Là quốc gia có lịch sử lâu đời của châu Âu, Ba Lan nằm ở Trung Âu, phía đông giáp Ukraine, Belarus, Litva, Nga; phía tây giáp Đức; phía bắc là biển Baltic; phía nam giáp Séc và Slovakia. Ba Lan có diện tích 312.679km2 với dân số 38,56 triệu người (năm 2016). Trong giai đoạn 1945-1989, Ba Lan là một trong những nước có tốc độ phát triển cao trong khối xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1990 trở lại đây, Ba Lan kiên định thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế và là một trong những nước Trung Âu thành công nhất trong việc chuyển tiếp từ một nền kinh tế nửa tư bản, nửa nhà nước sang nền kinh tế thị trường. Ba Lan là nước không phải chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009. Ba Lan xếp thứ 20 về GDP trên thế giới và là nền kinh tế đứng thứ 6 Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi gia nhập EU và NATO vào năm 2004, Ba Lan ưu tiên tiếp tục hội nhập sâu vào các tổ chức này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Mỹ. Ba Lan hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, như: LHQ, EU, NATO, WTO, OECD, OSCE, IMF, WB...

Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4-2-1950. Dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, Ba Lan dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ba Lan là nước duy nhất có mặt trong cả hai Ủy ban Đình chiến sau Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Hàng nghìn sĩ quan và cán bộ Ba Lan đã tham gia hai ủy ban này.

Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp cũng như ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, đến quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo…

Về hợp tác thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung-Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 7 của Ba Lan ngoài EU. Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu là hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản, điện thoại, hàng điện tử... Trong khi đó, Ba Lan xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là sữa bột, tân dược, hoa quả, thiết bị cho ngành than, đóng tàu, phế liệu thép... Kim ngạch thương mại những năm qua tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 790 triệu USD, tính riêng 9 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 730 triệu USD.

Về đầu tư, tính đến tháng 10-2017, Ba Lan có 14 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 182,88 triệu USD. Trong 3 năm, từ 2014 đến 2017, đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam tăng gấp hai lần, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, chế biến, dịch vụ. Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Ba Lan với tổng vốn đầu tư khoảng 5,1 triệu USD thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm…

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Ba Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2010. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Ba Lan tháng 8-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan thăm Việt Nam tháng 8-2014. Tháng 10-2010, Ba Lan cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Hà Nội. Tháng 9-2014, Việt Nam cử Tùy viên Quốc phòng thường trú ở Ba Lan.

Một trong những mảng hợp tác được hai bên đặc biệt quan tâm là giáo dục-đào tạo. Kể từ thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; hơn 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Một trong những công trình hữu nghị giữa hai nước còn hoạt động là Trường THPT Việt Nam-Ba Lan tại Hà Nội. Hiện mỗi năm, Ba Lan cấp cho Việt Nam 10 suất học bổng đại học và trên đại học; Việt Nam tiếp nhận 10 sinh viên bạn sang thực tập (trong 10 tháng).

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan cũng là một trong những cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, có khoảng 40.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc ở Ba Lan. Cuộc sống của bà con ở đây tương đối ổn định, có những đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam của Tổng thống Andrzej Duda là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hai bên hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường… Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Với nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, chúng ta tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Andrzej Duda sẽ thành công tốt đẹp, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

QĐND