Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển tích cực. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam đến Chile trong vòng 15 năm qua. Việt Nam và Chile đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25-3-1971. Đến tháng 5-2007, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi, hai nước thường xuyên duy trì hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Việt Nam và Chile cũng duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác; phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Về kinh tế, thương mại, Chile hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Mỹ Latin và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD; trong 9 tháng năm 2024 đạt 1,29 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lễ tiễn Chủ tịch nước Lương Cường tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN 

Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ta tới Peru. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (14-11-1994 / 14-11-2024). Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Peru phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế. Hai nước duy trì thường xuyên các cơ chế tham khảo chính trị và họp ủy ban liên chính phủ. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Peru là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam và là nơi có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam ở Mỹ Latin. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 giữa Việt Nam và Peru đạt 486 triệu USD, trong 7 tháng năm 2024 đạt 294 triệu USD. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có hai dự án đầu tư tại Peru với tổng số vốn 1,24 tỷ USD.

Tại Peru, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 ở thủ đô Lima. Kể từ khi thành lập vào năm 1989 đến nay, APEC với 21 nền kinh tế thành viên khẳng định vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế liên khu vực hàng đầu với nội dung hợp tác đa dạng và toàn diện. Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, là dịp để các nền kinh tế thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính, gồm: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối, đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu, tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.

Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC. Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC; là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC. Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua việc đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách kinh tế APEC 2025, được nhiều thành viên đánh giá cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Năm APEC 2027.

Chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Lương Cường nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực; thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ với Chile và Peru tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thành công tốt đẹp, tạo động lực mới thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Chile và Peru. Sự tham dự của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC 2024 là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò và có những đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm cho APEC cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các nền kinh tế thành viên.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.