- Những ngày tới, chị cứ sang giúp ông việc cúng cơm cho bà. Sau trăm ngày của bà, ta tính tiếp!

Có chị Liễu, chúng tôi yên tâm hẳn. Chị dẻo dai, biết việc và chăm chỉ. Chị đã hơn bốn mươi nhưng có phom người mà nhiều gái đôi mươi phải mê. Đặc biệt, chị có nước da ngăm đen, lại hồng bóng lên như khẳng định sức hồi xuân đang độ.

Sau lễ cúng một trăm ngày của mẹ chồng, bố chồng tôi nói:

- Bố không về với các con, không phải vì không thương con, thương cháu. Bố ở quê từ ngày về hưu đã quen với nếp sinh hoạt. Hai nữa còn việc họ tộc, việc làng việc xóm. Còn chuyện các con nói bố có thể tìm “bạn mới”, đó là việc riêng của bố, mong các con tôn trọng!

Tôi chợt đưa ra một ý: "Bố xem thế này có được không? Vườn nhà ta rộng, còn giặt giũ, cơm nước, quét sân, dọn nhà... theo con, ta cứ thuê một người giúp việc. Vậy chúng con mới yên tâm. Hai nữa, ta sẽ trồng mấy luống rau, nuôi mấy con gà. Cả nhà ta đều được ăn rau sạch, thịt sạch. Con vừa thanh toán tiền công ba tháng cho chị Liễu, như công chị ấy vẫn chăm sóc mẹ khi còn sống. Con nói với chị ấy, nay mẹ đã mất, không cần thuê chị nữa”. Mắt bố tôi như tối sầm lại. Tôi nói tiếp: “Bây giờ nếu bố và anh đồng ý thì ta có thể gọi chị ấy quay lại làm”. Bố tôi gật gù: “Thế cũng được, thế cũng được!”.

Minh họa: THÁI AN 

Trên đường về thành phố, vừa lái xe, chồng tôi vừa hỏi: "Chuyện chị Liễu quay lại làm, rồi chuyện nuôi gà, trồng rau, sao em nghĩ ra nhanh và trúng thế nhỉ?". Thấy chồng có ý ủng hộ, tôi giãi bày: "Em nghĩ kỹ rồi, ngày mẹ còn nằm đấy, tuần nào mình cũng phải về. Nay cứ hai tuần ta về, một là được tiếng thăm nom, săn sóc bố, hai là ta mang thịt sạch, rau sạch lên thành phố. Rau thì mùa nào rau ấy. Gà thì, em đã nói kỹ với chị Liễu rồi, cứ mua vài chục con cỡ trên dưới hai cân, nuôi hai tháng cho hết dư lượng hóa chất trong thức ăn, cỡ trên ba cân là ngon rồi. Anh biết không, em chỉ trả chị ấy sáu triệu đồng một tháng thôi, chứ không phải tám triệu như khi chăm sóc mẹ đâu!".

- Chịu em, sáng suốt đến kinh hoàng. Nhưng em có rau, có thịt an toàn thì bố có “an toàn” không?

- Cái gì? Bố cũng... Em hiểu rồiii-Tôi véo tai chồng một cái rõ đau-Đừng suy bụng ta ra bụng người nha! Bố là lãnh đạo hội cựu chiến binh. Đạo mạo, phương phi, đàng hoàng thế...

- Ấy à, chính cái đàng hoàng của cụ mà anh đâm lo. Một sĩ quan cao cấp mới về hưu dăm năm ở với một phụ nữ đang độ hồi xuân...

