Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN). Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người chỉ dẫn: “Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào vô sản hóa đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh.
Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28-7-1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Từ đây, GCCN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào. Ngày 20-7-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chính thức được thành lập và năm 1949 được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới.
 |
Đoàn viên công đoàn Phân xưởng A4, Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng gia công chi tiết hàng quốc phòng. Ảnh: QUANG THẮNG |
Thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của GCCN vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Tiếp đó, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiều điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của GCCN được lan tỏa, như: “Sóng Duyên Hải”, “Hợp tác xã Thành Công”, “Ba quyết tâm”…; xuất hiện nhiều CNVCLĐ tiêu biểu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Ở miền Nam, phong trào công nhân, công đoàn hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ra sức khủng bố, đàn áp. Trước tình hình đó, Đảng đã chỉ đạo các cơ sở trong nội thành, trong các đồn điền phải tìm mọi cách bám đất, bám dân phát triển lực lượng, tổ chức cho công nhân đấu tranh.
Ngày 5-11-1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn, tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của GCCN trong tình hình mới. Trước yêu cầu của cách mạng, năm 1961, Đại hội lần thứ II CĐVN đã quyết định đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành Tổng CĐVN. Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập, không ngừng củng cố và phát triển, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau giải phóng miền Nam, đầu năm 1976, tổ chức công đoàn được thống nhất trên phạm vi cả nước. Công đoàn đã tiến hành nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức về tình hình và nhiệm vụ của đất nước, về chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Đại hội lần thứ V CĐVN đã quyết định lấy ngày 28-7-1929 là Ngày thành lập CĐVN.
Thực hiện công cuộc đổi mới, GCCN và tổ chức CĐVN đã có nhiều đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1986-1990), đưa đất nước dần thoát khỏi khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và CNVCLĐ. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ CNVCLĐ tiếp tục phát triển về số lượng, đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách Nhà nước. Số lượng lao động làm công, hưởng lương có khoảng 24 triệu người. Số lượng doanh nghiệp và công nhân lao động ở khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh; ngành, nghề truyền thống dần thu hẹp; phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò then chốt của nền kinh tế quốc dân, làm gia tăng đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 90 năm qua, CĐVN luôn bám sát thực tiễn, tổ chức thực hiện sáng tạo chủ trương của Đảng, đồng thời chủ động nghiên cứu, tham mưu kịp thời định hướng phát triển phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, hình thành sức mạnh tổng hợp trong hoạt động công đoàn. Công đoàn đã năng động, linh hoạt trong điều chỉnh các chương trình, kế hoạch hoạt động, tập trung vào thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn.
Hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) được quan tâm thường xuyên và có nhiều đổi mới. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng GCCN và tổ chức công đoàn được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống; vai trò công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ có chuyển biến tích cực. Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn; mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm hoàn thiện...
Các chương trình lớn của tổ chức công đoàn đã ghi dấu ấn đậm nét trong đoàn viên, CNVCLĐ và toàn xã hội. Tổng LĐLĐ Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm, góp phần hoàn thành một trong các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đề ra, đó là: Đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện sâu rộng các chương trình chăm lo cho đoàn viên với mục tiêu “Quyền lợi đảm bảo-phúc lợi tốt hơn”, như: Tết Sum vầy; Tháng Công nhân; Mái ấm công đoàn; xây dựng thiết chế công đoàn. Triển khai Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, từ năm 2017 đến nay, các cấp công đoàn cả nước đã ký kết hơn 1.400 thỏa thuận với các đối tác; giúp hơn 14,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn, NLĐ được hưởng lợi với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng; qua đó thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, quyền lợi chính trị, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa đoàn viên với tổ chức công đoàn, thu hút nhiều hơn NLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn... Với những đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước, Tổng CĐVN (Tổng LĐLĐ Việt Nam) vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng (tháng 7-1984).
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của NLĐ trên phạm vi toàn thế giới. Các nước tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ... cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt. Đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững; hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế; tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với CĐVN; đòi hỏi CĐVN phải tiệm cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, phải tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng GCCN lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa X về “Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết Đại hội XII CĐVN, phát huy truyền thống vẻ vang, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy NLĐ làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tập trung vào các nội dung sau:
Trước hết, các cấp công đoàn cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ với đoàn viên; thu hút, tập hợp NLĐ gia nhập CĐVN, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Công đoàn các cấp cần phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn; đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của công đoàn theo hướng góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội; nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho NLĐ. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho NLĐ. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào CNVCLĐ và tổ chức công đoàn.
Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, CNVCLĐ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Triển khai Chương trình “CĐVN đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức công đoàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ. Phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống 90 năm xây dựng, phát triển của CĐVN, cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tiếp tục thi đua, phấn đấu, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
BÙI VĂN CƯỜNG (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)