Các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã quyết liệt và sát sao trong tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường cho hoạt động kinh tế-xã hội, cố gắng thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực, cố gắng với quyết tâm cao nhưng một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt kế hoạch, tăng trưởng GDP không đạt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đạt, thu ngân sách gặp khó khăn, nợ công cao và áp lực trả nợ lớn. Thống nhất với những khó khăn, thách thức, những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà Chính phủ đã nêu rõ trong báo cáo, các đại biểu đều tập trung đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước.
Góp ý về các kịch bản tái cơ cấu kinh tế, đại biểu (ĐB) Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị chọn kịch bản tái cơ cấu quyết liệt thay vì chọn kịch bản tái cơ cấu cơ bản hoặc là đẩy mạnh tái cơ cấu.
Đại biểu Phạm Phú Quốc phát biểu tại hội trường.
Phân tích những lý do để chọn kịch bản này, ĐB Phạm Phú Quốc cho rằng, tái cơ cấu quyết liệt phù hợp với tiêu chí Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ và đẩy mạnh tái cơ cấu chỉ tiêu trong kịch bản này, chỉ tiêu lạm phát là 4,89% cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 4,5% và với lượng tiền đầu tư toàn xã hội là 10.567 ngàn tỷ đồng thì kịch bản 1 là thời gian sự tham gia của vốn nhà nước vào từ 30 đến 35%, ít nhất so với 2 kịch bản còn lại là từ 37 đến 38%.
ĐB Phạm Phú Quốc cũng kiến nghị bên cạnh việc sáng tạo, khởi nghiệp hoặc hình thành nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dự kiến năm 2020 có 1.000.000 doanh nghiệp đề nghị Chính phủ nên ủng hộ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có thể đảm bảo uy tín, thương hiệu, quy mô và thị phần, khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Đề cập đến môi trường kinh doanh, ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu.
Do đó, ĐB TP Đà Nẵng đề nghị trong thời gian tới và các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp. Có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lập nhiều kênh lắng nghe, thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
ĐB Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu do đầu tư mà có. “Nếu đầu tư chúng ta phải vay ODA, phát hành trái phiếu, phát hành trái phiếu Chính phủ, thì chất lượng tăng trưởng đó không bền vững. Tăng trưởng đó làm cho năng suất không tăng lên được; thu nhập của người dân không cao lên được. Đó là một vấn đề. Do đó phải tái cơ cấu.
Đại biểu Phạm Quang Dũng gợi ý: Nguồn vốn của nhà nước, của dân; tài sản của nhà nước, của dân còn nhiều. Cộng với tài sản ở các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công. Theo nhiều chuyên gia tính toán khoảng 500 tỷ đô la. Nếu chúng ta biết khai thác, phân bổ lại nguồn lực chỉ cần một nửa, hoặc một phần ba của 500 tỷ đô la này thì đem hiệu quả kích thích, cú hích cho tăng trưởng; thậm chí kế hoạch của chúng ta còn vượt kỳ vọng.
Sẽ thành lập ngân hàng đất
Theo ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) vấn đề về sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức và làm cho đời sống nông dân, tình hình nông thôn ngày càng phức tạp. “Chúng ta có cơ hội tái cơ cấu, nhưng việc tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra còn chậm và lúng túng, hiệu quả chưa rõ nét. Những mặt hàng hóa nông sản của Việt Nam vẫn ở tầm cửa dưới so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ĐB Thúy nêu ý kiến.
Từ những thực tế nêu trên, đại biểu này đề nghị Quốc hội nên quan tâm 5 nội dung về nông nghiệp: Rà soát chi tiết, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc và thực tiễn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị xuất khẩu; sớm ban hành những cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng, liên vùng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và sau thu hoạch; quan tâm quản lý điều hành một cách kiên quyết, thống nhất với sự liên kết của bốn nhà, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nông nghiệp.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) Nguyễn Xuân Cường thừa nhận sau 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn những bất cập.
“Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp mới có 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã và 56.000 tổ hợp tác và hơn 29.000 trang trại. Điều này cho thấy nhân tố để tổ chức sản xuất hàng hóa lớn đang ít”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định những nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung ưu tiên các giải pháp. Hiện Bộ cùng các địa phương xác định có khoảng 10 sản phẩm có lợi thế quốc gia, có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên như: Cá tra, tôm, rau, cà phê, điều...
Nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm có quy mô, đặc thù của từng địa phương nhưng có giá trị lớn như vải thiều, nhãn, xoài... “63 tỉnh thành đều có lợi thế riêng để xây dựng ngành hàng chủ lực của mình. Sau 3 năm tổng kết đã có 185 sản phẩm chủ lực của các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay là tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất lớn đều rất trông mong vào tháo gỡ là đất đai. Bên cạnh đó, tập trung chỉnh sửa 3 nhóm chính sách quan trọng hiện nay: Một số văn bản pháp luật để thu hút doa nh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã; chính sách về vùng dễ bị tổn thương, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo không bị chênh lệch về điều kiện phát triển.
“Nếu quản lý tốt đất đai cũng góp phần đưa tài nguyên này là nguồn lực cho thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế”, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà nhận xét và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động trong vấn đề nghiên cứu phương pháp để hiện đại hóa công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, các chính sách đồng bộ, ứng dụng CNTT.
Hiện, Bộ đã hoàn thiện quy định luật pháp về cơ chế chính sách theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Bộ TNMT và Bộ NNPTNN đã có kế hoạch trao đổi để có phương án giải quyết từ khâu chính sách, thể chế và đề xuất phương án xem xét thành lập ngân hàng về quỹ đất, trên cơ sở đó để tạo niềm tin cho người dân. Ngân hàng do Nhà nước đứng ra quản lý và đất đai người dân chưa có nhu cầu sử dụng, đất hoang hóa thì gửi vào ngân hàng này. Hai Bộ sẽ trình Chính phủ đề án này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Cơ cấu nền kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường. Trước đây, môi trường thường đi sau phát triển kinh tế, nhưng đến nay, vấn đề môi trường cần đi trước và đi ngay vào trong quá trình phát triên kinh tế,trong chiến lược quy hoạch.
THU HÀ