Tiêu chuẩn chất lượng đại biểu vừa là trọng tâm, vừa là điều kiện cơ bản để ứng cử vào Quốc hội và HĐND

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23-5 sắp tới, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho biết, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được quy định trong pháp luật. Song, quan trọng nhất là người ứng cử phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng để tham gia cơ quan quyền lực nhà nước của Trung ương và tại địa phương. Do đó, ứng cử viên đại biểu phải thể hiện là người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đặc biệt, yêu cầu đối với người ứng cử là phải có điều kiện để tham gia các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Như vậy, ứng cử viên phải là người thực sự xứng đáng với tư cách là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức còn có việc thực hiện tốt các quy định của Pháp luật, trong đó có những quy định về phòng chống tham nhũng, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch cửa quyền và các hành vi vi phạm Pháp luật khác. Phẩm chất đạo đức của ứng cử viên đại biểu còn thể hiện là người được nhân dân tin cậy thông qua quá trình công tác ở cơ quan, tổ chức, cũng như tham gia sinh hoạt tại khu dân cư. Trong tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, thì trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa và năng lực công tác, kinh nghiệm trong quá trình rèn luyện phấn đấu, đặc biệt là uy tín đối với cử tri, nhân dân là rất quan trọng. Nếu trở thành đại biểu Quốc hội và HĐND, thì ứng cử viên phải là những người tiếp xúc, gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tin cậy để gửi gắm niềm tin đối với cơ quan quyền lực nhà nước của Trung ương và tại địa phương. Trên tinh thần đó, trong quy định gần đây về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có nêu hai vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, ứng cử viên đại biểu Quốc hội chỉ được phép có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, không có một quốc tịch nào khác. Thứ hai, người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thông qua quá trình hiệp thương phải đạt trên 50% phiếu tán thành của cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú.

Theo ông Trần Hữu Thắng, rút kinh nghiệm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND những nhiệm kỳ trước, mỗi ứng cử viên đều phải trải qua đầy đủ quá trình theo quy định của Pháp luật, bao gồm giới thiệu ứng cử, tổ chức hiệp thương 3 bước của Mặt trận Tổ quốc, lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Qua quá trình lấy ý kiến theo quy trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc các cấp và ý kiến của cử tri để sàng lọc ứng cử viên có đạt được tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của Pháp luật về đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Trong quá trình hiệp thương, cũng như quá trình lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, ứng cử viên phải thể hiện được bản lĩnh của mình, cũng như thông qua chương trình hành động được báo cáo trước hội nghị hiệp thương và trước cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Qua đó, người ứng cử sẽ thể hiện mình có đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện và xứng đáng được cử tri bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Ngoài ra, trong quá trình từ giới thiệu ứng cử cho đến ngày bầu cử, ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND còn có các hoạt động vận động, tiếp xúc cử tri theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, nên khâu vận động và tiếp xúc cử tri có giảm bớt các hoạt động trực tiếp nhằm hạn chế tập trung đông người. Thay vào đó, các hoạt động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để ứng cử viên thể hiện trước cử tri về khả năng, kinh nghiệm, đạo đức, lối sống và điều kiện tham gia hoạt động Quốc hội và HĐND. Do đó, ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải lựa chọn cho mình những nội dung báo cáo, cách thức tiếp xúc với cử tri để cho cử tri thấy được khả năng, cũng như phẩm chất, đạo đức, lối sống, kinh nghiệm và thể hiện rằng, nếu mình trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì sẽ cống hiến được tốt nhất cho công cuộc đổi mới đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Để cử tri biết được về mình và lựa chọn chính xác người thực sự xứng đáng là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, đòi hỏi không chỉ thông qua tóm tắt tiểu sử, những lần vận động và tiếp xúc cử tri, mà cái chính là ứng cử viên phải thể hiện mình là người có đủ điều kiện, bản lĩnh và sẵn sàng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Không chỉ là những lời hứa của ứng cử viên, mà là những hành động và việc làm thiết thực đem lại hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, cũng như nói lên được tiếng nói cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, còn nói lên được tiếng nói của chính bản thân mình với tư cách là đại biểu có chính kiến rõ ràng và lập trường chính trị vững vàng”, ông Thắng nêu rõ.

Cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia sẽ quyết định sự thành công của cuộc bầu cử

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có thành công được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia một cách tự giác, tích cực và chủ động của cử tri. Sự tham gia đông đảo, đầy đủ của cử tri sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Cho nên, tham gia bầu cử không chỉ là nghĩa vụ và quyền lợi, mà còn là trách nhiệm, thể hiện ý thức xây dựng Nhà nước của nhân dân.

 Đường phố Hà Nội ngập tràn pano, biểu ngữ tuyên truyền cổ động cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Quốc Khánh

Theo ông Thắng, các cơ quan báo chí và cơ quan có trách nhiệm về tổ chức bầu cử cần phải làm rõ cho nhân dân, mà trực tiếp các các cử tri, hiểu được toàn bộ nội dung, ý nghĩa cũng như vai trò quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này, cũng như thấy được trách nhiệm của cử tri trong việc bầu ra đại biểu của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và đại biểu HĐND. Đây là những cơ quan trong bộ máy nhà nước được kiện toàn sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công. Như vậy, cử tri cũng phải hiểu được vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND mà mình sẽ bầu ra. Khi cử tri hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, thì các cơ quan, tổ chức động viên để cử tri tự mình trực tiếp tham gia vào cuộc bầu cử. Muốn như vậy thì trước hết, cử tri phải đăng ký danh sách cử tri của mình và kiểm tra lại danh sách cử tri của mình đã được niêm yết tại nơi cư trú nhằm đảm bảo tính chính xác, đầy đủ.