- Em tin bố sẽ rất chuẩn mực, mô phạm, không lả lướt như anh đâu! Hai nữa, còn chồng con chị Liễu chứ. Chị ấy có chồng là bộ đội xuất ngũ về làm thợ xây. Anh chị ấy sinh được hai thằng cu. Bố mẹ lam lũ thế mà có hai đứa con học giỏi lắm. Chị ấy tuy mới học hết cấp hai nhưng rất chăm đọc. Giá sách của bố cao đến gần trần nhà mà chị ấy bảo đọc hai năm qua được một nửa rồi. Hễ rảnh tay làm là chị ấy lại đọc, đọc cho mẹ nghe, cho mẹ đỡ buồn. Việc ngày nào cũng đưa mẹ ra sân tắm nắng vào buổi sáng là do chị ấy đọc trong sách đấy. Chị ấy bảo tắm nắng vào trước chín giờ sáng, khi tia cực tím chưa phát tác nhiều, nắng ấy cho nhiều vitamin D và các vi lượng khác, rất tốt cho cơ thể. Chị ấy còn kể câu chuyện, có hai người lính ở ba tháng trong hang đá, thèm tắm nắng lắm! Rồi một lần ra trận, hai người bị đá lấp trong khe, năm ngày năm đêm sau mới được đồng đội tìm thấy. Họ chỉ liếm nước từ đá rỉ ra do sương trời và hơi đá kết thành, họ kêu không thành tiếng nữa. Mười người lính khỏe mạnh mới vần được tảng đá để hở đầu hai người ra. Khi các bác sĩ nữ hỏi vui: “Các anh giờ thích gì để chúng em chiều?”, từ hai chiếc cáng cùng bật ra câu: “Anh thèm tắm nắng!”. Thế rồi ở quân y viện, hai ông thi nhau ra sân tắm nắng. Tắm đến nỗi da cháy rộp...

*   *   *

Hai năm trôi qua. Vợ chồng tôi đều đặn về quê theo lịch. Hai năm không có biến cố gì.

Cho đến thứ năm tuần trước, tôi đột ngột về giữa trưa để lấy bản gốc giấy khai sinh của con. Tôi nhón gót lên thềm, vừa để tháo dép đi đường, vừa định đánh tiếng, chợt nghe tiếng người nói trong phòng khách.

Bố chồng: "Cô cầm về mà lo việc!".

Chị Liễu: "Phải xin ứng trước tiền công thế này là em cực lắm, nhưng phải kịp đóng học cho lũ trẻ!".

Bố chồng: "Cô cứ cả nghĩ, tôi thấy mình có trách nhiệm với các cháu!".

Chị Liễu: "Anh tốt với em quá!".

Tôi có nghe nhầm không đây? Hằng ngày, chị Liễu vẫn gọi bố mẹ chồng tôi là “ông, bà” cơ mà?

Tôi hắng giọng. Chị Liễu vội bước ra cửa, tay vẫn cầm một xấp tiền. Thấy tôi, chị ta vội nhét tiền vào túi tạp dề, lý nhí chào. Bố chồng tôi giọng vẫn sang và ấm: “Con về đấy à?”. Tôi gằn giọng: “Chị cầm tiền kia là tiền công gì vậy?”. Mặt chị ửng đỏ từ từ chuyển sang tái, nói như hụt hơi: “Đây là... đây là...”.

Bố chồng tôi đỡ lời: “Đây là bốn triệu đồng, bố tự nguyện trả công thêm cho cô ấy hằng tháng. Với số tiền con trả, cô ấy không đủ lo cho lũ trẻ học hành và chi tiêu khác!”.

Tôi cau có: “Bố, bố thừa tiền à? Giờ chỉ cần phẩy tay, ối người nhận làm việc của chị ấy mà con chỉ cần trả năm triệu đồng thôi!”.

Bố chồng khẽ khàng: “Thôi mà con, đồng tiền là đồng bạc”. Nói rồi, ông quay vào nhà.

Với Liễu, tôi chưa buông tha: “Chị vừa gọi bố tôi là gì ấy nhỉ? Anh à? Sao hằng ngày chị vẫn gọi là ông cơ mà?”. Giọng Liễu có vẻ cố cứng rắn: “Ông bảo gọi anh cho nó thân tình và gần gũi”.

Lại còn thế nữa! Sao tôi muốn vả vào cái bản mặt giả ngây thơ đến mức thành cáo già kia! Ngay chiều tối hôm đó, chồng tôi về nhà theo cuộc gọi gấp của tôi. Tối đó, nhà tôi họp gia đình.

Vào đầu chuyện, bố chồng tôi vẫn giọng sang trọng nhưng đầy ấm áp: “Bố mong các con không can thiệp vào việc của bố. Lương bố, bố cho ai, tặng ai là quyền của bố”.

