Năm 2021, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là dịp để Đoàn đúc kết lại những giá trị cốt lõi được hun đúc qua nhiều thế hệ; đồng thời nhìn ra những vấn đề mới, yêu cầu mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Qua đó giúp Đoàn định hình đầy đủ, rõ ràng hơn trong quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mình. Để từ đó có nhiều hơn những thanh niên ưu tú, đảng viên trẻ, đoàn viên chất lượng, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường năm 2045.

Đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đánh giá cao vị trí, vai trò to lớn của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, đào tạo và phát huy thế hệ trẻ, trong đó đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ. 90 năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ luôn tiên phong, mở đường cho việc tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhất là đối với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ở những thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng. Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, chỉ thị chuyên đề về giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên theo từng giai đoạn. Tổ chức Đoàn đã tăng cường nắm bắt thông tin, tình hình thanh niên thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội; ứng dụng phương pháp “dữ liệu lớn” (Big Data) trong khảo sát, nắm bắt tình hình dư luận thanh niên liên quan đến các chương trình, đợt hoạt động lớn của Đoàn. Lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội của Đoàn tiếp tục được củng cố và hoạt động tương đối hiệu quả.

Tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội hưởng ứng chiến dịch thanh niên tình nguyện. 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh, thiếu nhi có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, củng cố tình cảm, niềm tin, lý tưởng và bản lĩnh chính trị cho thanh, thiếu nhi, tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Yêu cầu đặt ra là phải đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu nhi sống có lý tưởng, có niềm tin và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Vấn đề này vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết, trước mắt; vừa là chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định: (1) Cần không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, học tập và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, của Đoàn vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên theo hướng đa dạng hóa các hình thức triển khai. (2) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước của cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp. (3) Tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhân dịp các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Đoàn, Hội, Đội bằng nhiều hình thức phong phú. (4) Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng dư luận trong thanh niên thông qua đội ngũ dư luận viên xã hội, mạng lưới thăm dò dư luận, đối thoại trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. (5) Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh, thiếu nhi.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Tâm huyết, khát vọng và kiên định là 3 yếu tố mà cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên thời nào cũng cần và điều đó được hun đúc, bồi đắp, nuôi dưỡng, phát triển qua nhiều thế hệ. Chính khát vọng độc lập dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn cho thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với những phong trào đỉnh cao đi vào lịch sử như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”... góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khí thế từ những phong trào hành động cách mạng của các thế hệ thanh niên lớp trước để lại là những bài học quý giá để chúng ta tổ chức phong trào hành động cách mạng cho thanh niên hiện nay theo hướng vừa phải khơi sức, phát huy thanh niên; đồng thời chăm lo, bồi dưỡng cho họ. Trong bối cảnh hội nhập, thời đại số với nhiều cạnh tranh thách thức, mục tiêu đa dạng hơn, thanh niên có sự phân tầng, Đoàn càng phải chăm lo, đồng hành, bồi dưỡng để thanh niên phát triển toàn diện mới phát huy các bạn một cách tốt nhất.

Trong triển khai phong trào hiện nay, Đoàn cần đặc biệt quan tâm đến hai nhóm đối tượng: Thanh niên tài năng và thanh niên yếu thế. Nhóm thanh niên tài năng là tinh hoa ở trong từng thế hệ, nếu biết phát huy các bạn đồng hành với Đoàn dẫn dắt lớp thanh niên ở giữa để ngày càng có thêm nhiều thanh niên tài năng thì chắc chắn sự đóng góp của người trẻ cho đất nước sẽ nhiều hơn. Nhóm thanh niên yếu thế là nhóm cần được chăm lo để các bạn vươn lên bứt ra khỏi khó khăn và trở thành thanh niên ở nhóm giữa và cao hơn, từ đó giảm đi thanh niên yếu thế. Cũng giống như một đoàn tàu, nếu có đầu tàu mạnh, thân tàu ở giữa rất khỏe mạnh, phần ở phía sau ít, thậm chí không còn nữa thì đoàn tàu đó sẽ chạy rất nhanh về đích mục tiêu khát vọng 2045.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn các em học sinh ôn bài. 

