Hiếm ai có thể tưởng tượng rằng, chỉ trong vòng một năm, Trung Đông lại trải qua nhiều biến cố dồn dập như thế.
"Cơn gió nóng" từ cuộc xung đột Israel-Hamas chưa kịp dịu xuống thì đã tràn ra khắp bản đồ khu vực, cuốn thêm nhiều quốc gia vào binh lửa, rối loạn với các cuộc giao tranh giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon, các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" bằng tên lửa giữa Israel và Iran. Và khi các cuộc động binh của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào những tàu thương mại trên Biển Đỏ vẫn đang tiếp diễn, thế giới thêm một lần nữa chấn động bởi cuộc binh biến ở Syria.
Bằng các cuộc tấn công táo bạo, lực lượng đối lập ở Syria đã bất ngờ giành quyền kiểm soát Aleppo-thành phố lớn thứ hai ở nước này và tiếp đó là thủ đô Damascus, khiến chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhanh chóng sụp đổ chỉ trong 11 ngày, buộc nhà lãnh đạo này phải rời bỏ đất nước sang Nga tị nạn.
Những cuộc sụp đổ và những cuộc xung đột chưa hồi kết ở Trung Đông ngày càng cho thấy rõ: Hòa bình, an ninh và cuộc sống của người dân ở các quốc gia trong khu vực này đang bên bờ vực thẳm; bàn cờ quyền lực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ bị vẽ lại, trở thành trung tâm của cuộc đuổi bắt lợi ích giữa những thế lực tranh bá mới.
 |
Ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ảnh: The Harvard Gazette |
Khói lửa đang che khuất tầm nhìn tương lai của các quốc gia Trung Đông, nhưng châu Âu và cả châu Á cũng chẳng an yên khi một số nền kinh tế hàng đầu ở hai châu lục này đang bấn loạn trong vòng xoáy bất ổn chính trị.
Sự sụp đổ của chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu tại Đức, việc nước Pháp phải thay thủ tướng tới 4 lần trong vòng một năm do chia rẽ nội bội thực sự là những cơn địa chấn lớn, không chỉ đẩy hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu rơi vào bất ổn mà còn tác động nhiều đến kinh tế-chính trị khu vực cũng như thế giới, khiến con tàu Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ mất phương hướng.
Còn tại châu Á, năm 2024, Hàn Quốc trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, với việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật và vì hành động này mà ông Yoon Suk Yeol bị Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu luận tội, trong khi nhiều quan chức cấp cao khác trong chính quyền đương nhiệm bị bắt giữ. Oái ăm thay, cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc diễn ra đúng thời điểm quan hệ liên Triều trải qua năm được coi là “nóng” chưa từng thấy trong vòng 7 thập kỷ qua. Bên cạnh việc tiến hành hàng loạt vụ phóng thử tên lửa, phá hủy các đoạn đường sắt và đường bộ nối hai miền ở khu vực biên giới, Triều Tiên tuyên bố lực lượng hạt nhân của nước này đã tăng mạnh và đạt trình độ mạnh nhất thế giới.
Những khó khăn hiện tại dường như khiến châu Âu hụt hơi trong nỗ lực hóa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine, bất chấp trong suốt năm qua, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ cả về tài chính lẫn vũ khí cho Kiev. Đến nay, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vượt qua cột mốc 1.000 ngày, gây tiêu hao cho cả hai phía, song triển vọng đàm phán hòa bình vẫn còn bỏ ngỏ. Thậm chí, từng có thời điểm dư luận lo ngại xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, còn Moscow tuyên bố sửa đổi học thuyết hạt nhân để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ngay cả khi bị tấn công bằng vũ khí thông thường.
Khi những mạch ngầm chìm sâu trong đời sống quốc tế nổi lên thành những cơn sóng lớn đe dọa an ninh, hòa bình của thế giới, mọi sự chú ý đổ dồn về sự kiện chính trị lớn nhất nước Mỹ năm 2024. Chiến thắng vang dội của tỷ phú Donald Trump trước Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11-2024 khiến dư luận đưa ra những dự đoán về cách hành xử của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Donald Trump: Một nước Mỹ sẵn sàng đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước láng giềng; sẵn sàng căn ke và đòi phân minh lợi ích với ngay cả các đồng minh.
Nhưng chiến thắng của ông Donald Trump cũng đem tới hy vọng giải quyết ổn thỏa ít nhất là một trong các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump từng cam kết chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi chính thức nhậm chức. Hy vọng ấy càng có cơ sở nếu lập luận một cách lạc quan rằng, thiệt hại to lớn về nhân lực, vật lực, hệ lụy lâu dài về kinh tế với không chỉ người trong cuộc mà còn với cả thế giới là lý do khiến các bên liên quan không thể để xung đột ở Trung Đông, Ukraine... trở thành một cuộc chơi “sát ván”.
 |
Khung cảnh đổ nát ở dải Gaza do các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. Ảnh: Brookings Institution
|
Bất chấp mối đe dọa từ xung đột, bất ổn chính trị-xã hội, thiên tai, dịch bệnh... những số liệu đầy lạc quan về triển vọng phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, những cột mốc trong hành trình chinh phục vũ trụ, sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ đạt được trong năm qua đem đến niềm tin rằng nhân loại vẫn đang tiến gần tới một tầng nấc phát triển siêu đẳng hơn.
Trong một thế giới cuồn cuộn bão dông thế sự và cạnh tranh gay gắt, con tàu Việt Nam vẫn đang hướng tới chân trời sáng với những thành tựu mang tính lịch sử về phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế. Theo Trung tâm dự báo và phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), năm 2024, Việt Nam đạt quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng 450 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table-WELT) và được dự báo trong 4 năm tới sẽ tiếp tục thăng tiến. Những thành tựu ấy bắt nguồn từ việc mở rộng quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác với tất cả các nước vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung.
Những trận cuồng phong tác động mạnh mẽ tới tình hình thế giới trong năm qua nhắc nhở chúng ta nhiều điều: Các mối quan hệ quốc tế cần được xây dựng trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, sẵn sàng chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách mà thế giới đang đối mặt; mâu thuẫn, xung đột cần được nhìn nhận một cách thấu đáo qua lăng kính lợi ích của mỗi bên, cần được hóa giải trên tinh thần thiện chí và sự khoan dung chứ nhất quyết không thể bằng vũ lực.
Thế giới đang bước vào một năm mới với vô vàn bất ổn và âu lo, nhưng không phải không có những hy vọng!
ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.