Qua phà Trà Ôn đến xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, tìm ông đồ Hồ Phú Quới (Út Quới), chúng tôi được người dân chỉ dẫn khá tận tình. Trong căn nhà 3 gian 2 chái “rặt” chất Nam Bộ, một ông lão dáng gầy tiếp chúng tôi với nụ cười hồn hậu, chân thành. Nói về quá trình gắn bó với câu đối Tết, ông Quới chia sẻ: “Tôi học chữ Quốc ngữ từ khi 7 tuổi, đến năm 9 tuổi, cha tôi cho mấy anh em đi học thêm chữ Nho. Phải mất 13 năm mới có thể tự tin ngồi viết liễn xuân”.
 |
Không gian bếp quê Nam Bộ được tái hiện tại phố Ông Chảnh. |
Với mong muốn giữ gìn nét đẹp của phong tục viết liễn đối ngày xuân, ông Út Qưới đã đóng vai một thầy đồ thực sự. Hơn 40 năm qua, cứ vào rằm tháng Chạp, ông lại bày mực tàu, giấy đỏ trên con đường Lê Minh Ngươn ngồi viết liễn đối. “Viết liễn Tết là thói quen đã thấm vào máu thịt của tôi. Dù bận đến mấy, tôi vẫn sắp xếp thời gian ngồi viết liễn tặng bà con mang về trưng trong nhà mấy ngày xuân cho vui cửa vui nhà”, ông Quới bộc bạch.
 |
Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày xuân giúp người dân hoài niệm về Tết xưa. |
Mong mỏi tái hiện không khí Tết xưa ấm áp và thiêng liêng, anh Nguyễn Minh Nhật ở khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã giữ hồn Tết theo cách riêng của mình. Theo anh Nhật, khu vực anh sinh sống trước nay khá vắng vẻ. Tết 2018, anh xin ý kiến các hộ gia đình trong hẻm tái hiện khung cảnh ngày Tết và lấy tên là phố Ông Chảnh.
Trong không gian phố Ông Chảnh, khách tham quan thấy được hình ảnh thân quen và có lẽ chỉ xuất hiện vào những dịp Tết xưa, như: Chùm pháo đỏ treo trước hiên nhà; bếp củi các bà má hay dùng để nấu các món ăn dâng lên tổ tiên những ngày Tết; hình ảnh nồi bánh tét mang đậm hương vị truyền thống của người dân Nam Bộ và thể hiện mong muốn sum vầy, anh em, con cháu quây quần bên ánh lửa; khung cảnh hoa mai nở rực rỡ trước sân nhà, báo hiệu mùa xuân đến cũng như cảnh ông đồ già tay khỏa bút khai xuân... Tất cả những hình ảnh trên làm cho không gian phố Ông Chảnh thêm phần đặc biệt, để Tết xưa không còn là hoài niệm trong tiềm thức của nhiều người.
 |
Ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật viết thư pháp. |
“Ngay khi vừa lên ý tưởng, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình làm đẹp cho khu phố và mong muốn gợi nhớ về một cái Tết có đầy đủ những nét đẹp truyền thống xưa trong cuộc hành trình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hy vọng qua đó sẽ giúp thêm nhiều bạn trẻ hiểu Tết là như thế nào mà yêu Tết nhiều hơn”, anh Nhật tâm sự.
Có lẽ, một ông đồ cho chữ ngày xuân hay một phố Ông Chảnh sẽ không thể diễn tả hết vẻ đẹp Tết xưa đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người, nhưng đó sẽ là nơi giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về Tết xưa của ông cha ta và “níu chân” người trẻ trở về với Tết cổ truyền.
Bài và ảnh: THÚY AN