1. Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 1-11-1949, trong những ngày tháng khó khăn của đất nước, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập Phòng Lào-Miên trực thuộc Ban Thường vụ Trung ương, tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương ngày nay. Việc thành lập Phòng Lào-Miên có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính thức đánh dấu việc hình thành một mũi nhọn mới, một kênh quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, đó là đối ngoại đảng. Bắt đầu từ đây, đối ngoại đảng cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã gắn kết chặt chẽ, trở thành 3 trụ cột vững chắc của mặt trận đối ngoại nước nhà dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng; bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho nhau, phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai thắng lợi đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước và các mục tiêu cách mạng của dân tộc.

 Ngày 30-10, tại Hà Nội, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đối ngoại Đảng” tặng đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại đảng luôn có một vị trí, vai trò đặc biệt và có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại đảng rất chủ động mở rộng quan hệ với các chính đảng, các phong trào tiến bộ trên thế giới; tuyên truyền, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của các nước XHCN; sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và bạn bè quốc tế, tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại giúp đỡ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, góp phần quan trọng đưa các cuộc kháng chiến cứu nước đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Bước vào công cuộc đổi mới, với đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta từng bước hình thành và hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đối ngoại đảng đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc góp phần phá thế bao vây, cô lập và cấm vận, vượt qua những biến cố và sóng gió của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, của lịch sử thế giới; phối hợp hiệu quả trong việc tham mưu, đề xuất đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, đối ngoại đảng đã không ngừng đổi mới tư duy, phát huy sự chủ động, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn quan trọng với nhiều nội dung đột phá:

Một là, đối ngoại đảng đã góp phần quan trọng vào việc định hình, phát triển, tạo cơ sở chính trị quan trọng cho quan hệ của Việt Nam với các nước.

Ngày 29-10, tại Hà Nội, đồng chí Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tiếp đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Sounthone Xayachack, Trưởng Ban làm trưởng đoàn. Ảnh: TTXVN.

Hai là, các mối quan hệ đối ngoại của Đảng ta không ngừng được mở rộng và phát triển về chiều sâu. Chúng ta không chỉ phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, các phong trào tiến bộ, mà đã có bước đột phá với việc thúc đẩy quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, đối lập lớn, đảng có tương lai chính trị tại nhiều nước đối tác chiến lược và đối tác quan trọng của ta. Đây là đột phá có tính bước ngoặt, không chỉ giúp tạo thế chủ động ứng phó với những biến động chính trị nhanh chóng trên thế giới, sự thay đổi vị thế cầm quyền ở các nước, mà quan trọng hơn đã mở ra không gian đối ngoại rộng mở hơn cho đất nước. Hiện nay, Đảng ta phát triển quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; hình thức quan hệ ngày càng đa dạng; nội dung hợp tác ngày càng phong phú, thực chất, bao hàm các hoạt động phục vụ phát triển quan hệ đảng, phát triển quan hệ nhà nước, quan hệ đối ngoại nhân dân, đến việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực, các vấn đề toàn cầu gắn với an ninh, phát triển của đất nước.

Ba là, các hoạt động đối ngoại đảng đã tạo nền tảng chính trị quan trọng cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương của nước ta với các nước, đồng thời trực tiếp góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước, cũng như các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương. Trong đó, hoạt động đối ngoại của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Đảng luôn là những dấu mốc, tạo nhiều đột phá, tạo điều kiện hết sức quan trọng để triển khai chủ động các quyết sách đối ngoại. Đặc biệt, quan hệ kênh đảng đóng vai trò quan trọng định hướng và chỉ đạo quan hệ về mặt nhà nước trong quan hệ với các nước XHCN và láng giềng chung biên giới.

Bốn là, cùng với những thành tựu đổi mới của Việt Nam, hoạt động đối ngoại của Đảng ta đã trực tiếp có những đóng góp qúy báu đối với phong trào cách mạng thế giới, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố khối đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; nâng cao vị thế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả và bạn bè quốc tế đánh giá cao những thành tựu đổi mới của Việt Nam, coi đó là đóng góp tích cực của Đảng ta, cả về lý luận và thực tiễn trong việc bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và xây dựng CNXH, củng cố niềm tin và cổ vũ bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh còn nhiều khó khăn, gian khổ hiện nay vì những mục tiêu cao cả của thời đại. Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị và khuynh hướng chính trị, ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta; đều mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ với nước ta, Đảng ta.

2. 70 năm phát triển đối ngoại đảng gắn liền với 70 năm xây dựng và trưởng thành của Ban Đối ngoại Trung ương. Trong suốt 70 năm đó, ở mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn và có những đóng góp to lớn, hiệu quả vào công tác đối ngoại của đất nước.