"Lúc nào bố cũng tôn trọng, tôn trọng, nhưng đã bao giờ bố tôn trọng ý kiến của con đâu? Con đề nghị bố về sống với chúng con. Con đề nghị với tiền lương hưu, bố có thể đi chơi, bố có thể đi khách sạn, phòng massage, thậm chí bố ưng ai..."-chồng tôi phản ứng.

Bố chồng đứng dậy: "Anh nghĩ về bố anh thế ư?".

Ông ôm ngực ho mấy tiếng rất nặng rồi bỏ lên tầng về phòng mình, nhưng vẫn quay lại nói: “Tôi thất vọng về anh!”.

Đêm đó, vợ chồng tôi thức trắng, bàn đủ chuyện, nói đủ điều. Khi con chim chìa vôi hót lên những tràng dài “choẹt choẹt” như đua với đàn gà trống trong chuồng gáy sáng cũng là lúc tôi dậy nấu ăn để về thành phố kịp giờ làm.

Vừa bước vào bàn, chồng tôi đã lên tiếng: “Hôm nay, chúng con phải đi sớm, bố nên giữ sức khỏe!”. Bố đảo bát phở, nói khẽ: “Cảm ơn các con. Bố biết giữ mình con ạ!”.

Chồng tôi nói: "Chúng con sẽ cho chị Liễu nghỉ việc, một vài ngày tới, bố vất vả một chút để chờ nhà con thuê người khác!".

- Hả? Cô Liễu nghỉ làm? Không được! Các con không thuê cô ấy thì bố thuê!

- Bố không nghĩ cho bố thì bố cũng phải nghĩ cho chúng con chứ! Mỗi lần về làng, người chỉ trỏ, người xì xầm, ai chịu được? Mà bố biết không, chồng chị ta còn sống sờ sờ ra đó. Anh ta cũng là lính đó!

- Lính thì làm sao?

- Làm sao à? Đồng đội của bố đấy! Bố nỡ cư xử với đồng đội của mình thế à?

- Anh im ngay! Anh... anh không được xúc phạm...

Mặt bố chồng tôi đỏ lịm, rồi ông ôm ngực, lả dần, lả dần xuống ghế. Tôi vội kéo chiếc ghế sát bên cho ông ngả mình nằm xuống. Bố chồng tôi nằm dài, thở rất khó khăn. Tôi bảo chồng: “Anh chạy vào phòng tắm lấy cho em con dao cạo râu ra đây!”. Nói xong, tôi bốc máy gọi cấp cứu 115.

Tôi mạnh tay chích vào dái tai và đầu ngón tay bố chồng tôi. Những giọt máu đỏ tươi rỏ ra ở các ngón tay. Chồng tôi ngơ ngác nhìn các thao tác nhanh nhẹn và dứt khoát của tôi. Anh hiểu như thế là huyết áp của bố mình đã được hạ xuống. 

- Em học ở đâu lối cấp cứu nhanh và hiệu quả này?

Tôi đáp khẽ:

- Mụ Liễu đấy! Đã có lần em thấy mụ ta sơ cứu cho mẹ như thế!

- Lại Liễu! Cô ta thành người nhà này rồi...

Ba ngày liền, vợ chồng tôi ở viện chăm sóc bố. Ba ngày, chị Liễu luôn có mặt từ sáng qua đêm. Có buổi, chị ta còn giục: “Cô chú không quen chăm người ốm, cứ về nhà ngủ cho đỡ mệt, ông ở đây đã có tôi. Có gì tôi điện báo ngay”.

*   *   *

Sáng mùa xuân, trời xanh và cao vút. Vợ chồng tôi đèo nhau bằng xe máy sang xã bên. Tuy mang tiếng là hai xã khác nhau nhưng nhà chị Liễu cách nhà tôi chỉ hơn năm cây số.

Đứng trước căn nhà ba gian một buồng cấp bốn, nhỏ nhắn nhưng có vườn, có sân với những chậu cây cảnh được chăm bón công phu, chồng tôi cất tiếng: “Chị Liễu có nhà không?”.

Có tiếng đàn ông: “Ai gọi Liễu đấy, mời vào nhà!”. Từ ngoài nhìn vào thấy một chiếc xe lăn và một người đàn ông chừng hơn năm mươi tuổi ngồi trên tấm phản gỗ xoan.

