Tôi biết nơi đóng quân của Lữ đoàn Công binh 293 ngay từ khi Lữ đoàn mới ra đời. Đây là đơn vị thành lập sau của Binh chủng Công binh. Những ngày đầu, "cơ ngơi" của Lữ đoàn là khu doanh trại đơn sơ, lại ở vùng khí hậu nắng nóng khắc nghiệt nên đơn vị gặp không ít khó khăn.

Không tự ti, không sợ khó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 293 cứ bền bỉ, căn cơ cải tạo doanh trại. Không đợi “an cư” mới “lạc nghiệp”, đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa xúc tiến quy hoạch, xây dựng lại doanh trại và cải tạo môi trường, cảnh quan theo mẫu chính quy, tiện ích. Không chờ vào sự quan tâm đầu tư của trên, với tinh thần tự lực, những người lính Lữ đoàn 293 đã bỏ vào đây biết bao công sức.

Bộ đội Lữ đoàn 293 chăm sóc vườn hoa đón xuân. 

Việc làm đầu tiên là cải tạo môi trường, cảnh quan. Ở nơi quanh năm nắng nóng, bốn mùa cát bay nên đơn vị phải tiến hành ngay việc cải tạo và đào mới hệ thống hồ, ao. Phải có nước thì mới tính được các việc khác. Từ mấy chiếc ao nông choèn trước đây và những nơi không trồng được cây, đơn vị tổ chức khơi sâu, đào đắp ao, hồ. Với việc kè bờ hệ thống ao, hồ ở vùng toàn cát, sở trường của bộ đội công binh được phát huy. Quá trình dỡ bỏ, cải tạo những công trình cũ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 293 không đem phế liệu đổ đi mà chở luôn về đơn vị. Những mảng bê tông, mảng tường, tảng đá... được cắt gọt, gắn kết thành kè ao, hồ, vừa đẹp vừa tiết kiệm. Hiện nay, đơn vị có 10 ao, hồ, đều được kè bờ, xung quanh trồng các loại cây ăn quả và cây bóng mát; dưới nước, các loài cá vần vũ, đáy ao thì san sát loài trai Bác Ái. 

Chuyện về những con trai ở đây cũng khá thú vị. Một dịp đi huấn luyện vượt sông ở sông Sắt, thuộc huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, lúc trinh sát bến vượt, chân bộ đội chạm vào rất nhiều trai, bắt về cải thiện bữa ăn thì thấy thịt rất thơm ngon. Vậy là khi kết thúc đợt huấn luyện, người lính Lữ đoàn 293 khai thác được hơn 5 tạ trai, đưa về đơn vị thả hết xuống 10 hồ, ao, nay chúng sinh sôi với số lượng lớn. Đây là nguồn thực phẩm dồi dào để có những nồi canh chua dân dã mà hấp dẫn của bộ đội.

Trong năm, ở Cam Ranh ngày nắng nhiều hơn ngày mưa, mà nắng ở đây thì như đổ lửa, diện tích tăng gia lại toàn cát trắng nên cây và rau không thể sống được. Lữ đoàn 293 giải quyết “bài toán thổ nhưỡng” này bằng cách “nghiêng vườn đổ cát ra xa”, thế vào đó là đất màu và rác hữu cơ. Hàng nghìn chuyến xe tải chở vật liệu đi công trình, khi quay lại đơn vị là "hàng đối lưu"-đất màu và lá cây.

Đến nay, toàn bộ diện tích tăng gia và trồng cây của đơn vị đã được màu hóa. Cây không phụ công người, tốt tươi dưới nắng lửa. Ở đây không chỉ có cây bản địa mà là “bộ sưu tập xanh” từ nhiều miền đất nước. Khi thực hiện nhiệm vụ và huấn luyện ở đâu, thấy loài cây nào giá trị và phù hợp là người lính công binh thực hiện ngay việc “di thảo”. Hiện nay, đơn vị đã có 200 cây mít từ Bình Phước; 100 cây hồng xiêm từ Đồng Nai; 100 cây sa kê từ Bình Dương; 200 cây xoan chịu hạn từ Ninh Thuận; 300 cây sấu, 100 cây hoa sữa, 100 cụm sen từ Hà Nội; 100 cây dừa Bến Tre... cùng nhiều cây cảnh, cây hoa do cán bộ, chiến sĩ đưa từ quê hương mình về đơn vị...

Thượng tá Lê Xuân Hưng, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn giúp tôi hiểu thêm về “sức xuân” 293. Anh bảo: "Từ hệ thống hồ, ao và hàng vạn cây xanh, cây ăn quả, đã có nhiều danh hiệu, cách ví dành cho Lữ đoàn 293, như: “Công viên sinh thái”, “Vườn bách thảo trên cát trắng”, “Tiểu vùng khí hậu 293”... Thực vậy, những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong khu vực đơn vị thường thấp hơn bên ngoài 1,5-2 độ C...".

Ở vùng khó nhận biết mùa xuân mà nhiệt độ giảm được như vậy thì thú vị biết bao. Xuân vẫn sang, nét xuân vẫn ăm ắp với người lính công binh, nhưng hẳn họ đã chủ động “gọi xuân” từ sớm. Tôi nghĩ, cách gọi nào, danh hiệu nào dành cho Lữ đoàn 293 cũng đúng, cũng thực. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn xứng đáng được hưởng như thế, để họ thêm gắn bó, thêm yêu mến đơn vị, nỗ lực phấn đấu chung đúc nên truyền thống, thành tích ấn tượng trong nhiều năm qua.

Bài và ảnh: KHÁNH TRANG