Từ Phòng Lào-Miên, cơ quan đối ngoại đảng từng bước trưởng thành và lần lượt được đổi tên thành Ban Lào-Miên Trung ương năm 1955, Ban Biên chính Trung ương năm 1957, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương năm 1958 và từ năm 1960 là Ban Đối ngoại Trung ương; đồng thời có vinh dự lớn được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, dìu dắt ngay từ khi mới ra đời và lần lượt được các đồng chí lãnh đạo xuất sắc, cốt cán của Đảng phụ trách qua các thời kỳ, như các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Ung Văn Khiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Vũ Quang và nhiều đồng chí xuất sắc khác của Đảng và Nhà nước.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại ngày càng sâu rộng của cách mạng Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Từ việc đảm nhận nhiệm vụ giúp Trung ương theo dõi, nghiên cứu cách mạng Miên-Lào, phối hợp hoạt động với các bạn Lào và Campuchia, đến nay Ban Đối ngoại Trung ương được Bộ Chính trị giao thực hiện nhiều chức năng hết sức quan trọng-là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; đồng thời là cơ quan tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; cơ quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Ban Đối ngoại Trung ương đã phối hợp tham mưu hiệu quả, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các quyết sách, đường lối, chính sách đối ngoại quan trọng, nhất là các quyết sách liên quan đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, chủ trương phát triển quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng và hội nhập quốc tế; giúp Trung ương quản lý tốt các hoạt động đối ngoại, đưa công tác đối ngoại ngày càng đi vào nền nếp; giúp Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng hiệu quả, thiết thực. Ban rất tích cực, chủ động mở rộng và phát triển chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng; có nhiều nỗ lực, tổ chức thành công các hoạt động đối ngoại của các đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan làm công tác đối ngoại, không ngừng tăng cường sự gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn, đồng bộ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong triển khai công tác, Ban Đối ngoại Trung ương luôn quán triệt phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong mọi đối sách, hoạt động đối ngoại, kiên định về nguyên tắc, song linh hoạt, mềm dẻo về sách lược "kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược", chú trọng kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; không ngừng gây dựng các lực lượng hậu thuẫn chính trị cả trong lúc thuận lợi, cũng như những lúc khó khăn. Đồng thời, Ban luôn bám sát, kết hợp nhuần nhuyễn yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với yêu cầu bảo vệ chế độ XHCN, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, dù đảm nhiệm bất kỳ nhiệm vụ nào, ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương giao phó; đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quan tâm sâu sát, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng, của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Lớp lớp các thế hệ cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương luôn vững vàng, kiên định, phấn đấu tâm huyết và trách nhiệm, tiếp nối nhau xây dựng và phát huy truyền thống vẻ vang của Ban Đối ngoại Trung ương; đó là truyền thống “Tuyệt đối trung thành, chủ động, sáng tạo”, truyền thống “Đoàn kết nhất trí, thương yêu lẫn nhau”, truyền thống “Vượt mọi khó khăn, tận tụy cống hiến”, luôn nỗ lực, phấn đấu, cống hiến để xứng đáng là cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về các vấn đề đối ngoại.

Ban Đối ngoại Trung ương rất tự hào đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao Vàng; Đảng và Nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, và tới đây Ban sẽ vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự ghi nhận đối với bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn, bền bỉ, liên tục của Ban Đối ngoại Trung ương và các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại đảng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống, Ban Đối ngoại Trung ương cũng rất vinh dự được Đảng và Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Vương quốc Campuchia trao tặng Huân chương Hữu nghị hạng Nhất. Đây là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng và liên tục của Ban Đối ngoại Trung ương đối với sự phát triển không ngừng của mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia, giữa Chính phủ và nhân dân các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

3. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu và mục tiêu cao hơn, với những nhiệm vụ hết sức trọng đại. Công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại đảng nói riêng sẽ có những yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn. Đó là phải làm sao tranh thủ tốt nhất các cơ hội mang lại, hóa giải những thách thức đặt ra, thực hiện tối đa lợi ích quốc gia dân tộc, duy trì, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và cục diện quan hệ đối ngoại, bảo vệ được chủ quyền, lãnh thổ và các lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững được độc lập, tự chủ trong tiến trình hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, phát huy truyền thống 70 năm qua, tập thể Ban Đối ngoại Trung ương nguyện nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới tư duy đối ngoại, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương giao phó, theo đó chú trọng thực hiện tốt những trọng tâm sau:

Một là, tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, công tác nắm bắt tình hình, dự báo tình hình nhất là dự báo chiến lược, tổng hợp, cùng các cơ quan liên quan kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách, tạo cơ sở tin cậy để lãnh đạo cấp cao quyết định các chủ trương, giải pháp, chính sách đối ngoại; đồng thời chú trọng công tác tổng kết lý luận và thực tiễn, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu đường lối, chủ trương đối ngoại, nhất là những chủ trương mới, nội dung đột phá trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng sắp tới.

Hai là, vừa tăng cường chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, vừa mở rộng quan hệ đối ngoại đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 32 của Bộ Chính trị về “tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”, tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại đảng, góp phần củng cố sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ nhà nước, đối ngoại nhân dân; tích cực đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy đầy đủ và mạnh mẽ hơn nữa đóng góp của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy và tổ chức đảng trong công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng; đôn đốc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hiệu quả các hoạt động đối ngoại, không ngừng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan làm công tác đối ngoại, tạo sự gắn bó thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bốn là, phát huy đầy đủ truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn cao, phong cách chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Với động lực mới, tâm thế mới, năng lượng mới, toàn thể cán bộ, nhân viên Ban Đối ngoại Trung ương nguyện tiếp nối truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cán bộ làm đối ngoại đảng, tiếp tục phấn đấu hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, đưa công tác đối ngoại đảng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đối ngoại nước nhà.

HOÀNG BÌNH QUÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương

(*) Đầu đề do Báo Quân đội nhân dân đặt