Phóng viên (PV): Thông qua các hội nghị hiệp thương, công tác lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đã được chú trọng như thế nào để bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu người ứng cử, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Sách Thực: Mỗi hội nghị hiệp thương đều có vị trí, vai trò riêng, từ đó lựa chọn được người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Trong đó, để tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải đánh giá rất kỹ qua việc tổ chức lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú. Các hội nghị hiệp thương được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ để lựa chọn người tiêu biểu. Quốc hội, HĐND các cấp là đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nên phải phấn đấu bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý. Trong đó, lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng là yêu cầu hàng đầu đối với các ứng cử viên. Bên cạnh đó, luôn luôn tôn trọng quyền ứng cử của người dân, mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đều có quyền ứng cử. Đến nay, có thể khẳng định, các hội nghị hiệp thương đã được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, khách quan và đúng quy định của pháp luật, đã lập danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc bảo đảm tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026?
Đồng chí Ngô Sách Thực: Để đánh giá được tiêu chuẩn của các ứng cử viên, cần bám sát quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; căn cứ vào Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20-1-2021 của Ban Tổ chức Trung ương. Theo đó, có những tiêu chuẩn chung như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ...
Tôi cho rằng, mục tiêu của chúng ta là xây dựng đất nước cường thịnh, vì vậy, người đại biểu của nhân dân ở Quốc hội, ở HĐND các cấp cũng phải có khát vọng vươn lên. Bên cạnh đó, ứng cử viên phải đáp ứng được các điều kiện về trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, khả năng nắm bắt tình hình, phân tích vấn đề. Cùng với đó là khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có mối quan hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân. Ứng cử viên cũng cần thể hiện bản lĩnh, tức là phải dám nói, dám làm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Một trong những điểm mới của Quốc hội khóa XV là phấn đấu tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách đạt 40%, cao hơn so với nhiệm kỳ khóa XIV. Ngoài những tiêu chuẩn chung, đại biểu chuyên trách có những tiêu chuẩn được quy định rất rõ.
Qua các hội nghị hiệp thương, những ứng cử viên được lựa chọn đều thể hiện là người tiêu biểu, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, được cử tri tín nhiệm. Cử tri cũng sẽ xem xét một cách toàn diện, tìm hiểu cả quá trình công tác, cống hiến của các ứng cử viên để lựa chọn người xứng đáng nhất.
PV: Sau khi hoàn thành các hội nghị hiệp thương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tập trung vào những công việc trọng tâm nào tiếp theo để hướng đến cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Sách Thực: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã có quy định về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử. Bên cạnh các nhiệm vụ như phối hợp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp; chủ trì tổ chức hiệp thương; chủ trì, phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn để tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, một trong những nhiệm vụ được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tập trung thời gian tới là tổ chức tốt hội nghị để người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thực hiện quyền vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm công bằng. Các hội nghị cử tri là cơ hội để người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình. Để thực hiện tốt nội dung này, cần có tập huấn từng cấp, tránh hình thức hoặc ứng cử viên tiếp xúc cử tri quá ít.
Nhiệm vụ thứ hai là công tác giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam thực hiện quyền giám sát bầu cử thông qua việc cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử. Ủy ban MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát đợt 1 và thời gian tới sẽ tiến hành giám sát đợt 2. Mục đích của giám sát là giúp các tổ chức phụ trách bầu cử phát hiện ra khiếm khuyết, sai sót để khắc phục ngay và chuẩn bị các bước tiếp theo tốt hơn. Giám sát cũng tập trung vào một số nội dung để tạo điều kiện cho các ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức phụ trách bầu cử phải phát huy hơn nữa vai trò của mình. Bên cạnh đó là giám sát về lập danh sách người ứng cử, tóm tắt sơ yếu lý lịch, trích ngang; đồng thời, niêm yết công khai, thông tin sâu rộng để cử tri được biết với nhiều hình thức, như hội nghị trực tiếp, truyền thanh, phương tiện thông tin đại chúng, qua người uy tín trong cộng đồng...
Các tổ chức phụ trách bầu cử cũng cần chú ý đến những vấn đề mới, ví như thực hiện theo hướng dẫn bầu cử ở khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, những người ứng cử sẽ gửi chương trình hành động về Ủy ban MTTQ Việt Nam để thực hiện giám sát lời hứa sau khi trúng cử. Vào thời điểm giữa hoặc cuối nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ căn cứ vào việc thực hiện lời hứa để có góp ý đối với đại biểu trúng cử với mong muốn nâng cao hơn nữa trách nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND và giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
PV: Theo đồng chí, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp cần chú ý những điều gì tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri?
Đồng chí Ngô Sách Thực: Theo tôi, rất cần tổ chức tập huấn cho những người ứng cử để cung cấp thông tin và giúp ứng cử viên cảm thấy tự tin, truyền đạt được chương trình hành động của mình đến cử tri. Quá trình vận động bầu cử cần phải xây dựng được môi trường bình đẳng giữa các ứng cử viên. Ngoài vận động bầu cử tại hội nghị cử tri, người ứng cử còn có thể thực hiện quyền của mình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của các cơ quan báo chí đối với thành công của cuộc bầu cử. Báo chí cần sâu sát với địa phương, cơ sở, kịp thời thông tin, phản ánh, giúp các cấp khắc phục ngay những vấn đề thiếu sót. Báo chí góp phần cổ vũ những mặt tích cực, kiến nghị để khắc phục hạn chế, thiếu sót và thực hiện chức năng giám sát, là cầu nối giữa cử tri và người ứng cử để hướng đến mục tiêu cao nhất là cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, thành công tốt đẹp.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HỒNG SÁNG - MẠNH HƯNG