Trước ngày hội non sông, cử tri cả nước kỳ vọng, tin tưởng nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới sẽ là tập thể đại biểu có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực sự là “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, đưa đất nước phát triển, phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
 |
Cờ hoa rực rỡ trên các tuyến phố chào mừng ngày hội non sông. |
Kỳ bầu cử đặc biệt
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trên toàn quốc nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, kịch bản cho từng tỉnh, từng khu vực là khác nhau, thậm chí trong một tỉnh, điểm bầu cử này cũng khác với điểm kia...
Dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND đối với từng loại đơn vị hành chính: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn căn cứ vào dân số, đặc điểm vùng miền (miền núi, vùng cao, hải đảo...) và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc.
Nhắc đến ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm cả nước ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới. Bầu cử là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các nội dung đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
    |
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà còn hướng tới năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Do đó, trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, Quốc hội khóa XV sẽ mở đầu thời kỳ phát triển mới rực rỡ của đất nước, không chỉ gói gọn một nhiệm kỳ trước mắt mà còn dài hơn theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Nhắc đến kỳ tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước vào năm 1946 và sau đó là đại tổng tuyển cử trên quy mô cả nước tạo ra một Quốc hội thống nhất và bầu ra một Chính phủ thống nhất vào năm 1976, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV cũng là một kỳ bầu cử có ý nghĩa đặc biệt. Theo đó, kỳ bầu cử này được tiến hành sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một giai đoạn phát triển đột phá đất nước lên một tầm cao mới. Chính vì vậy, nhiệm kỳ khóa XV sẽ ghi dấu một chặng đường hết sức có ý nghĩa, mang tính bản lề trong tiến trình phát triển của Quốc hội, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng vươn tới của cả dân tộc. Bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường như hiện nay cũng đặt ra trọng trách lớn lao cho Quốc hội khóa XV cũng như các đại biểu Quốc hội sắp trúng cử tới đây.
Phải làm tròn trách nhiệm là đại biểu do dân bầu ra
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1 với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ngày 8-5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội phải xứng đáng là đại biểu của dân, do dân và vì dân.
Tổng Bí thư cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước đã làm tốt, nhiệm kỳ này phải làm tốt hơn... Hy vọng sắp tới kỳ bầu cử Quốc hội thành công, chọn ra được những đại biểu thật sự xứng đáng với truyền thống anh hùng và kỳ vọng phát triển của đất nước.
“Từng đại biểu Quốc hội phải làm tròn trách nhiệm là đại biểu do dân bầu ra, hơn bao giờ hết càng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ, nhất là về đoàn kết, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”,…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hy vọng sắp tới kỳ bầu cử Quốc hội thành công, chọn ra được những đại biểu thật sự xứng đáng với truyền thống anh hùng và kỳ vọng phát triển của đất nước. |
Bày tỏ niềm tin vào đội ngũ nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao Trung ương với sự chuẩn bị chu đáo từ Đại hội XIII của Đảng, Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) rất kỳ vọng, 500 đại biểu được cử tri lựa chọn vào ngày mai (23-5) sẽ là những người xứng đáng, đủ tầm, đủ tài, đủ đức, đại diện cho gần 100 triệu người dân đất Việt. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc nhất để hoạt động của Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục có những đổi mới, hoạt động hiệu quả, vì dân, quyết định những vấn đề trọng đại có tầm chiến lược, đưa đất nước thoát tụt hậu và từng bước hiện thực hóa khát vọng thành nước phát triển trong thời kỳ mới.
Đánh giá cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có nhiều sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bày tỏ kỳ vọng, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục là một tập thể đoàn kết, dân chủ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, có đủ năng lực điều hành, lãnh đạo.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho Quốc hội khóa tới, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Bởi lẽ, tuy hiện nay chúng ta đã có một hệ thống quy phạm pháp luật tương đối đồ sộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực song cũng có những quy định bộc lộ sự bất cập, lạc hậu, không theo kịp tình hình phát triển thực tiễn... Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là vô cùng quan trọng nhằm hiện thực hóa những khát vọng, mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đó là làm sao để cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Xứng đáng là những “viên gạch hồng”
Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, rõ ràng, những đại biểu Quốc hội được chọn trong kỳ bầu cử này cũng sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu phải nâng cao hiệu quả hoạt động có tính chuyên nghiệp của mình, có tiếng nói thực sự có trọng lượng ở diễn đàn Quốc hội, vì lợi ích của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, theo các chuyên gia, mỗi gương mặt được lựa chọn phải là “viên gạch hồng” trong nền móng của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, người đại biểu phải thực sự gần dân, lắng nghe và hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như nỗi bức xúc của người dân, từ đó biết cách xử lý vì lợi ích của nhân dân, chứ ko chỉ biết cách lắng nghe và “hứa suông”.
