Đột phá mạnh, hiệu quả cao
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 là xác định khâu đột phá trong triển khai các hoạt động học tập và làm theo Bác ở cơ sở, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ; cải cách hành chính, lề lối, tác phong công tác; đổi mới mô hình phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết các vấn đề bức xúc và phòng, chống tham nhũng.
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Đào Xuân Dũng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Thành ủy xác định đột phá vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Tinh thần này đã được lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian qua bằng nhiều việc làm cụ thể. Tiêu biểu như việc Thành ủy ban hành hai bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và quy tắc ứng xử nơi công cộng; ban hành và triển khai hiệu quả nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Ở các địa phương, đơn vị, trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI và nội dung thực hiện Chỉ thị 05, cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch hằng năm, chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính chất đột phá để tập trung giải quyết, có phân công, phân nhiệm, xác định thời gian, giải quyết dứt điểm. Các nội dung của Chỉ thị 05 cũng như hướng dẫn chỉ đạo của trên đều được cụ thể hóa thành các kế hoạch hằng năm, rất cụ thể, sát thực tiễn địa phương, đơn vị mình; nhất là về phương pháp, cách làm, cách kiểm soát việc thực hiện chỉ thị và có thể định lượng được mức độ thực hiện, chứ không chỉ đạo chung chung.
 |
Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội (tháng 11-2020). Ảnh: BÁ HOẠT. |
Ví như ở quận Nam Từ Liêm, các đồng chí lãnh đạo quận ủy xác định đột phá trong triển khai các hoạt động học tập và làm theo Bác gắn với giải quyết các vấn đề yếu kém và nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, xây dựng chính quyền thân thiện, cán bộ gần dân, sát dân. Quận ủy Đống Đa tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn để giải quyết những vấn đề bức xúc, vụ việc tồn đọng kéo dài, qua đó tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhân dân.
Tại quận Long Biên, địa phương này chọn khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 gắn với giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở, những vấn đề dư luận nhân dân quan tâm. Theo đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy xây dựng, củng cố hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội từ quận đến phường (hơn 300 đồng chí) để kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Ban Tuyên giáo Quận ủy tiếp nhận phản ánh và gửi đến các cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản; kiểm chứng kết quả giải quyết thông qua dư luận phản hồi. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, mức độ giải quyết những vấn đề từ dư luận ở quận Long Biên luôn đạt hơn 98%. Bên cạnh đó, Quận ủy Long Biên yêu cầu người đứng đầu các cấp không chỉ tiếp dân, đối thoại với dân theo định kỳ, theo chuyên đề mà khi địa phương có vấn đề nổi cộm thì phải tổ chức đối thoại ngay để lắng nghe dân nói và ổn định tình hình. Những vấn đề nhân dân phản ánh được xử lý theo phương châm “đúng thì giải quyết, chưa đúng thì giải thích” để nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của địa phương.
Thực tế cho thấy, với việc đột phá vào những vấn đề cụ thể ở cơ sở của Đảng bộ TP Hà Nội đã nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 05 cũng như giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Đến nay, những vấn đề nhân dân quan tâm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết, tạo chuyển biến rõ nét. Nhiều việc mới, việc khó khác cũng được Hà Nội chủ động thực hiện; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao rõ rệt... Kết quả đạt được thể hiện rõ nét khi chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội luôn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước trong những năm gần đây.
Vượt khó khăn, tạo nhiều điểm sáng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt rất nhiều kỳ vọng, tin tưởng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong những bài viết, những bài nói chuyện tại các kỳ hội nghị Đảng bộ, các hội nghị đại biểu nhân dân... Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị như một luồng gió mới thổi vào đời sống tinh thần của CB, ĐV và nhân dân Thủ đô, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động việc học tập và làm theo Người. Rõ nét nhất chính là nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được nâng lên rõ rệt; CB, ĐV nâng cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy, để việc học và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên, lâu dài, “nói phải đi đôi với làm”, nhất là để tránh chung chung, hình thức, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra từng đầu việc cụ thể, từ các ban đảng, các sở, ngành đến các cấp ủy, đi kèm với các mốc thời gian triển khai. Theo phương châm “trên trước, dưới sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể”, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những hiệu quả tích cực trên một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên hệ thống theo dõi nhiệm vụ của UBND thành phố Hà Nội năm 2020, Sở Tài chính được giao 1.889 nhiệm vụ và đã hoàn thành 99,47%. Đạt được kết quả trên, Đảng ủy cơ quan Sở Tài chính tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn việc triển khai Chỉ thị 05 với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tạo động lực khuyến khích CB, ĐV nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Tại nhiều địa phương, đơn vị, việc học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn góp phần nâng cao vai trò gương mẫu đi đầu của CB, ĐV trong thực hiện chức trách được giao; chịu trách nhiệm cụ thể với từng lĩnh vực, địa bàn được phân công. Qua việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả đã đưa việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống chính trị của toàn thành phố.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đời sống nhân dân và sự phát triển của các địa phương ngoại thành Hà Nội. Người nhấn mạnh: “Ngoại thành cũng là Thủ đô” và mong muốn: “Các Đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa". Ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Người, các địa phương ngoại thành Hà Nội luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trở thành điểm sáng trên nhiều lĩnh vực.
Xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức trước đây là địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội bởi gần như không có tiềm năng, thế mạnh nổi trội, kinh tế chủ yếu vẫn là thuần nông. Để tạo bước đột phá trong phát triển, nhất là gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhiều phong trào thi đua được khởi xướng, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình được triển khai hiệu quả, như: Phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm, phong trào đoạn đường nở hoa của hội phụ nữ; các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của hội nông dân xã... Đội ngũ cán bộ, công chức xã luôn nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trình độ nghiệp vụ, năng lực công tác ngày càng được nâng cao, làm cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế của toàn xã đạt 11,08%; thu nhập bình quân đầu người từ 33 triệu đồng/người năm 2016 tăng lên gần 49 triệu đồng/người năm 2020, toàn xã không còn hộ nghèo (năm 2016 là 3,8%)...
Khởi sắc của xã Hồng Sơn góp phần để huyện Mỹ Đức đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021 và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2022. Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 96,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới (cao nhất cả nước). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở Hà Nội đạt 55 triệu đồng/người/năm (vượt 6 triệu đồng so với mục tiêu đề ra) và tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,37%.
Nhìn từ góc độ chung toàn thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: Những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng CB, ĐV và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tạo cơ sở cho thành phố phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Bằng tình cảm thiêng liêng đối với Bác và ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện lời căn dặn của Người, phấn đấu để Hà Nội trở thành “một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp hơn 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng (gấp 1,36 lần năm 2016). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%... Riêng trong năm 2020, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Hà Nội đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. |
(còn nữa)
MẠNH KIM - HÀ THẮNG