Thượng nguồn trí não tôi là những hình ảnh bập bõm cách đây hơn ba mươi năm, hằn rõ nhất tiếng khèn K’Rí. Tiếng khèn của chiến sĩ đội vận tải đường sông K’Rí lạ lắm, ngần ấy năm, không mùa trăng nào tôi quên được. Khi được phân công đi tiền trạm chọn cảnh quay cho bộ phim tài liệu về dòng Pô Kô, đêm ấy, tôi mơ thấy tiếng khèn, cả ánh mắt ươn ướt khi tôi lạc vào rừng hoa pơ lang, nơi có suối Kin uống nước núi Cô Păng.

                                                                                       *

                                                                                    *       *

Già làng Đắc Na đang cho voi ăn. Con voi ve vẩy tai, huơ vòi cuốn từng khúc chuối. A Khàn tiến đến: “A Brao à, tôi đem cán bộ làm phim về mình này. Cho nó ngủ nhà A Brao nhé!”.

Tôi lóng ngóng giơ tay ra bắt. Già làng đứng lên, sáng mắt nhìn tôi rồi đột ngột kêu lên: “Phải thằng Mai không? Mày vẫn còn nhớ Đắc Na à? A Khàn! Tội mày to rồi”.

A Khàn rót rượu ra, tôi đưa hai tay về phía Brao nghiêm trang: “Mừng Đe nhâng Brao, mừng dân làng Đắc Na!”. A Brao đỡ bát rượu: “Theo tục người Cô Păng, mày uống trước đi!”. Tôi không cãi, ực cạn bát. A Brao bảo: “Uống chung đi. Uống rồi vào nhà đi. Tối dân bản đến”. Tôi nhìn Brao: “Suối Kin còn nước không? Tôi với A Khàn đi tắm”. Giọng A Brao trầm xuống: “Tắm máng ở nhà thôi. Suối Kin nước mới về ít lắm. Tại chúng nó chặt hết rừng mà”.

Tôi ngẩn ngơ bước lên cầu thang gỗ. Suối Kin hết nước ư? Sao lại thế được? Ngày ở đây suối nhiều nước mà. Muốn sang bên kia ngày mưa phải có dây mới sang được. Thế thì không quay được cảnh lũ làng tắm suối Kin rồi. Không biết bây giờ con gái Đắc Na tắm ở đâu?

Chập tối, dân làng đến. Ngày xưa họp chỉ toàn lũ đàn ông. Đàn bà con gái đổ nước vào vò rượu, cắm cần rồi xuống nhà dưới ăn ngô, ngủ gà ngủ gật. Bây giờ lại thấy đám con gái rúc rích trêu nhau. Tôi ngồi im cạnh A Khàn. A Khàn uống vào rồi cái miệng không im được, tíu tít cùng lũ con gái. Già làng A Brao đứng lên, giọng trầm trầm như chảy ra từ đống lửa:

“Ơ lũ làng Đắc Na núi Cô Păng! Cây r’tinh đang bị đốn trên rừng. Cây r’tang ngã xuống gốc còn nơi kia. Suối Kin mùa khô nước không về. Con nai không tác đêm, con voi chết mất ngà. Đã ba mùa rẫy vắng tiếng khèn của K’Rí. Lũ làng ta từ khi theo Đảng, theo Bác Hồ đã có bắp, có sắn, có cái chữ, có rượu uống. Tại sao không giữ được rừng cho nước về, sông mùa lũ không bắt đàn bà, trẻ con? Ta hỏi tại sao?”.

Giọng trầm của Brao như sóng dội bốn bề. Lũ làng im phăng phắc nhìn vào đống lửa đang cháy. A Brao đưa mắt nhìn một lượt rồi dừng lại giữa sàn, nơi có chàng trai tóc xoăn, ngực vồng như đá núi Cô Păng, cặp mắt xếch nhìn đống lửa không chớp. Lửa bén cháy rần rật trong mắt chàng trai. Tôi rùng mình. Sao giống ánh mắt K’Rí thế? A Brao nhìn chàng trai nói:

- K’Linh à, mày mới ở đồn xuống thì nói đi. Đêm trăng có nghe được tiếng khèn K’Rí không? Rừng trên ấy còn cháy phải không K’Linh?

