Báo QĐND Điện tử đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trân trọng giới thiệu đến độc giả.
 |
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. |
Phóng viên:Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có xác định nhiệm vụ về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; trong đó có bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng chí có thể cho biết cụ thể nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng là như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam được đề cập nhiều lần nhưng đã được đưa chính thức vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phương thức lãnh đạo là một hệ thống chính trị các phương pháp, cách thức mà Đảng với tư cách là chủ thể lãnh đạo tác động vào đối tượng lãnh đạo (Nhà nước, xã hội, nhân dân).
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần nhấn mạnh mấy ý. Thứ nhất là phát huy thực sự dân chủ trong Đảng. Khi phát huy thực sự dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức Đảng, các cơ quan lãnh đạo của Đảng thì hiệu quả lãnh đạo sẽ rất cao, phát huy được trí tuệ toàn Đảng, không khí dân chủ trong Đảng để đóng góp ý kiến chung của Đảng.
Thứ hai, phải thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi phát huy trí tuệ, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phải phục tùng tổ chức. Nếu những nguyên tắc ấy được thực hiện nghiêm thì hiệu quả lãnh đạo của Đảng rất cao. Vừa rồi nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi thực hiện không tốt dẫn đến những sai lầm, phần lớn các đồng chí trong diện Trung ương quản lý bị xử lý là do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ rồi mới gắn tới tham vọng quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
 |
Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Trọng Hải. |
Thứ ba, phải thực hiện tốt hơn nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong Đảng. Vừa rồi chúng ta đã làm rất tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì phê bình và tự phê bình trong Đảng đã ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn. Nếu thực hiện phê bình, tự phê bình trong Đảng ngày càng có hiệu quả thì sẽ ngăn chặn được những sai phạm và hướng tới tích cực. Uy tín của Đảng, hiệu quả lãnh đạo quản lý, hiệu quả cầm quyền của Đảng sẽ ngày càng được khẳng định.
Thứ tư, phải nhận thức đúng quyền cầm quyền của Đảng. Tức là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền thì đảng đó phải có quyền lãnh đạo, dẫn dắt phong trào cách mạng của đất nước, dân tộc; quyền lãnh đạo đối với nhà nước (quyết định đường lối, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức...). Tất cả các quyền của Đảng ấy phải được thực hiện tốt. Cần phải xử lý đúng đắn 3 chữ quyền: Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền, quyền làm chủ của dân. Đảng ta từng xác định, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nếu ba chữ quyền này được thực hiện nhuần nhuyễn thống nhất, không tách rời nhau sẽ tạo ra hiệu quả lãnh đạo cầm quyền tốt nhất của Đảng, nhất là trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá quyết liệt, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết giữa “xây” và “chống”. Vậy trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần tiếp tục chỉnh đốn trong Đảng như thế nào? Theo đồng chí, có cần thực hiện chất vấn trong Đảng không?
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Vừa rồi, những thành quả về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là tương đối rõ, cần nhấn mạnh mấy điểm rõ này, một là kỷ luật trong Đảng, pháp luật Nhà nước được giữ nghiêm hơn; hai là công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực, hiện tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền lợi ích nhóm... đã được giảm đáng kể, xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua các đại hội địa phương vừa rồi có được đội ngũ cán bộ đáng tin cậy, trẻ hơn, có năng lực trình độ học vấn cao, được rèn luyện trong thực tiễn; ba là luôn luôn gắn liền xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị tức là cả bộ máy nhà nước, đoàn thể, hệ thống mặt trận đều được thống nhất lại và xây dựng một cách đồng bộ.
Theo tôi, sắp tới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần nhấn mạnh một số nội dung sau. Đó là phải tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, mục tiêu đấu tranh cách mạng cho toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ cấp chiến lược, siết chặt kỷ luật hơn nữa (kinh nghiệm vừa rồi khi siết chặt kỷ luật thì vào nền nếp); tiếp tục lấy “xây" làm căn bản, là gốc nhưng đồng thời hết sức chú ý đến cái “chống”, chống là cái bức thiết, chúng ta không nên chỉ chăm lo cái “chống” mà bỏ mặc cái “xây”, cái “xây” mới là quan trọng. Nếu chúng ta quan tâm cái “xây” thì tổ chức Đảng sẽ mạnh, tổ chức chính quyền hệ thống chính trị sẽ mạnh và đội ngũ cán bộ đảng viên tốt hơn sẽ bớt đi những sai phạm và do đó cái việc “chống” cũng đỡ hơn. Ngược lại, khi chúng ta quyết liệt trong siết chặt kỷ luật, “chống” tốt hơn thì có khả năng răn đe để cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ít sai phạm, tạo ra được bộ máy trong sạch, vững mạnh. Vì vậy phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, giữa xây dựng chỉnh đốn Đảng với xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị.
