Lòng yêu nước, chí cách mạng cùng với tài năng thiên bẩm, lại được rèn luyện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đấu tranh vũ trang, được sự tin yêu, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, tất cả đã làm nên một nhân cách, một tài năng Nguyễn Chí Thanh, một tấm gương mẫu mực về phong cách sống, công tác.  

Thực tiễn hoạt động trên các cương vị lãnh đạo chủ chốt (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4) ở dải đất miền Trung khói lửa trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giúp đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành một cán bộ lãnh đạo giỏi cả về chính trị và quân sự. Tài năng về lý luận chính trị-quân sự của đồng chí đã hé mở từ bản “Tổng kết kinh nghiệm khôi phục phong trào kháng chiến ở Bình-Trị-Thiên”. Vì vậy, năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp điều động đồng chí về Trung ương phụ trách công tác tuyên huấn, thanh vận và đối ngoại. Khi Cục Chính trị của Quân đội ta nâng cấp thành Tổng cục Chính trị (TCCT) ngày 1-7-1950, Trung ương Đảng phân công đồng chí Nguyễn Chí Thanh đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm TCCT. Từng qua phụ trách công tác tuyên huấn ở Trung ương, nay được phân công nhiệm vụ này, đồng chí có nhiều thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất những vấn đề mang tầm chiến lược.

Trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “Quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”… để nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị. Theo đồng chí Nguyễn Chí Thanh, mục đích của lãnh đạo công tác tư tưởng nhằm bảo đảm cho quân đội “nghiêm chỉnh, triệt để chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Tuyệt đối phục tùng Đảng, đoàn kết keo sơn, gắn bó chung quanh Trung ương Đảng. Đảng ta chỉ có thể đạt được thắng lợi khi mà nhân dân hết lòng ủng hộ Đảng, khi mà quân đội dốc toàn tâm toàn ý ra chấp hành nghị quyết của Đảng”. Đồng chí khẳng định dứt khoát: “Quân đội ta là quân đội của Đảng và thực tiễn đã khẳng định điều đó. Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta đã chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng cho quân đội là phi đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”...

Tư tưởng chiến lược về chính trị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước hết là chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, công tác chính trị trong quân đội, sao cho quân đội luôn luôn và mãi mãi tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đó là tâm huyết, sự cống hiến to lớn, mang ý nghĩa lâu dài của đồng chí đối với xây dựng nền tảng chính trị, mà cụ thể là những nguyên tắc hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội.

 Từ thực tiễn công tác của mình và yêu cầu nâng cao hiệu quả CTĐ, CTCT, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đồng chí đã đưa ra 7 nguyên tắc tiến hành nhiệm vụ này. Theo đó, “Nguyên tắc thứ nhất, Đảng phải nắm chắc quân đội thì mới có quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền… Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo quân đội cho một ai. Nguyên tắc thứ hai, quân đội phải là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “đi dân nhớ, ở dân thương”, phải xử lý tốt mối quan hệ cơ bản: Với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù. Nguyên tắc thứ ba, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp, nhưng tư tưởng thì không được phép. Nguyên tắc thứ tư, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức không được thành phần chủ nghĩa. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị. Nguyên tắc thứ năm, công tác chính trị là linh hồn của quân đội. Toàn bộ hoạt động của nó là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Nó là công tác vận động quần chúng của Đảng. Nguyên tắc thứ sáu, đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng. Nguyên tắc thứ bảy, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của quân đội, có thế mới phát huy tác dụng tốt, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng”.

7 nguyên tắc đó vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính biện chứng rất cao, có ý nghĩa lâu dài và bất biến đối với quân đội cách mạng; đồng thời, thể hiện bản lĩnh chính trị sắc sảo, tầm tư duy, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao của người cán bộ của Đảng trong quân đội đối với yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị. Điều đó đã được khẳng định trong thực tiễn chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT trên các chiến trường khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh phân tích, đánh giá và chỉ ra thế chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; niềm tin tất thắng của toàn dân tộc; khắc phục những biểu hiện mơ hồ, giáo điều; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo động lực tinh thần to lớn để toàn quân, toàn dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Để xây dựng quân đội về chính trị, theo đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong xây dựng quân đội. Trong việc xây dựng Đảng, phải lấy việc xây dựng tư tưởng, chính trị là mấu chốt nhất, trong đó việc rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng cho đảng viên làm cho đảng viên rắn như thép, vượt qua mọi thử thách của cách mạng là quan trọng bậc nhất”. Đồng thời, phát động mạnh mẽ tư tưởng, tình cảm giai cấp cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, làm cho họ bùng cháy lên lòng căm thù giặc sâu sắc, tha thiết thương yêu Tổ quốc, chế độ, coi đó như “thịt của thịt, như máu của máu mình”. Tập trung xây dựng lập trường tư tưởng, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng; đề cao tinh thần chiến đấu để bộ đội hiểu rằng: “Chiến đấu vì ai? Chiến đấu để làm gì”; từ đó, phát huy ý thức trách nhiệm, lòng quả cảm, tình đoàn kết “bền chặt như gang thép”, tạo sức mạnh tổng hợp để làm nên chiến thắng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng thường xuyên chăm lo và chỉ đạo, cần nâng cao sự cảm nhận về văn học, nghệ thuật cho cán bộ, chiến sĩ, bởi đó là tâm hồn dân tộc, là động lực bên trong của mỗi người chiến sĩ khi ra chiến trường. Về nguyên tắc tổ chức trong quân đội, theo đồng chí Nguyễn Chí Thanh “phải làm theo nguyên tắc tập trung dân chủ” của Đảng; “cần chú ý giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo và thủ trưởng phụ trách” trong mọi hoạt động. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày một phát triển.

 Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác quần chúng, đồng chí căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ nhân dân; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân,… sao cho “đi dân nhớ, ở dân thương”. Một vấn đề được đồng chí hết sức quan tâm là chống chủ nghĩa cá nhân. Bằng lời nói chân thật, có sức truyền cảm mạnh mẽ, đồng chí đã vạch rõ nguồn gốc, hoàn cảnh phát sinh, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; chỉ ra ranh giới giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể; tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp xây dựng quân đội về chính trị nói riêng, làm cơ sở để phòng, chống có hiệu quả.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời trải qua chặng đường hoạt động thực tiễn phong phú, sáng tạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị; cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong chỉ đạo thực tiễn. Kế thừa và phát triển hệ thống lý luận đó, những năm qua, nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị luôn được Đảng ta đặt lên hàng đầu, nhờ vậy, Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là đội quân cách mạng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xứng đáng với tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ”.

Vận dụng quan điểm, kinh nghiệm xây dựng quân đội về chính trị mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh để lại trong sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; phát huy hiệu quả CTĐ, CTCT để công tác này thực sự là “linh hồn, mạch sống” của quân đội. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm cơ sở đề ra giải pháp phù hợp...

Hình thành và phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thành công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời gian đồng chí đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm TCCT. Quán triệt tinh thần đó là nền tảng để vận dụng, phát huy sáng tạo trong điều kiện mới, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 Đại tá ĐỖ HẢI ÂU