Đây là đại hội của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển nhằm phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; quyết tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phấn đấu vì hạnh phúc, tiến bộ của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước.

Năm năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII phát động, các tầng lớp phụ nữ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hàng triệu phụ nữ đóng góp ý kiến tâm huyết, quan trọng vào việc hoạch định đường lối, chủ trương đổi mới đất nước. Hàng vạn nữ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao đạo đức, văn hóa công vụ, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng nền hành chính liêm chính, minh bạch.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên họp trù bị. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trước những tác động của bối cảnh mới, phụ nữ tiếp tục là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm xây dựng gia đình; trao truyền các giá trị văn hóa, nền nếp, gia phong, nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và thế giới. Phụ nữ cũng ngày càng thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển nguồn nhân lực đất nước.

Đặc biệt, chiếm đến 63% cán bộ ngành y, trong suốt quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19, nữ cán bộ, nhân viên, nữ sinh ngành y đã nêu gương sáng về tinh thần xung phong, kiên cường, tận tụy, hết mình trên tuyến đầu chống dịch.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lực lượng phụ nữ, mà trực tiếp là phụ nữ lực lượng vũ trang, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ tham gia hiệu quả vào Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, là hậu phương tin cậy, vững chắc cho lực lượng nơi tuyến đầu.

Phụ nữ vùng biên tích cực tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Phụ nữ lực lượng vũ trang thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng cống hiến, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm. Lần đầu tiên, các nữ quân nhân Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, để lại ấn tượng tốt đẹp về năng lực chuyên môn và văn hóa, con người Việt Nam.

Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong 5 năm qua chính là nhờ sự lãnh đạo, chăm lo của Đảng, sự tạo điều kiện của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Trong đó, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và các cấp hội phụ nữ được khẳng định là chủ thể tổ chức, vận hành, trực tiếp chăm lo, vun đắp nên các giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và những thành tựu to lớn mà phụ nữ kiến thiết, sáng tạo nên.

Kết quả trong 5 năm qua là nguồn động lực to lớn, thúc đẩy, khuyến khích mọi nỗ lực cống hiến của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trước tác động của sự phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, các phương thức truyền thông hiện đại... đòi hỏi phụ nữ phải nhận diện, tháo gỡ được thách thức lớn trong việc tiếp nhận, làm chủ thông tin cũng như đối với công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ.

Các cấp hội cũng cần tập trung giải quyết thực trạng khoảng cách giàu, nghèo vốn đang gia tăng và mức độ thụ hưởng các thành quả kinh tế-xã hội giữa các nhóm phụ nữ không đồng đều... Trong khi đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức hoạt động vì phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới đặt ra yêu cầu đẩy mạnh vai trò kết nối, định hướng trong công tác phụ nữ của tổ chức hội.

Trước thực tế đó, để hoàn thành “sứ mệnh” của mình, các cấp hội cần nhất quán quan điểm, bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ.

Không ngừng phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.

Với ý nghĩa chính trị to lớn, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ nêu cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới; lựa chọn những cán bộ tiêu biểu nhất bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Một khi đã có đường lối đúng, có nhân sự tốt, chắc chắn Hội LHPN Việt Nam và tổ chức hội phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ; khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

QĐND