“Mỗi đại biểu Quốc hội được bầu ra không chỉ đại diện cho địa phương, một quận, một xã hay một khu vực nào đó, mà là đại biểu đại diện cho quốc gia. Do đó, các đại biểu cần đổi mới cách tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương khác nhau, có như vậy mới mở rộng kiến thức và giải quyết hài hòa bài toán của từng địa phương cũng như vấn đề vĩ mô quốc gia, dân tộc”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý.
 |
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Người đại biểu phải thực sự lắng nghe và biết được tâm tư, nguyện vọng cũng như nỗi bức xúc của người dân, từ đó biết cách xử lý vì lợi ích của nhân dân, chứ ko chỉ biết cách lắng nghe và “hứa suông”. |
Mặt khác, sau gần 4 thập kỷ đổi mới và hội nhập, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên rất nhiều. Điều này đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với Quốc hội với vai trò là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, có nhiều quyết sách quan trọng. Do đó, bên cạnh yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, năng lực làm việc, với trọng trách của những người đại biểu Quốc hội được tham gia xây dựng và quyết định những vấn đề lớn của Quốc hội, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc kỳ vọng các đại biểu trong nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có những quyết sách mang tính đột phá, đổi mới và sáng tạo trên mọi lĩnh vực, tạo đòn bẩy đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Đồng quan điểm, song PGS, TS Lê Văn Cương đặc biệt nhấn mạnh đến bản lĩnh chính trị của những đại biểu dân cử. “Muốn thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai thì kiên quyết đấu tranh đến cùng”, TS Lê Văn Cương phân tích và cho rằng, muốn vậy, mỗi đại biểu, nhất là các đại biểu chuyên trách phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tầm hiểu biết rộng lớn để nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp. Đồng thời phải hiểu sâu sắc tính chất, nhiệm vụ và yêu cầu trong hoạt động của cơ quan hành pháp. Có như vậy mới nâng cao năng lực thảo luận, tranh luận để quyết sách những vấn đề mang tầm quốc gia, đặc biệt mới thông qua để ban hành luật, bộ luật, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, và đặc biệt mới có thể thực hiện giám sát tối cao có hiệu quả.
 |
PGS, TS Lê Văn Cương: Muốn thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, thấy đúng bảo vệ, thấy sai kiên quyết đấu tranh đến cùng. |
Nói về nhiệm vụ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đánh giá, từ nay đến năm 2045, con số được tính bằng thập kỷ nhưng đối với hoạt động của đại biểu dân cử sẽ được tính bằng 5 nhiệm kỳ hoạt động.
Theo ông Bùi Văn Cường, để thực hiện được những mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước như kỳ vọng đã được Đảng xác định, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ là rất lớn và phải bắt đầu ngay từ nhiệm kỳ hiện tại.
"Nhiệm vụ trước hết của mỗi đại biểu Quốc hội là thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân và cử tri tại địa phương bầu ra mình và của cả nước. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là thực hiện đúng, thực hiện tốt trách nhiệm gắn bó mật thiết và giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, định kỳ tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội. Từ đó tiếp nhận, nghiên cứu, phối hợp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, báo cáo cử tri về hoạt động đại biểu của mình và chịu sự giám sát của cử tri", ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
PGS, TS Lê Văn Cương thì tin tưởng rằng, thành công trong công tác nhân sự của Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng, là yếu tố giúp cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, có đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ, xứng đáng với niềm tin của cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
“Nhìn vào những gương mặt thành viên Chính phủ được bầu, phê chuẩn trong kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, tôi thấy đều là những gương mặt đáng tin cậy mà nhân dân có thể đặt lòng tin của mình một cách xứng đáng. Đặc biệt, điều có thể thấy rất rõ ở những gương mặt này là khát vọng cống hiến, tận tâm, trách nhiệm, sẵn sàng cùng với toàn dân đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới”, PGS, TS Lê Văn Cương nhận định.
Nhìn lại các nhiệm kỳ đã qua có thể thấy hoạt động của Quốc hội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân... Truyền thống quý báu ấy chính là nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
PHƯƠNG HẰNG