Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” (1).
Một đoạn văn với những lời lẽ giản dị, gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, nhưng rất súc tích và giàu hình ảnh, thể hiện tình cảm sâu sắc của Bác Hồ về mong muốn đoàn kết, gắn bó giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Với sắc thái biểu cảm, câu từ lô-gích, chặt chẽ, phương thức biểu đạt có tính so sánh cao, vì thế đoạn văn có sức lay động, lan tỏa và thuyết phục người đọc rất thấm thía. Và đây là một trong những nội dung biểu hiện rực rỡ nhất về tinh thần “khoan hồng đại độ” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ phát động cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức. Ảnh: MINH ANH
Trong một xã hội, một tập thể và nhỏ hơn là một gia đình, cũng có người nổi trội điểm này, người tốt mặt khác, người thiếu phẩm chất nọ, người “non” khí chất kia... Mỗi người có một nhận thức, hiểu biết, trình độ, tính cách, tâm lý, khí chất, phong cách, nếp sống, lối sống và cả mục đích, nguyện vọng, mong muốn... khác nhau. Đó là điều hiển nhiên phản ánh sự đa dạng, phong phú về diện mạo và nhân cách con người trong xã hội. Tuy nhiên, sinh ra cùng một xứ sở, có chung một cội nguồn và nói chung một thứ tiếng, vì thế ai cũng ít nhiều mang trong mình tinh thần dân tộc, niềm tự tôn, tự hào về dòng dõi và truyền thống của ông cha. Cái chung đó là điểm xuyên suốt, là cốt lõi để khẳng định và chứng minh đã là “Con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Cái chung đó vừa bao trùm, vừa chi phối đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải biết “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung nhất, lớn nhất để cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết gắn bó với nhau, không vì cái nhỏ, cái khác biệt trong suy nghĩ, phong tục, tập quán mà gây ra mâu thuẫn, chia bè, lập phái. Cũng như một bàn tay, nếu năm ngón đều ngang bằng nhau thì đâu phải là một bàn tay bình thường? Và một dân tộc, một xã hội cũng vậy. Tất cả mọi người đều giống nhau như đúc về diện mạo, tính cách, lối sống, mục đích, suy nghĩ... thì đâu còn sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống? Thông qua so sánh năm ngón tay trên một bàn tay, bằng sự liên tưởng tinh tế và sâu sắc, Bác Hồ đã suy rộng ra là trong một xã hội cũng phải có “người thế này hay thế khác”, nên ta phải biết “khoan hồng đại độ” để ăn ở, đối xử với nhau cho trọn nghĩa vẹn tình. Cách nói này của Bác rất gần gũi, thân thuộc, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Tính thuyết phục và cách thu phục nhân tâm mềm mại, tài hoa của Bác là ở chỗ đó.
Mặt khác, sự tồn tại của xã hội luôn có hai mặt đối lập nhau: Cái tốt-cái xấu, cái thiện-cái ác, tiến bộ-tiêu cực, văn minh-lạc hậu... Điều cần thiết là chúng ta phải biết giữ gìn, trân trọng, nâng niu và thường xuyên xây dựng những điều tốt đẹp để tạo ra "sức đề kháng” ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế những cái xấu xa, lạc hậu. Tuy vậy, do tác động khách quan của hoàn cảnh xã hội và xuất phát từ ý thức chủ quan, có người đã “lạc lối lầm đường” hay không làm chủ được bản thân nên bị sa ngã, biến chất, thoái hoá, thậm chí “bán rẻ lương tâm” để làm “tay sai cho giặc”. Với những con người như thế, chúng ta cần có cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, phân loại rõ đối tượng và lấy tình đồng bào, nghĩa đồng chí để cảm hoá họ, giúp đỡ họ ăn năn hối cải, trở về cuộc sống lương thiện và góp công, góp sức vào công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Thái độ hẹp hòi, định kiến với những người đã từng “sa cơ, lỡ bước, lầm đường” không những làm cho việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng trong xã hội thêm khó khăn, trở ngại, mà còn là nguyên nhân gây ra khoảng cách tình cảm cộng đồng giữa con người với con người ngày càng xa hơn. Bởi vì, như người xưa đã căn dặn hậu thế, lấy ân báo oán là “thượng sách”, còn lấy thù báo oán chỉ là “hạ sách” mà thôi. Vả lại, truyền thống ông cha ta là “Đánh kẻ chạy đi chứ ai nỡ đánh người chạy lại”. Bác Hồ cũng từng nói rằng, người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Bởi vậy, chúng ta phải biết làm cho “Cái tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái xấu mất dần đi. Đó là thái độ của người cách mạng”. Khi cái tốt, cái đẹp được nhân lên, tình thương yêu của con người được phát huy, thì xã hội sẽ có một nền tảng đoàn kết ổn định, các mối quan hệ trở nên thân thiện, lành mạnh và vì thế, tiền đồ dân tộc và tương lai nước nhà “chắc sẽ vẻ vang”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bằng trí tuệ, tài năng, tâm hồn, đạo đức và nhân cách giản dị, cao cả của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp, đoàn kết, quy tụ được mọi giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, lứa tuổi và mọi chính kiến, tư tưởng khác nhau trong xã hội Việt Nam, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ vô tư của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của nước nhà ở thế kỷ 20. Và Người đã thành công. Đúng như PGS Vũ Ngọc Khánh đã viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “Thực sự bao dung, hiền hòa, cởi mở... Sự đoàn kết do Ông nêu lên, thực sự vì quyền lợi quốc gia dân tộc, vì nghĩa tình trong truyền thống. Chỉ có như thế, 54 dân tộc mới có thể châu tuần quanh Ông. Tất cả các lãnh tụ trước đây đều đã nói, đã chủ trương đoàn kết, nhưng có lẽ chưa ai gắn được một cách thường trực tinh thần đoàn kết này vì nghĩa đồng bào như Hồ Chí Minh cả. Cái độc đáo của Ông là biết kết dính khối đoàn kết ấy với những chất liệu folklore (văn hóa dân gian). Thông thường, người được đặt vào một địa vị quý tôn hay có một trình độ kiệt xuất nào đó, thường cứ muốn tạo ra một cự ly với quần chúng để tỏ rõ uy thế, uy danh-rồi những người ngoài cũng không ít kẻ góp phần tạo hộ nên cái cự ly xa cách ấy. Ông Hồ không hề làm như vậy và cũng không cho phép ai làm. Ông thực sự xem mình là một thành viên trong đại gia đình dân tộc”(2). Thần thái vĩ đại và sức lan tỏa, cảm hóa của Người chính là bắt nguồn từ phong cách đối nhân xử thế mẫu mực này.
Truyền thống nhân ái của dân tộc, tinh thần khoan dung cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng, giữ gìn và phát huy đã và đang góp phần to lớn vào việc củng cố và tăng cường khối đoàn kết và sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao ý thức tự tôn và niềm tự hào dân tộc, xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp, tạo nền tảng cho sự ổn định chính trị và môi trường thuận lợi để thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
NGUYỄN VĂN HẢI
-------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995, tập 4, trang 246-247
(2) Minh triết Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa-Thông tin, HN, 1999, trang 108