Nguyên Thứ trưởng cho rằng, thực hiện việc hiểu biết danh sách cử tri của mình là rất cần thiết đối với mỗi công dân đủ điều kiện tham gia bầu cử. Khi đã có đầy đủ thông tin chính xác về danh sách cử tri của mình, thì tiếp đến cử tri cần tìm hiểu, nghiên cứu về danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để tìm hiểu về các ứng cử viên, cử tri có thể thông qua tiểu sử tóm tắt của họ được niêm yết tại địa bàn nơi cư trú, hoặc được các tổ chức bầu cử chuyển về gia đình, về nơi cử tri sinh sống. Cử tri có thể đại diện cho hộ gia đình của mình đến tham gia trực tiếp, lắng nghe và có ý kiến tại hội nghị tiếp xúc, vận động của các ứng cử viên. Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng sẽ đưa tin về chương trình hành động của ứng cử viên. Như vậy, cử tri có thể tổ chức trao đổi ngay trong hộ gia đình của mình, hoặc trong các nhóm nơi mình đang công tác. Tuy nhiên, vì tình hình dịch Covid-19, những hoạt động của cử tri nhằm tiếp xúc và tìm hiểu các ứng cử viên có thể bị hạn chế hơn.

“Điều tôi muốn nói với cử tri đi bầu cử trong ngày 23-5 sắp tới, đó là ý thức tự giác cũng như chủ động tham gia vào bầu cử là rất cần thiết. Ý thức này không những được thể hiện thông qua việc tuân thủ thời gian bỏ phiếu, mà còn thể hiện qua việc bỏ phiếu cho ai, thì mình phải biết rõ và hiểu về người mình sẽ bỏ phiếu. Không bỏ phiếu cho người nào thì cũng phải hiểu rõ tại sao lại không bầu cho người đó. Cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trên tinh thần đã có hiểu biết về họ, chứ không phải bỏ phiếu theo cảm tính. Một yêu cầu đặt ra nữa là cử tri cần trực tiếp đi bầu, hạn chế đến mức tối đa việc bầu thay trong việc này, trừ trường hợp những người già yếu, bệnh tật không thể đến nơi đặt hòm phiếu thì sẽ có thùng phiếu phụ do tổ bầu cử đưa đến tận nhà. Với ý thức và trách nhiệm như vậy, tôi nghĩ rằng, cuộc bầu cử sẽ diễn ra thành công, có chất lượng và hiệu quả. Và, để cử tri tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào cuộc bầu cử sắp tới, rất cần sự hướng dẫn của các tổ chức bầu cử, cần tổ chức chu đáo và thực hiện các phương án phòng chống dịch hiệu quả”, ông Trần Hữu Thắng nhấn mạnh.

Công tác bầu cử trong các Lực lượng vũ trang

Đề cập đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong các Lực lượng vũ trang (LLVT), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho biết, việc bầu cử trong các LLVT được tiến hành theo quy định của Pháp luật và theo sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc bầu cử trước đây trong LLVT đã được tổ chức rất tốt, nhanh chóng và thường hoàn thành sớm hơn so với các khu vực bỏ phiếu của cử tri nhân dân. Bởi lẽ, điều kiện của các LLVT là tập trung, các khu vực bỏ phiếu đều được đặt trong các đơn vị quân đội, nên phần thực hiện bỏ phiếu tương đối thuận lợi. Yêu cầu đối với LLVT cũng vẫn phải thực hiện như yêu cầu đối với cử tri nhân dân.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đối với bầu đại biểu HĐND các cấp thì LLVT có quy định về bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, và quy định này đã được thực hiện trong nhiều khóa của HĐND. Cử tri trong LLVT trước thời gian bầu cử cũng lập danh sách đầy đủ và trách nhiệm của các cử tri cũng phải xem danh sách để kiểm tra chính xác, đầy đủ danh sách cử tri đã được niêm yết nơi LLVT đóng quân. Trong trường hợp cử tri LLVT sinh hoạt với gia đình và có nguyện vọng bỏ phiếu cùng với cử tri nhân dân, thì cử tri LLVT đó có thể được bầu tại nơi cư trú, nhưng phải được cấp chỉ huy đơn vị mình cho phép, cũng như có tiếp nhận của cơ quan thẩm quyền ở nơi cư trú. Như vậy, tham gia bầu cử trong các LLVT có những đặc thù theo quy định chung của Nhà nước, trước nay thực hiện rất tốt và nghiêm chỉnh, thường kết thúc nhanh chóng và an toàn.

“Phát huy kết quả của những cuộc bầu cử đã diễn ra, lần này việc bầu cử trong các LLVT vẫn tiến hành như những lần trước, cố gắng để các tổ chức bầu cử trong LLVT có kết nối thông tin với các tổ chức bầu cử nói chung của khu vực, địa phương nhằm đảm bảo việc báo cáo kết quả bầu cử được thống nhất, đầy đủ và chính xác. Ngoài ra, những chiến sĩ trong LLVT do yêu cầu về nhiệm vụ công tác thì được tổ chức bầu cử sớm, chẳng hạn như công tác nơi đảo xa, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt theo hướng dẫn, quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử”, nguyên Thứ trưởng Trần Hữu Thắng nêu rõ.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được đặt ra trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Do là lần đầu tiên cuộc bầu cử và nội dung y tế phòng, chống dịch được lồng ghép với công tác đảm bảo an ninh trật tự, nên các tổ chức phụ trách bầu cử phải tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo của Trung ương, Hội đồng bầu cử Quốc gia, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp về phòng chống dịch; thực hiện các phương án tổ chức bầu cử phù hợp với các khu vực bỏ phiếu để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cử tri và những người tham gia tổ chức bầu cử. 

Bài và ảnh: QUỐC KHÁNH