Chúng tôi tiến lại, cất tiếng: "Anh là...".

"Vâng, tôi là chồng cô Liễu. Thế anh chị là...?". Đập vào mắt chúng tôi là bức ảnh to cỡ 60x90cm được treo ngay ngắn trên bức tường giáp với đầu chiếc phản. Trong ảnh là bố chồng tôi đang cúi xuống bên chiếc xe lăn, mà người ngồi trên xe không ai khác là chủ nhà. Vợ chồng tôi lúng túng phút đầu, rồi chồng tôi chuyển hướng nhanh:

- Dạ, chúng cháu là con trai và con dâu bố Tùng, sang thăm chú!

- Ối giời ơi!-Chủ nhà giơ cả hai tay lên trời-Thủ trưởng Tùng đến thăm đã quý lắm rồi, lại còn các cháu nữa...

Chúng tôi kéo ghế ngồi. Tôi hỏi thăm làm thân: "Nghe cô Liễu nói chú tên là Phùng, ở nhà lại có tên là Cáy. Cái tên cũng buồn cười, chú nhỉ!".

- Thì thế, cũng vì cái tên ấy mà anh em tôi xa nhau hơn 30 năm mới tìm được nhau. Thủ trưởng Tùng cứ nhắc mãi chuyện ấy đấy! Mà tôi với thủ trưởng cứ như có duyên nợ từ kiếp nào. Cái năm ấy, đơn vị thủ trưởng Tùng đã có lệnh lên mặt trận. Thế rồi, buổi sáng sớm đi thị sát bố phòng hỏa lực của ta, loạt pháo phản lực đã đánh sập mỏm đá, lấp lên khe đá mà hai anh em vừa bị hất xuống...

- Ồ, thì ra chú là người đánh rơi túi lương khô, làm lũ kiến kéo đến ư?

- Bố Tùng kể cho các cháu à?

- Dạ không!-Tôi đỡ lời chồng tôi-Là chúng cháu đọc được trong sách ạ!

- Sách à? Sách có nói chuyện tụi chú tắm nắng đến cháy da không?

- Có, chú ạ!

- Buồn cười cái sự ngu ngơ ấy thật! À, nói đến tắm nắng thì cũng đến giờ rồi, chú cháu ta ra sân ngồi nói chuyện, ta cùng tắm cái nắng xuân sớm mai đẹp và quý này...

Chúng tôi dìu chú lên xe lăn và cùng kê ghế ngồi bên chú. Qua chuyện, được biết chú Cáy ra quân rồi học thợ nề. Một lần, chú bị tai nạn, ngã từ giàn giáo cao xuống, đập lưng vào thành tường xây, tổn thương tủy sống. Chúng tôi cũng được biết, tấm hình kia chụp cách đây hai năm, cái năm mẹ tôi mất. Bố chồng tôi đã tìm được người đồng đội, người mà suýt nữa cùng chết chung trong ngôi mộ đá. Cũng buổi hôm ấy, bố tôi đã nắm chặt tay chú Cáy, hứa giúp đỡ về tài chính để chú dưỡng thương và đỡ đần cô Liễu. Và chú đã rớt nước mắt xin nhận.

Trước khi chia tay, chồng tôi rút từ túi áo ra một xấp tiền, số tiền mà anh định thanh toán viện phí cho bố. Chồng tôi nói: "Thưa chú, hôm nay sang, chúng cháu không biết biếu chú cái gì. Đây là chút lòng của chúng cháu, để chú mua thuốc và bồi dưỡng sức khỏe". Chú Cáy: “Ơ, ơ ơ... quà gì nữa? Mỗi tháng, chú đã nhận bốn triệu đồng của bố cháu rồi, chú đầu tư vào mua và chăm sóc cây cảnh. Cũng đã bán được một số cây rồi...”.

Ra về, trên đường, hai vợ chồng tôi im lặng kéo dài. Chúng tôi về đến viện thì được biết, cô Liễu đã thanh toán viện phí và đưa bố tôi về nhà bằng taxi.

Nắng trưa vàng óng, rát rạt, táp vào bốn phía xung quanh vợ chồng tôi...

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN