Tăng cả số lượng và chất lượng
An Giang là vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó người Khmer chiếm 4,2%, người Chăm hơn 0,67% và người Hoa với tỷ lệ 0,38%. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, thời gian qua, An Giang luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường kết nạp đảng viên, bảo đảm cả về chất lượng và số lượng đảng viên, nhất là đảng viên người DTTS. Theo thống kê, đến nay Đảng bộ tỉnh An Giang có 15 đảng bộ trực thuộc, 829 tổ chức cơ sở đảng, với 64.168 đảng viên, chiếm 3,36% dân số toàn tỉnh, trong đó có gần 2.000 đảng viên là người DTTS.
Ông Thái Hữu Phép, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang cho biết, nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có gần 500 đảng viên là người DTTS (chiếm tỷ lệ 1,79% số đảng viên toàn tỉnh), thì đến năm 2009, tỷ lệ này là 2,16%, năm 2019 là 2,57%. “Đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS không ngừng trưởng thành, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát với quần chúng nhân dân. Nhiều đồng chí là bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng khóm, ấp, góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại địa bàn; kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS với cấp ủy, chính quyền địa phương”, ông Phép nhận định.
 |
Giáo cả A Ly (người đứng), đảng viên, người có uy tín trong đồng bào Chăm, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Long Bình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân Chăm (An Giang). |
Một trong những điểm sáng về phát triển đội ngũ đảng viên người DTTS của tỉnh An Giang phải kể đến huyện Tri Tôn. Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Tri Tôn, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có số lượng tương đương 1/3 dân số. Toàn huyện có 59 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 15 đảng bộ xã, thị trấn, 8 đảng bộ ngành và 36 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên toàn huyện là 3.600 đồng chí, chiếm 2,67% dân số toàn huyện, trong đó trên 700 đảng viên là người DTTS. Tỷ lệ đảng viên người DTTS tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 khá cao: Cấp ủy huyện 3/41 đồng chí (tỷ lệ 7,31%); cấp ủy cơ sở 59/373 đồng chí (tỷ lệ 15,81%).
Chú trọng công tác tạo nguồn
Để có được đội ngũ đảng viên là người DTTS đạt cả về số lượng và chất lượng, tại huyện Tri Tôn, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, Phó bí thư Huyện ủy Tri Tôn cho biết: “Giải pháp địa phương thực hiện là tập trung giải quyết tốt vấn đề nhận thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đồng bào DTTS. Thông qua các loại hình sinh hoạt, hội họp, các phương tiện thông tin tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các khóm, ấp nhận thức rõ công tác phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, đảng ủy xã, thị trấn cũng như các chi bộ ở khóm, ấp đã làm tốt công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu đúng về Đảng, về ý nghĩa, quyền lợi khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng”.
Công tác tạo nguồn và bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên phù hợp với điều kiện cụ thể của đồng bào dân tộc cũng được các địa phương trong tỉnh An Giang quan tâm thực hiện. Tại huyện Tịnh Biên, công tác đào tạo và phát triển nguồn từ học sinh các trường THPT trên địa bàn, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú… nhằm tạo nguồn cán bộ đảng viên tương lai có tư cách, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ về văn hóa và nghiệp vụ luôn được địa phương đặc biệt chú trọng. Anh Chau Sóc Khưm, Bí thư Xã đoàn An Cư, huyện Tịnh Biên chia sẻ: “Hiện toàn xã đoàn có 9 đảng viên người dân tộc Khmer. Hàng năm, chúng tôi giới thiệu xem xét kết nạp khoảng 5 đoàn viên ưu tú (trong đó có 2-3 đoàn viên là người Khmer). Hiện nay, gần 78% người dân trong xã là người DTTS Khmer, trong đó 136 đoàn viên, hội viên, 1.015 thanh niên. Đây là nguồn phát triển Đảng rất lớn từ đồng bào DTTS trẻ ở địa phương”.
Để các đảng viên trưởng thành, cấp ủy, chính quyền tin tưởng, mạnh dạn giao những việc dù khó khăn, phức tạp nhưng có tác dụng thiết thực giải quyết các vấn đề bức thiết ở địa phương; quan tâm sử dụng nguồn cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị, tạo cơ hội để họ phát huy năng lực. Song song đó, hàng năm, các đảng bộ cơ sở cũng tiến hành sơ kết công tác phát triển đảng viên, chỉ ra những mặt làm được, chưa được; làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong thời gian tới. Quy trình kết nạp và quản lý đảng viên ở các chi bộ khóm, ấp cũng được thực hiện chặt chẽ. Đối với những đối tượng có đủ tiêu chuẩn và điều kiện kết nạp Đảng, các chi bộ kịp thời hướng dẫn, nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ xét kết nạp. Lễ kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức, phát thẻ đảng viên tổ chức trang trọng, chu đáo, tạo ấn tượng tốt đối với đảng viên…
Nhờ làm tốt ngay từ khâu tạo nguồn, phát hiện, lựa chọn những quần chúng ưu tú, tâm huyết với tổ chức Đảng và tạo điều kiện để họ được rèn luyện, trưởng thành, nhiều đảng viên ở vùng có đông đồng bào DTTS đã thực sự nêu tấm gương sáng, đi đầu, trở thành cầu nối tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân được kịp thời, hiệu quả.
Bài và ảnh: THÚY AN