Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, bộ máy hành chính Nhà nước dù đã được thu gọn, song thực chất về cơ cấu tổ chức bên trong lại phình to như tình trạng thành lập nhiều phòng trong Vụ dù nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã hạn chế việc này. Việc giải thể - sáp nhập bộ máy, nhiều nơi làm chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng có nơi sáp nhập được đơn vị này lại đẻ ra các đơn vị khác với quy mô lớn hơn và làm tăng thêm biên chế, tăng thêm lãnh đạo.
Một nguyên nhân khác khiến việc tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất mà nhiều đại biểu đề cập, đó là chúng ta chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân thực hiện chủ trương này. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu cũng chưa nghiêm.
Báo Quân đội nhân dân Online xin trích đăng một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về những nhiệm vụ giải pháp kiến nghị nâng cao hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tinh giản biên chế trong thời gian tới.
* Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định):
Xử lý nghiêm người đứng đầu không thực hiện tinh giản biên chế
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định). Ảnh: Quốc hội.
Nhìn chung, trong thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực; biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho đến nay chúng tôi nhận thấy rất khiêm tốn. Nhóm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3.000 người. Trong khi đó, nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập lại tăng nhanh, đến nay đã lên tới hơn 2 triệu người và tăng 5,8% so với năm 2011. Đây là nhóm cần giảm lại tăng rất mạnh so với nhóm kia, điều này tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Ngoài nguyên nhân khách quan, tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan cũng rất đáng lưu ý; đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kỷ luật quản lý biên chế. Việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Do đó, chúng tôi đề nghị thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 thì cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện đúng quy định không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy.
* Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương):
Quan trọng là đổi mới nhận thức và tư duy của mỗi cán bộ công chức, viên chức
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Quốc hội.
Để cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là nhận thức và tư duy của mỗi cán bộ công chức, viên chức có chịu đổi mới và chúng ta có đủ dũng khí để bước qua lực cản trong tiến trình nhằm cải cách và “chưng cất” lại đội ngũ cán bộ công chức hay không. Thực tế đã minh chứng thể chế đã đổi mới qua Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều tiến bộ nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh và chưa hiệu quả. Việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ, hóa ra lại quá khó. Cái khó ở đây chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một “bàn tay sắt” đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này. Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để "cõng" cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả mà Đoàn giám sát chỉ ra.
* Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long):
Kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai quy định
Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long). Ảnh: Quốc hội.
Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phải xác định xây dựng nền hành chính vì dân. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến cấp cơ sở - nơi trực tiếp với dân, nơi triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ. Vì thế, phải tính số lượng cán bộ cấp cơ sở cho phù hợp, số cán bộ này phải có đạo đức, đủ trình độ, có năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Song song đó, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp bảo đảm cuộc sống thì cán bộ cấp cơ sở mới dành hết thời gian, tâm huyết của mình cho công việc, cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp để phân cấp quản lý triệt để hơn cho địa phương; đề nghị Chính phủ phân định rõ phần việc nào của trung ương, phần nào của địa phương thì giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật, có như thế mới phát huy được tính chủ động sáng tạo của các địa phương tránh tình trạng trông chờ như hiện nay.
* Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên):
Quy định mềm số lượng cơ quan, tổ chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên). Ảnh: Quốc hội.
Để việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong thời gian tới đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập, tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan trong việc rà soát các văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị để tạo sự thống nhất. Tôi nghĩ, nên quy định mềm số lượng cơ quan, tổ chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc để tạo sự chủ động cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tinh gọn hợp lý hiệu quả theo yêu cầu Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Đồng thời việc quy định biên chế hành chính cấp tỉnh nên thực hiện trên cơ sở tiêu chí về dân số, diện tích, đặc điểm về vị trí địa lý liên kết yếu tố đô thị, nông thôn và hải đảo. Bên cạnh đó, việc bố trí bộ máy cấp xã không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công việc nhiều, chức danh công chức ít, cán bộ chuyên trách lại quá nhiều, lương phụ cấp quá thấp, điều kiện phương tiện làm việc khó khăn. Tôi đề nghị nên xem xét quy định tăng thêm định mức công chức cấp xã theo hướng kiêm nhiệm bỏ chức danh bán chuyên trách để từ đó nâng mức lương và phụ cấp điều kiện làm việc của chính quyền cấp xã.
* Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An):
Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ mất đạo đức
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). Ảnh: Quốc hội.
Khi đánh giá về những yếu kém, tồn tại trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước, hầu hết các đánh giá kết luận đều có tài liệu, số liệu, địa chỉ để chứng minh cho từng đánh giá kết luận mang tính thuyết phục rất cao. Tuy vậy, có 2 đánh giá kết luận rất quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại trang 20, 42, 55, 56 của báo cáo giám sát, đó là bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng, nấc trung gian, tình trạng bộ trong bộ càng nặng nề thêm. Xuất phát từ đánh giá này nên trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tại trang 4 ghi rõ "giảm cấp trung gian". Thế nhưng, cấp trung gian là cấp nào; tình trạng bộ trong bộ xảy ra ở đâu thì trong Báo cáo giám sát không chỉ rõ. Tìm hiểu xem tổng cục có phải là cấp trung gian không, là bộ trong bộ hay không thì thấy trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ thì có 17 bộ, cơ quan ngang bộ có tổng cục, còn lại 5 bộ và cơ quan ngang bộ không có tổng cục, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc. Với những phân tích đã nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để chúng ta giảm cho đúng. Theo tôi, đã đến lúc Quốc hội cần phải mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các bộ, ngành Trung ương chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ, cục cần phải giảm. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, rất tế nhị, không thể cào bằng bởi vì mỗi bộ, ngành có một đặc điểm riêng nhưng nhất định phải giảm chứ không thể để nhiều như hiện nay. Sắp tới, một số bộ, ngành có cấp tổng cục đang nhìn nhau, nếu xảy ra tình trạng quyết không đi đầu thì biết bao giờ chúng ta mới giảm được cấp trung gian.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, vấn đề nhức nhối được cử tri và xã hội đặc biệt quan ngại, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, vi phạm quy luật, bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều nơi. Nền đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều tồn tại, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó mơ hồ, chưa được quy định cụ thể, kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn. Chính vì vậy, biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất là phải có chế tài đủ mạnh. Biện pháp xử lý nghiêm khắc, khẩn trương nghiên cứu đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi chuẩn mực đạo đức công vụ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp lý hóa chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan và tổ chức.
* Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ):
Rà soát công tác cải cách hành chính để tránh “ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người”
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ). Ảnh: Quốc hội.
Theo tôi, trong công cuộc đổi mới và cải cách bộ máy hiện nay phải được thực hiện đồng bộ, tổng thể của cả hệ thống chính trị mà trước hết là bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và cả lực lượng vũ trang chứ không chỉ bộ máy hành chính nhà nước. Để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, theo tôi phải đổi mới từ cấp trên, từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm của chúng ta lâu nay. Như vậy mới có tính mục tiêu và định hướng để cấp dưới có căn cứ thực hiện.
Một trong những bất cập khó khăn của việc tinh giản biên chế là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát thực chất nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách, số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Về vấn đề này tôi đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người. Nếu theo lộ trình đến năm 2030 chúng ta phải giảm tối thiểu 30% so với hiện nay thì nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có việc cho ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với việc tuyển chọn bổ sung cán bộ trẻ, có đức, có tài vào cơ quan nhà nước. Còn nếu chỉ giảm mà không tuyển dụng mới thì phải xem xét lại công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục hiện nay xem để tồn tại như thế nào. Nếu cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu sau khi ra trường.
THẢO NGUYỄN (ghi)