.

Tháng 11-1956, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị phân công kiêm chức Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Để chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa mới và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn đáp ứng đòi hỏi mới của cách mạng ở cả hai miền Nam - Bắc, đồng chí đã đề nghị Ban Bí thư sớm ra chỉ thị về công tác học tập lý luận của đội ngũ cán bộ các cấp. Ngày 22-1-1957, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 03-CT/TW Về học tập lý luận của cán bộ tại chức. Ngày 8-3-1957, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 08-CT/TW Về việc mở trường Đảng ở các cấp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ vừa trực tiếp tham gia giảng dạy một số bài, vừa là học viên tham dự các buổi giảng của chuyên gia Liên Xô. Đồng chí cùng với lãnh đạo Trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu mới.

Có thể khẳng định, với phương pháp làm việc khoa học, thái độ nghiêm túc, sâu sát trong công việc, nắm vững ưu, khuyết điểm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng sự, của cấp dưới; quyết đoán trong sắp xếp, bố trí, kiên trì trong tham mưu, đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Lê Ðức Thọ đã góp phần tích cực xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm tính kế thừa và sự vững vàng của Ðảng trong mọi tình thế. Ðồng chí Lê Ðức Thọ đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ trẻ tuổi để chuẩn bị cho các giai đoạn cách mạng tiếp theo, tính toán đến cả một số đồng chí có triển vọng chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976). Ảnh tư liệu: TTXVN 

Đánh giá đúng cán bộ làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng

Đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, là khâu tiền đề, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng sẽ phát huy được khả năng của từng cán bộ và đội ngũ cán bộ; ngược lại, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai, ảnh hưởng không tốt cho cơ quan, đơn vị. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những nhận định hết sức thực tế vấn đề này: “làm công tác cán bộ đã khó nhưng hiểu cán bộ lại là điều khó hơn, “thức lâu mới biết đêm dài”, nói chung đánh giá cán bộ 70 - 80% cũng là tốt rồi. Bởi vì trong thực tế đã diễn ra có cán bộ khi chưa có quyền lực thì khác, khi đã có quyền lực rồi thì mới bộc lộ hết khuyết tật; có cán bộ trong điều kiện thuận buồm xuôi gió thì không sao, song khi không được thoả mãn tham muốn của mình thì lại buồn phiền, bất mãn, oán trách tổ chức. Cố nhiên nói 70 - 80% không có nghĩa là nói đến diện cán bộ chủ chốt nhất trong Bộ Chính trị, các đồng chí chủ trì cơ quan cấp cao của Nhà nước”.

Thấy rõ được khó khăn, phức tạp như vậy, nên trong quá trình chỉ đạo công tác đánh giá cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thận trọng khách quan, không định kiến, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ cái đúng, chống cái sai, không ngại hiểu lầm, oán trách.. Theo đó, “phải hết sức khách quan trong vấn đề đánh giá cán bộ” và yêu cầu “không chỉ hiểu rõ quá khứ mà còn phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay, phải cân nhắc rất kỹ càng khi đánh giá cán bộ, nhìn nhận về tài năng, đạo đức, kết quả công tác, quá trình hoạt động của cán bộ”.

Đồng chí Lê Đức Thọ cũng luôn đi sâu, đi sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, thấy rõ ưu, khuyết điểm của từng cán bộ, trên cơ sở đó có những quyết định phù hợp trong sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ. Đồng chí Vũ Trọng Kiên, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, viết lại những điều đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: “Nhận xét, đánh giá từng người cán bộ, không thể chung chung, đại khái, nhưng cũng tránh sa đà vào những việc vụn vặt mà bỏ sót những việc lớn, nhất là đối với cán bộ giữ cương vị phụ trách”[2].

Chống những biểu hiện tiêu cực trong việc bố trí, sử dụng cán bộ

Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: “Trong khi đề bạt và sử dụng cán bộ, chúng ta thường gặp một trở ngại đáng chú ý là hiện tượng suy bì, tính toán hơn kém trong một số cán bộ với nhau. Hiện tượng suy bì, so sánh đó một phần là do những tư tưởng bảo thủ và một chiều gây ra, song một phần nữa là do những tư tưởng cấp bậc, địa vị mà có”[3]. Nếu thấy có những trường hợp đề bạt hoặc sử dụng cán bộ không đúng thì nên phản ánh với cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu sửa chữa, không nên gây thắc mắc trong hàng ngũ cán bộ.

Đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh, việc đề bạt cán bộ của Đảng không phải là việc “thăng quan tiến chức”, mà chỉ là việc phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ. Trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ phải nghiên cứu tỉ mỉ, cân nhắc kỹ càng, xét xem để cán bộ ở cương vị nào thì thích hợp với yêu cầu công tác và tương xứng với đức tài của họ, không nên vì sự suy bì thắc mắc không chính đáng của một số ít đồng chí khác mà rụt rè trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ. Phải kiên quyết đấu tranh chống mọi khuynh hướng bảo thủ, một chiều trong việc xem xét, đề bạt cán bộ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, có như vậy mới bố trí và sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được. Ðồng chí luôn đòi hỏi cán bộ công tác ở ngành tổ chức của Ðảng phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, rèn luyện phong cách làm việc sâu sát, cụ thể, phương pháp tư duy đúng đắn, khoa học khi xem xét con người. Ðồng chí luôn nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, đối xử với cán bộ không được xen cảm tình hoặc thành kiến cá nhân, phải khiêm tốn, không được cậy quyền thế, không được lộng quyền.

Việc bố trí, sử dụng cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng. Những quan điểm cơ bản của đồng chí Lê Đức Thọ về đề bạt và sử dụng cán bộ đã góp phần to lớn vào việc chỉ đạo thắng lợi công tác tổ chức cán bộ của Đảng cả trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí là người lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà ngoại giao kiên định, xuất chúng, có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng. Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí chủ yếu làm công tác tổ chức - xây dựng Đảng, có công rất lớn trong việc xây dựng Đảng ta.

TS ĐINH QUANG THÀNH

[1]. Lời điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại lễ tang đồng chí Lê Đức Thọ, ngày 17/10/1990, Báo Nhân Dân, ngày 18/10/1990.

[2]. Dẫn theo Vũ Trọng Kiên: “Anh Sáu Thọ với cán bộ tổ chức”, in trong sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), Sđd, tr.328.

[3] Lê Đức Thọ: “Một số vấn đề về xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và chống Mỹ, cứu nước”, Nxb Sự Thật, H, 1967, tr 119.