Những sứ giả đến sớm

Khi chiếc chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Schiphol vào buổi chiều muộn ngày 8-7 vừa qua, cũng là bắt đầu hành trình công tác của Thủ tướng Chính phủ ở một xứ sở quen thuộc với nhiều người Việt Nam.

Sở dĩ quen thuộc bởi vì trước khi hai nước Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức thì những “sứ giả” của lịch sử, văn hóa, thể thao, kinh tế của Hà Lan đã đến với Việt Nam từ rất sớm!

Lật lại những trang lịch sử từ hơn bốn thế kỷ trước, ngay từ năm 1602, công ty Đông Ấn của Hà Lan, tập đoàn đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và là tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới trong thế kỷ XVII đã đến Việt Nam mua gia vị, gạo, lụa, gốm sứ, những vật phẩm mang màu sắc hương xa phương Đông về để tiêu thụ ở Hà Lan.

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khi nhắc đến Hà Lan, có mấy ai mà không biết đến họa sĩ vĩ đại Van Gốc (Van Gogh), danh họa trường phái hậu ấn tượng mà nhiều tác phẩm của ông được yêu thích nhất, nổi tiếng nhất và cũng đắt nhất thế giới. Cùng với Van Gốc, cả một trường phái hội họa Hà Lan với những tên tuổi lẫy lừng như: Rem-bran (Rembrandt), Vơ-mê-ơ (Vermeer), Mon-đri-an (Mondriaan)... đã làm rung động bao con tim của những người yêu nghệ thuật trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Nhưng phải nói rằng, đất nước Hà Lan quen thuộc với người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại lại qua một con đường ít ai ngờ: Bóng đá. Là một đất nước có số dân không nhiều so với nhiều cường quốc khác nhưng “nhỏ mà có võ”, bóng đá Hà Lan đã khuynh đảo châu Âu trong suốt những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước và còn vang danh đến tận ngày nay. Lối bóng đá tổng lực do người Hà Lan phát minh ra hồi thập kỷ 70 đã thổi những cơn cuồng phong da cam trên các sân cỏ thế giới làm say mê biết bao người. Và bất cứ một ai yêu thích môn thể thao phổ cập nhất thế giới này đều không thể không biết đến những đại diện xuất chúng là người Hà Lan như danh thủ Giô-han Cru-íp (Johan Cruyff) và hàng loạt các hảo thủ sau ông như Van Ba-xten (Van Basten), Gu-lít (Gullit)...

Mà có người Việt nào lại không biết đến Hà Lan là xứ sở của hoa tulip và cối xay gió, của những đôi guốc gỗ hay pho mát thượng hạng? Rồi còn đó những thương hiệu Hà Lan không hề xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam: Điện tử Philips, mỹ phẩm Unilever, dầu Shell hay bia Heineken...   

Vì thế, đến với Hà Lan, “miền đất thấp” như tên gọi không chính thức của đất nước này do lẽ khoảng một phần tư diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển, là đến với một không gian kinh tế văn hóa xã hội quen thuộc, nơi mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã gắn kết từ nhiều năm qua.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu an toàn thực phẩm RIKILT. 

Sự linh hoạt của một mối quan hệ

Từ Sân bay quốc tế Schiphol về thành phố La Hay, nơi diễn ra các hoạt động chủ yếu trong chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những cánh đồng lúa mì vàng ruộm bạt ngàn trải dài hai bên đường. Nông nghiệp là một lĩnh vực rất phát triển trong nền kinh tế Hà Lan, là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Còn dọc đường từ La Hay-thủ đô hành chính, đi Am-xtéc-đam - thủ đô chính thức, được trang điểm bởi vô số những chiếc chong chóng khổng lồ của những tua-bin phát điện gió. Những ngọn gió phóng khoáng ở “miền đất thấp” này đã góp phần tạo nên một ngành công nghiệp hết sức phát triển của Hà Lan: Phong điện.

Cũng giống như bóng đá, nền kinh tế Hà Lan “tuy nhỏ nhưng có võ”, được mệnh danh là “đất nước nhỏ nhưng thành tựu lớn”, với những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đưa Hà Lan trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới về phát triển.

