Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng và Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì tọa đàm. Phát biểu đề dẫn, Đại tá Đoàn Xuân Bộ khẳng định: Trong mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn của mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống Việt Nam-Liên Xô/LB Nga. Trong mối quan hệ xuyên suốt từ năm 1950, hợp tác về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác đã được thử thách qua thời gian của hai dân tộc. Trong đó, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng mang nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, sự giúp đỡ của Liên Xô/LB Nga về đào tạo cán bộ quân sự cho Việt Nam có ý nghĩa vô cùng lớn lao.
 |
Toàn cảnh cuộc Toạ đàm. |
Tại tọa đàm, các nhân chứng lịch sử của mối quan hệ vượt thời gian, những người từng sống và học tập, rèn luyện ở nước Liên Xô/LB Nga qua các thời kỳ, với những câu chuyện cảm động về tình thầy trò và kỷ niệm đẹp gắn bó với đất nước Liên Xô/LB Nga, đã cùng ôn lại một chặng đường dài bạn giúp Việt Nam đào tạo các thế hệ cán bộ quân sự.
48 bông cẩm chướng mừng chiến công
Trong không khí ấm cúng của cuộc tọa đàm có hai vị tướng thu hút sự chú ý đặc biệt. Trung tướng phi công Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Họ là những thế hệ phi công được đào tạo bài bản ở Liên Xô qua các thời kỳ khác nhau, những nhân chứng cho sự giúp đỡ hiệu quả của Liên Xô dành cho lực lượng không quân Việt Nam, giúp lập lên những chiến công lẫy lừng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thượng tướng Võ Văn Tuấn, người học ở Liên Xô sau Trung tướng Phạm Tuân, đã không quên Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kết thúc thắng lợi cách đây 48 năm. Trong chiến dịch này, phi công Phạm Tuân bằng ý chí, lòng dũng cảm của người Việt Nam, đã lái máy bay MiG-21 bắn rơi một máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Rất đúng chất lính bay được đào tạo ở Liên Xô, Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã mang tới tọa đàm một lẵng hoa gồm 48 bông cẩm chướng rực rỡ biểu tượng của chiến thắng, tặng Anh hùng Phạm Tuân để nhắc nhớ tới sự kiện 48 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không năm 1972, mà Anh hùng Phạm Tuân là một nhân chứng tiêu biểu biểu. Trung tướng Phạm Tuân không giấu được niềm xúc động, bởi đây không chỉ là tình đồng chí, đồng đội mà còn thể hiện tình cảm tri ân với đất nước Liên Xô mà hai vị tướng cùng mang nặng ân tình.
 |
Trung tướng Phạm Tuân và Thượng tướng Võ Văn Tuấn tại Toạ đàm. |
Trung tướng Phạm Tuân và Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã chia sẻ về sự giúp đỡ hiệu quả của Liên Xô dành cho không quân Việt Nam. Theo Trung tướng Phạm Tuân, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo lực lượng phi công chiến đấu nòng cốt từ năm 1967 đến khi kết thúc chiến tranh. Khi Việt Nam gửi học viên sang Liên Xô đào tạo phi công, đầu vào học viên của chúng ta không được như các nước, nên nếu nước bạn Liên Xô không nhiệt tình giúp đỡ, không có tình yêu với đất nước, con người Việt Nam, thì chúng ta sẽ không thể có được một số lượng phi công chủ chốt để trở về nước thực hiện nhiệm vụ như vậy. Hơn thế, các chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam, cùng trải qua sự thiếu thốn, ngày đêm sát cánh cùng các phi công Việt Nam, lắp ráp, sửa chữa máy bay, huấn luyện bay ngày, đêm cho các phi công của ta đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu. Có những đồng chí chuyên gia đã hy sinh ở Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công của ta.
 |
Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại (người đứng), Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân (ngồi bên trái) đồng chủ trì Toạ đàm. |
Những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô
Tọa đàm còn có sự tham gia của các cựu học viên từng sinh sống và học tập ở Liên Xô/LB Nga, các cán bộ công tác tại những cơ quan, đơn vị có mối quan hệ hợp tác truyền thống và hiện nay với Liên Xô/LB Nga trong các lĩnh vực y tế, ngôn ngữ, văn hóa-nghệ thuật... Tham dự còn có lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị: Pháo binh, tăng thiết giáp, hải quân, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, những đơn vị có quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực với quân đội LB Nga. Đây chính là những minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác 70 năm qua giữa Việt Nam-Liên Xô/LB Nga đã mang lại những kết quả tốt đẹp và có nhiều triển vọng hợp tác mới.
Theo Trung tướng Vũ Chiến Thắng, hợp tác Việt Nam-Liên Xô/LB Nga trong lĩnh vực bảo quản và gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là một biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác thủy chung, son sắt giữa hai nước. Trung tá Tưởng Phi Vương, Trưởng khoa Hình thái, Viện 69, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ, sự trợ giúp chí tình của các chuyên gia Liên Xô ngay từ giai đoạn đầu, những ghi chép tỉ mỉ cùng các tài liệu chính xác mà các chuyên gia để lại vẫn có giá trị cho tới tận bây giờ, giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Mặc dù, hiện nay chúng ta đã làm chủ công nghệ, nhưng theo Trung tá Tưởng Phi Vương, Việt Nam vẫn cần tiếp tục hợp tác với LB Nga để thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
 |
Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc Toạ đàm. |
Tại tọa đàm, hai tư liệu quý về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liên Xô đã được bà Phạm Thị Lai, nguyên Trưởng phòng Tư liệu-Thư viện, Bảo tàng Hồ Chí Minh, giới thiệu. Đó là cuốn họa báo lãnh tụ Stalin tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2-1950 và bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Stalin vào ngày 14-10-1950. Qua đó cho thấy những năm tháng đầu tiên khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng. Chính Người đã làm cho nhân dân và Chính phủ Liên Xô hiểu, tin tưởng và cảm thông với Việt Nam bởi sự tương đồng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của hai nước.
Trong bức tranh chung tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên Xô/LB Nga, hợp tác quốc phòng luôn là một trụ cột, trong đó hợp tác đào tạo cán bộ quân sự có ý nghĩa quan trọng. Hợp tác đào tạo ở cấp quân chủng, binh chủng đã và đang được mở rộng và phát huy hiệu quả. Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Tất cả thành tích của hải quân Việt Nam từ chiến thắng trận đầu cho đến thời gian gần đây trong các lĩnh vực làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật đều có sự đóng góp quan trọng của hợp tác đào tạo cán bộ với Liên Xô/LB Nga”. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ hải quân đã làm chủ hoàn toàn các vũ khí trang bị hiện đại nhất được trang bị. “Tựu chung lại, hợp tác đào tạo hải quân là lĩnh vực hiệu quả nhất mà hải quân Liên Xô/LB Nga dành cho hải quân Việt Nam và sẽ tiếp tục được Quân chủng Hải quân ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới”, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà nói.
Không chỉ là câu chuyện của lịch sử 70 năm
Lắng nghe những câu chuyện cảm động được chia sẻ về tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô/LB Nga, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cựu sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Moscow (MGU) cho rằng: “Từ những gì chúng ta có được trong thành quả hợp tác 70 năm, có thể thấy hợp tác đào tạo là một nền móng quan trọng. Câu chuyện chúng ta nói hôm nay không chỉ là câu chuyện của lịch sử 70 năm mà còn là chuyện của hiện tại, của tương lai”. Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, hai dân tộc gắn bó với nhau là số phận của lịch sử cùng trải qua cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trải qua thời gian khó khăn, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. “Trước đây có một người bạn Liên Xô như thế nào thì ngày nay, chúng ta cũng có một người bạn LB Nga như thế, với nhiều tiềm năng hợp tác được mở rộng”, Trung tướng Lê Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Cũng theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, kinh nghiệm, học vấn đào tạo báo chí Xô viết rất có giá trị với báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Báo chí, trong đó có báo chí quân đội, là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Với đặc thù tôn chỉ mục đích như vậy, theo ông, học vấn báo chí Xô Viết có thể đóng góp để phát triển nền báo chí cách mạng chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả của Việt Nam và chúng ta nên nghiên cứu khai thác vận dụng.