Từ khung của 3 Phong trào: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, tổ chức Đoàn thiết kế những phong trào nhánh phù hợp với nhu cầu, năng lực, mong muốn của từng nhóm đối tượng thanh niên trên cơ sở mẫu số chung. Khi mình khơi được dòng chảy của từng khe suối nhỏ thì dòng nước đó sẽ đổ về một con sông lớn. Và khơi được càng nhiều con suối nhỏ thì dòng sông càng có nhiều nước, càng lớn, chảy càng nhanh về biển lớn tạo nên sức mạnh to lớn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn sẽ khơi được sức mạnh tiềm tàng, khát vọng, ý chí của từng bạn trẻ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.

Bên cạnh đó, để xây dựng một phong trào có sức hút, cần có hạt nhân nòng cốt dẫn dắt, định hướng. Hạt nhân đó có thể là cán bộ Đoàn, Hội, cũng có thể là thanh niên tiêu biểu, người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng ở các lĩnh vực. Và đặc biệt, cần ứng dụng một cách mạnh mẽ, triệt để lợi thế của công nghệ số và chuyển đổi số trong tập hợp thanh niên, tổ chức phong trào cho thanh niên.

Góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Chúng ta kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn trong bối cảnh Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa kết thúc thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã quyết nghị định hướng phát triển đất nước rất quan trọng, dài hạn, xác lập mục tiêu đến năm 2030, khát vọng, tầm nhìn năm 2045, với mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường. Trong Nghị quyết của Đại hội XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của tất cả các vấn đề. Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045 thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, không riêng gì thanh niên. Tuy nhiên, thanh niên phải gánh vác sứ mệnh của mình, với tư cách là những người trẻ, những người xung kích sáng tạo. Những bạn thanh niên hiện nay đến năm 2045 sẽ ở độ tuổi trên dưới 40, bước vào độ tuổi đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm để gánh vác trọng trách lớn ở từng cơ quan, đơn vị, lĩnh vực của xã hội. Những em thiếu nhi hiện nay, thậm chí, những cháu bé sinh ra ở thời điểm này vừa là chủ thể mới, cũng vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển đất nước.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó nên ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã bàn về chương trình hành động của tuổi trẻ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hiện nay, chương trình hành động đang được khẩn trương hoàn thiện và sẽ ban hành rất sớm trong những ngày tới đây. Chương trình hành động của Đoàn có 8 chương trình lớn, trong đó 1 chương trình tập trung phát triển nguồn nhân lực trẻ, phát hiện, bồi dưỡng, đề xuất sử dụng thanh niên tài năng, để làm sao các bạn đóng góp tốt nhất cho quá trình phát triển đất nước. Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn bám sát những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII để có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó chú trọng giáo dục lớp thanh niên năm 2045 không chỉ giỏi về chuyên môn, có năng lực hội nhập toàn cầu mà còn có bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong 3 khâu đột phá, đặc biệt là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao đặt vai trò thanh niên ở vị trí trung tâm. Nghị quyết đặt yêu cầu Đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để bám sát yêu cầu phát triển, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thân của thanh niên, vừa bồi dưỡng, phát huy thanh niên để đóng góp nhiều nhất cho mục tiêu phát triển đất nước.

Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ mới-thời kỳ khẳng định vị thế, giá trị con người Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, tổ chức Đoàn cũng cần phải tự đổi mới và làm mới mình qua mỗi chặng đường phát triển để thích ứng những biến chuyển nhanh chóng của xã hội. Muốn thực hiện tốt điều đó, không chỉ cần sự tiên phong của tổ chức Đoàn Thanh niên mà còn cần sự vào cuộc, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội khác với mục tiêu tạo ra một lớp thanh niên “vừa hồng”, “vừa chuyên” như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn.

NGUYỄN ANH TUẤN - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn