Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân của Đảng bao hàm trong đó cả việc tiếp tục khẳng định quan điểm của các kỳ đại hội trước; đồng thời có những nội dung phát triển mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng.
Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cả hai thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; tuy nhiên, quy mô sở hữu là khác nhau. Thực tiễn cho thấy, việc phát triển kinh tế tư nhân trong cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cách gọi trước đây và nay là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng ta kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới. Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù trong thực tiễn quá trình phát triển kinh tế tư nhân, một mặt do công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với các tầng lớp dân cư, cũng như quá trình tổ chức thực hiện còn những bất cập, hạn chế; mặt khác do sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta... nên không ít người vẫn còn biểu hiện băn khoăn, nghi ngại về tính nhất quán của đường lối, chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng. Do vậy, Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng đã khẳng định rõ: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật... Quan điểm trên của Đảng cho thấy, phát triển các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân là chủ trương nhất quán, là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta-điều mà các đại hội thời kỳ đổi mới trước đó đã khẳng định.
Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, có thể thấy rất rõ những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bao gồm: Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; huy động các nguồn vốn trong nhân dân, trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam... Số liệu thống kê về kinh tế tư nhân cho thấy, hiện cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn 2006-2015, so với khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy, kinh tế tư nhân không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” như đã khẳng định ở Nghị quyết Đại hội XI, mà còn là động lực “quan trọng” của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong điều kiện nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đại hội XII của Đảng chủ trương: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Điều rất đáng chú ý là, Đảng ta chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “đa sở hữu”. Những chủ trương nêu trên của Đảng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay và cần được từng cấp, từng ngành, từng địa phương nhận thức một cách đầy đủ.
Hiện thực hóa chủ trương, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển các thành phần kinh tế nói chung, phát triển kinh tế tư nhân, từng cấp, từng ngành, đơn vị, địa phương từ Trung ương đến cơ sở phải tập trung nghiên cứu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường bảo đảm đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Đảng ta chủ trương: Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng-an ninh; những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn vừa thể hiện sự tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân những năm qua; vừa tạo những đột phá mới về môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ hiện nay.
PGS, TS PHẠM VĂN SƠN