Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết này.

Tại phiên họp, đại đa số ý kiến đại biểu phát biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết này. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn thống kê, tổng số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù khoảng 150.000 người, trong đó có tới 67% mới chỉ học hết cấp I, cấp II, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc là lao động tự do.

 Quang cảnh phiên họp sáng 3-6. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại, cho thấy nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Nếu không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong hình phạt. Họ dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, hầu hết trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, giao thông không thuận tiện. Do đó, các tổ chức, cá nhân mặc dù có nhu cầu lớn về nguồn lao động, nhưng rất ngần ngại khi hợp tác với các trại giam.

Vì vậy, đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ ban hành nghị quyết để tạo môi trường lao động đạt tiêu chuẩn cho phạm nhân. Việc ban hành nghị quyết cũng tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự hiện hành đã thống nhất tinh thần chế độ lao động là bắt buộc đối với phạm nhân, có vai trò rất quan trọng trong giáo dục, cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tiễn nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, phạm nhân sau khi chấp hành xong hình phạt tù thường phải sống trong sự kỳ thị của xã hội, khiến họ cảm thấy bế tắc và cảm giác “như phải bước chân vào nhà tù thứ hai”.

Nhấn mạnh những vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nói, lao động, dạy nghề là điều quan trọng để “giúp mở khóa cảnh cửa nhà tù thứ hai này, tạo điều kiện cho phạm nhân sau khi ra tù sẽ có cơ hội để làm điều tốt, sống có ích cho xã hội, tái hòa nhập cộng đồng”.

Tuy vậy, cũng có đại biểu Quốc hội tỏ ra thận trọng khi bàn về dự thảo nghị quyết này. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho rằng, việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang...

Phát biểu giải trình thêm về ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, để phù hợp với trình độ phạm nhân thì sẽ ưu tiên chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội khi tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước như cơ khí, điện máy, dệt, thủ công mỹ nghệ, gia công hàng hóa nói chung...

Cũng trong buổi sáng 3-6, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.     

Thứ hai, ngày 6-6, Quốc hội tiếp tục làm việc.

 CHIẾN THẮNG