Cùng với đó, rủi ro thiên tai thường xuyên xảy ra và biến động bất thường khó dự báo, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, trong khi khả năng chống chịu của người dân còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.

Tôi cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cả nước. Vì thế, trong thời gian tới, tôi mong đại biểu Quốc hội, Quốc hội tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này; ưu tiên đầu tư, có những chính sách đổi mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, phải xác định nông dân chính là chủ thể phát triển, cần được quan tâm, đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp của Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại. Phát triển kinh tế nông thôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tạo việc làm, sinh kế, bảo vệ môi trường. Do đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng miền, kết nối vùng sản xuất với thị trường, phát triển dịch vụ khu vực nông thôn và quan trọng hơn phải tập trung giải quyết vấn đề môi trường để nông thôn thực sự là khu vực xanh, sạch và đáng sống.

Cử tri TRẦN CÔNG THẮNG (Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long)