Hà Lan đã tận dụng những ưu thế của một nền kinh tế phát triển đó để hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Có thể nói, mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu.

Tính chất năng động, linh hoạt thể hiện ngay ở chỗ khi chưa có điều kiện thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước (tháng 10-2010), và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp Bền vững và An ninh Lương thực (tháng 6-2014). Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.

Hà Lan có hệ thống đê biển hết sức hiện đại, đủ sức để hóa giải những bất lợi do có một phần diện tích nằm dưới mực nước biển. Vì thế, không có gì thích hợp hơn khi những kinh nghiệm của Hà Lan trong việc “trị thủy biển” sẽ giúp Việt Nam trong cuộc chiến cam go chống lại những tác động bất lợi của sự biến đổi khí hậu mà nghiêm trọng nhất chính là hiện tượng nước biển dâng.

Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực giữa hai nước cũng giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tháng 8-2016 có thêm sự hỗ trợ từ một đối tác giàu kinh nghiệm và nhiều tiềm lực!

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe các bạn Hà Lan giới thiệu về một dự án hợp tác với Việt Nam. 

Đối tác tự nhiên của nhau!

Trong ba ngày thăm chính thức làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với đại diện các tổ chức kinh tế xã hội, thăm các viện nghiên cứu, trường đại học của Hà Lan, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan, làm việc với đại diện một số doanh nghiệp tại Hà Lan, thăm Trung tâm điều hành cảng quốc tế Rotterdam...

Tất cả những hoạt động ấy đều nhằm mục tiêu: Thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan, mối quan hệ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu ở Đại học Wageningen sáng 10-7 đã nhận xét rằng là “đối tác tự nhiên” của nhau!

Sở dĩ Thủ tướng nhận xét như vậy bởi cũng trong bài phát biểu ở Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan diễn ra vào chiều 10-7 ở Trung tâm Diễn đàn Thế giới thành phố La Hay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nhìn lại lịch sử quan hệ giữa hai nước có chiều sâu mấy trăm năm: “Từ thế kỷ 17, các đội tàu buôn Hà Lan đã lập chi nhánh tại Hội An, nay là Di sản văn hóa thế giới. Các doanh nghiệp Hà Lan cũng là những thương nhân đầu tiên có mặt làm ăn tại Phố Hiến (Hưng Yên) mấy thế kỷ trước". Thủ tướng nhấn mạnh: "Doanh nhân Hà Lan là những người tiên phong trong giao thương với Việt Nam; tổ tiên các bạn là những người rất nhạy bén trong quan hệ làm ăn với Việt Nam".

Truyền thống giao thương đó vẫn còn được tiếp nối cho đến ngày nay. Hà Lan là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt 6,7 tỷ USD, là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với tổng vốn FDI đăng ký đạt 7,7 tỷ USD.  Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 2,9 tỷ USD.

Việt Nam và Hà Lan là "đối tác tự nhiên" của nhau còn bởi hai nước đều là những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Chỉ có điều, do được áp dụng các thành tựu công nghệ hiện đại nên nông nghiệp Hà Lan có năng suất rất cao, hàm lượng "4.0" trong các sản phẩm giúp người Hà Lan thu được giá trị xuất khẩu lớn. Trong khi đó, Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu nông sản nhưng hiệu quả còn nhiều hạn chế. Khi thăm các cơ sở nghiên cứu hàng đầu Hà Lan như Đại học Wageningen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi các bạn Hà Lan hỗ trợ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản để cải thiện đời sống người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và bao trùm.

Từ bao đời nay, những ngọn gió đã giúp những chiếc cối xay gió bốn cánh dùng để xay bột đặc trưng cho đến những chiếc chong chóng phong điện ba cánh tạo ra điện năng trên đất nước Hà Lan từ cổ truyền đến hiện đại. Từ “miền đất thấp”, các hoạt động dày đặc trong chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Lan cũng đã thổi một luồng gió mới vào mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan, vốn gắn bó bền chặt từ bao năm nay, ngày càng trở nên sống động và hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: YÊN BA (từ La Hay, Hà Lan)