Đồng quan điểm với Trung tướng Lê Phúc Nguyên, bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin đã chia sẻ về việc giảng dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam như một biện pháp để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam-Liên Xô/LB Nga. Bà Thu Đạt giới thiệu về cách tiếng Nga đã đến với Việt Nam. Theo bà, tiếng Nga xuất hiện cùng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Khi đó, trên đường phố Hà Nội, người dân cầm các biểu ngữ bằng các thứ tiếng, trong đó có 2 biểu ngữ tiếng Nga viết bằng chữ cái Latin với nội dung: Đả đảo chủ nghĩa đế quốc và Độc lập hay là chết!. Hiện nay, LB Nga đã khởi động lại hỗ trợ dành cho Việt Nam trong việc dạy và học tiếng Nga. Theo bà Thu Đạt, hiện trên thế giới chỉ còn lại một Phân viện Puskin duy nhất ở Việt Nam, nơi thực hiện sứ mệnh “tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Nga, khuyến khích việc dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam”.
Tổng thống LB Nga Vladimir Putin từng khẳng định: “Quan hệ Việt Nam-LB Nga đã lưu giữ được những giá trị tốt đẹp từ quá khứ, trong đó giá trị lớn nhất, đáng trân trọng nhất là sự tôn trọng, giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác thủy chung”. Theo Giám đốc Phân viện Puskin: “Có lẽ việc dạy và học tiếng Nga như một ngoại ngữ ở Việt Nam là biểu hiện của một trong những giá trị tốt đẹp mà Tổng thống Putin muốn nhấn mạnh”.
MỸ HẠNH
Trung tướng VŨ CHIẾN THẮNG, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng: Buổi tọa đàm hôm nay là một sự kiện hết sức có ý nghĩa. Đây là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch xây dựng bộ hồ sơ 70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Liên Xô/LB Nga. Cuộc tọa đàm tập trung vào vấn đề hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô/LB Nga, một lĩnh vực rất quan trọng, đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-LB Nga ngày nay. Qua những tham luận có giá trị, những chia sẻ của các tướng lĩnh trong quân đội cũng như những cán bộ từng tham gia vào công tác hợp tác đào tạo với Liên Xô/LB Nga, tọa đàm đã đánh giá đúng tầm quan trọng, nội dung đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô/LB Nga, cũng như sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô/LB Nga đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đào tạo là một trong những lĩnh vực then chốt trong hợp tác Việt Nam-LB Nga, hai đất nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cơ sở vững chắc để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (VĂN HIẾU)
Chuẩn Đô đốc HOÀNG HỒNG HÀ, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân: Với sự giúp đỡ hết lòng, bằng tình cảm quý mến, trân trọng của nhân dân Liên Xô/LB Nga dành cho Việt Nam, các cán bộ hải quân đã được tiếp nhận những kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại, những tri thức mới trong rất nhiều ngành học, tạo nên hành trang quý giá giúp họ trở về phục vụ Tổ quốc. Điều đáng mừng và cũng là niềm tự hào là trong số hàng nghìn cán bộ được tiếp nhận tri thức và tình cảm ấy, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng; nhiều đồng chí trở thành chuyên gia, nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, Liên Xô/LB Nga còn cử rất nhiều chuyên gia, cố vấn sang giúp Việt Nam huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ tại Quân chủng Hải quân. Tôi có may mắn được cử sang học tập về chuyên ngành tàu ngầm ở Liên Xô trong giai đoạn 1983-1988. Điều ấn tượng nhất với tôi là những tình cảm của người dân Liên Xô, những người đôn hậu và trách nhiệm. Thầy, cô giáo luôn tận tâm, tận lực dạy dỗ, coi học viên Việt Nam như những người con, người anh em ruột thịt. Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí hiệu trưởng nhà trường khi đó: “Nhà trường luôn chọn những thầy cô giáo ưu tú nhất, giúp học viên Việt Nam được tiếp cận điều kiện học tập tốt nhất, để sau này các đồng chí về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Thật sự không ở đâu có tình nghĩa thầy trò sâu nặng như thầy trò Xô-Việt! (NGỌC THƯ)
|