Cần xây dựng hệ thống chính trị do Đảng cầm quyền lãnh đạo thành một nền chính trị văn minh, có chiều sâu văn hóa, tiến bộ, vì dân. Vì thế cần xây dựng văn hóa chính trị bài bản hơn trong quá trình Đảng lãnh đạo cầm quyền. Do đó, trong Đảng cũng phải thực thi dân chủ rộng rãi hơn theo lời dạy của Bác Hồ. Việc thực hiện chất vấn trong Đảng là cần thiết, cán bộ cấp dưới có thể chất vấn cán bộ cấp trên, trong Trung ương có thể chất vấn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí chất vấn người đứng đầu. Dưới cơ sở địa phương, cấp ủy có thể chất vấn thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư,...
Phóng viên: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng chí có cho rằng đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng?
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Bài học lấy dân làm gốc đã được Đảng tổng kết từ rất sớm ngay từ khi lên cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đến Đại hội khóa VI năm 1986, Đảng cũng tổng kết 4 bài học lớn trong lãnh đạo trong đó có bài học lấy dân làm gốc.
 |
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồ họa: Lam Anh. |
Vì thế, hiện nay theo hướng của Đại hội XIII thì ta phải tăng cường hơn nữa công tác vận động quần chúng, dân vận để phục vụ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và nên coi công tác dân vận không chỉ là hô hào mà thành nguyên tắc, quy chế làm việc. Bây giờ ta có nhiều quy định dân vận rất hay như dân vận chính quyền. Trước đây ta coi dân vận của Đảng, đoàn thể, Ban Dân vận nhưng bây giờ chính quyền cũng phải làm công tác dân vận, vì thế nhiệm vụ công tác dân vận sắp tới sẽ phong phú, đổi mới, lấy người dân làm trung tâm, người dân vừa là động lực phát triển vừa là đối tượng phục vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và vì thế phương châm của chúng ta là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, cái đích cuối cùng là lợi ích của dân.
Phóng viên: Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì, thưa đồng chí?
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi phải siết chặt kỷ luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật để không tạo ra những kẽ hở để phần tử xấu có thể lợi dụng và vi phạm pháp luật, làm cho mọi người dù có động cơ gì cũng không thể tham nhũng. Vừa rồi, chống tham nhũng là chống những cái xảy ra rồi, nếu kỷ luật Đảng tốt hơn, pháp luật Nhà nước tốt hơn, chính sách minh bạch rõ ràng hơn gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ đảng viên tốt hơn thì sẽ phòng ngừa được nguy cơ tham nhũng lãng phí, từ đó phòng được nguy cơ tự diễn biến chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Về mặt giáo dục, theo tôi phải chú ý cả hai phương diện, một là tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước phải quan tâm giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên, bảo vệ cán bộ, đảng viên; bản thân cán bộ, đảng viên cũng phải tự tu dưỡng, rèn luyện, xác định chuẩn mực đạo đức.
Phóng viên: Đồng chí có cảm nhận và kỳ vọng gì tại Đại hội XIII của Đảng?
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Đại hội XIII của Đảng mở ra mấy hướng mới, không chỉ tổng kết những kết quả của nhiệm kỳ cũ (một nhiệm kỳ mà theo tôi là đạt được thành công nổi bật về mọi mặt, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...), mà quan trọng của Đại hội XIII mà mọi người đang kỳ vọng là chúng ta sẽ đi nhanh hơn, bền vững hơn. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra những mục tiêu như: Đến năm 2025, nước ta vượt khỏi mốc thu nhập trung bình thấp, năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao. Và tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là gì cũng cần làm rõ. Tôi tin tưởng rằng, với đội ngũ lao động được đào tạo, tiếp cận với thế giới, đến năm 2030 nước ta sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, nước ta đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao. Một nước phát triển cao như thế cũng phải làm rõ nước phát triển cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì nó gồm những tiêu chí gì. Phát triển cao ở đây không chỉ là phát triển về kinh tế mà phải phát triển cao về chính trị, một nền chính trị văn minh hiện đại, một nền chính trị thực sự vì dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
BĂNG CHÂU-VIỆT CƯỜNG (thực hiện)