Thực tiễn cho thấy, ngay từ Quốc hội khóa I, trong danh sách 333 đại biểu trúng cử đã có 34 đại biểu là người DTTS, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Tỷ lệ đại biểu là người DTTS không ngừng tăng lên qua các nhiệm kỳ Quốc hội. Đến Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người DTTS. Đại đa số các cộng đồng DTTS đều có người đại diện tham gia Quốc hội. Tỷ lệ ĐBQH là người DTTS tiếp tục được quan tâm nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, bảo đảm tính đại diện của các dân tộc trong Quốc hội, góp phần hoàn thiện chính sách dân tộc, đóng góp vào thành tựu to lớn của Quốc hội.
 |
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 5-11, Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VĂN QUỐC |
Quốc hội khóa XV tiếp tục phấn đấu sẽ đạt tỷ lệ ít nhất 18% đại biểu là người DTTS tham gia Quốc hội. Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Để đạt được mục tiêu có ít nhất 18% ĐBQH là người DTTS là vấn đề khó khăn đối với cả ứng cử viên là người DTTS và với cả cử tri là đồng bào DTTS, miền núi. Ông Hà Ngọc Chiến đánh giá: Phần lớn người ứng cử ĐBQH khóa XV là người DTTS mới lần đầu tham gia ứng cử nên điều kiện tiếp cận, thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động bầu cử chưa được đồng đều, có mặt còn hạn chế, nhất là việc xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng... Đây là rào cản không nhỏ hạn chế cơ hội thành công đối với những người ứng cử là người DTTS trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu ít nhất 18% ĐBQH là người DTTS đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp ở từng địa phương, vùng miền núi, dân tộc. Cùng với đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần tập trung tuyên truyền sinh động các nội dung về tiếp xúc cử tri, tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử, đặc biệt với người ứng cử là người DTTS, ở vùng đồng bào DTTS, đồng bào dân tộc rất ít người, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Cũng theo ông Hà Ngọc Chiến, điều đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng, số lượng ĐBQH là người DTTS đó là vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử. Bởi giai đoạn vận động bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng để người ứng cử giới thiệu chương trình hành động, chứng tỏ được với cử tri về năng lực, phẩm chất và khả năng đóng góp của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh: Sự tham gia của đại biểu là người DTTS đối với hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp giữ vai trò quan trọng, vì sẽ phản ánh được tâm nguyện của đồng bào dân tộc, đồng thời góp phần làm rõ, phổ biến, tuyên truyền để người dân địa phương chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, từng người ứng cử phải khẳng định trách nhiệm của mình trong việc luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên cao nhất, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Đồng thời, từ cương vị công tác của mình để phản ánh tâm nguyện, ý chí của cử tri, nhân dân đến Quốc hội. Song, ông Đặng Văn Thanh lưu ý, nếu được tín nhiệm trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, mỗi đại biểu phải học hỏi, tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau, không bó hẹp vốn hiểu biết của mình. Nhưng trong khi vận động bầu cử, trước hết phải thể hiện thế mạnh vốn có, phát huy ưu điểm ở các lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm, lĩnh vực mình hiểu biết. Ví dụ: Người ứng cử là giáo viên sẽ quan tâm đến giáo dục-đào tạo nhân tài, chất lượng nguồn nhân lực...; người ứng cử là cán bộ y tế thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của người dân, không chỉ là khám bệnh mà còn phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân, vấn đề sức khỏe cộng đồng...
Nhấn mạnh chương trình hành động là sự cam kết trách nhiệm rất cao của người ứng cử, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, chia sẻ: Vì đây là cam kết của cá nhân nên mỗi người ứng cử có thể chọn các nội dung cam kết theo khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu người ứng cử trúng cử, cử tri và nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu. Do vậy, người ứng cử càng phải trách nhiệm hơn khi đưa ra lời hứa trước cử tri, nhất là các ứng cử viên ĐBQH thuộc vùng đồng bào DTTS, thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước đồng bào DTTS, góp sức hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Được tổ chức giới thiệu ứng cử vào cơ quan dân cử là niềm vinh dự lớn không chỉ của cá nhân người ứng cử mà còn là vinh dự của tổ chức nơi người ứng cử công tác, là vinh dự, tự hào đối với gia đình... thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật... Xác định được điều đó, mỗi người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp cần chuẩn bị thật tốt những công việc trước khi ra ứng cử. Điều này thể hiện ý thức trước tổ chức và trách nhiệm trước cử tri. Có như vậy mới giành được sự tín nhiệm, sự ủng hộ của đông đảo cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.
VŨ DUNG