K’Linh lắc lắc vai, vụt đứng lên nhìn già làng, nhìn dân làng, nhìn nơi góc nhà có cánh tay thon lẳn của A Sao, con gái già làng, nói dõng dạc: “Thưa già làng! Thưa dân làng Đắc Na! Tôi ở đồn về đi tắt núi Cô Păng thấy rừng cháy đầu suối Kin. Mắt tôi thấy bọn xấu chặt cây r’tinh, r’tang lăn xuống sông Pô Kô. Thằng A Đinh râu rậm, có cái răng hổ bảo tôi: “K’Linh! Mày bỏ đồn đi chặt gỗ với bọn tao thì sẽ có tiền, con gái đẹp sẽ theo mày”. Tôi tức cái bụng không nói được vì chú Tuấn đồn trưởng bảo phải cẩn thận. Còn tiếng khèn không tìm được đâu! A Đinh bảo tiếng khèn K’Rí bị hổ nuốt rồi”.

Minh họa: THÁI AN. 

K’Rí nào? Sao mấy lần A Brao và K’Linh nhắc đến tiếng khèn K’Rí? Tiếng khèn K’Rí ai mà không biết. Ngày tôi bị thương dạt vào Đắc Na, tiếng khèn K’Rí đã ru tôi tỉnh lại. Hôm ấy chưa kịp sang sông thì bị máy bay vãi bom như vãi trấu dọc triền sông Pô Kô. Tôi chỉ kịp lao vào một hố bom vừa nổ rồi không còn biết trời đất gì nữa. Mãi sau đầu óc mới u u văng vẳng như có tiếng khèn đâu đó vọng về. Tôi gắng hé mắt nhìn. Đúng tiếng khèn thật. Có cả người thổi khèn. Tiếng khèn tưởng lịm đi lại vụt rõ dần bập bùng ánh lửa. Không có tiếng khèn ấy, tôi đã nằm lại ven triền sông Pô Kô như biết bao đồng đội. Tôi buột miệng kêu:

- K’Rí vẫn còn sống sao Brao?

Già làng Đắc Na nhìn đống lửa nói u u mộng mị.

- Phải! K’Rí không chết! Tiếng khèn của nó không chết được đâu.

                                                                                       *

                                                                                    *      *

Đồn biên phòng nơi K’Linh đóng quân ở mãi thượng nguồn sông Pô Kô. Sáng sớm, A Brao vừa đóng voi vừa bảo K’Linh: “Mày dẫn chú Mai đi voi qua núi Cô Păng. Tao ở nhà họp dân làng xong tao lên. Gặp A Đinh cứ mặc kệ nó!”.

Tôi nhìn vào mắt Brao, thấy có đám lửa cháy trong ấy. Hôm trước, họp làng sắp tan, A Đinh mới say ngất ngưởng ở đâu đến xin uống rượu phạt muộn họp. A Brao nhìn trai tráng, nhìn A Đinh trầm giọng: “Đắc Na không có con suối chảy ngược, không có con gái đi hoang, sao lại có lũ trai thèm hơi tiền phá rừng của tổ tiên, chặt cây r’tinh, r’tang. Tao tha một lần thôi, A Đinh! Liệu đấy!”.

A Đinh gằm mặt nói lí nhí: “Tôi có giấy phép của cán bộ tỉnh. Không chặt chúng nó cũng chặt. Bao giờ xong tôi cúng cái chiêng vào nhà dài, cho lũ con gái quần áo đẹp mặc xuống chợ”. Già làng lúc lắc đầu: “Mày sai rồi A Đinh. Cái giấy phép của mày nó cũng sai như mày rồi”.

Sáng sớm, K’Linh quýnh quáng giục tôi lên voi. Đến cửa rừng, tôi trêu: “K’Linh lấy được A Sao bằng mấy cái rẫy tốt rồi. Chóng mời rượu chú, K’Linh à”. “Chú Mai! Chú cho cháu vào phim đi. Cho cả A Sao lên phim nhé!”, K’Linh vui vẻ nói.

Giữa trưa mới lên tới đồn. Dọc đường, thỉnh thoảng hai chú cháu dừng lại xem xét những cây gỗ lớn bị đốn nằm ngổn ngang. Có cây chắn đường, K’Linh phải cho voi ủi sang một bên. Hai chú cháu rưng rưng nhìn những cây r’tinh, r’tang non nớt bị gỗ lớn đè gãy, nhựa ứa ra nhưng nhức như máu loãng. K’Linh nghiến răng bảo: “Chú Tuấn định làm một mẻ lớn, phối hợp với đồn biên phòng nước bạn Lào và kiểm lâm bắt nhưng không được vì nó có giấy phép. Thằng A Đinh bảo gỗ của cán bộ tỉnh. Anh em ức lắm”. Tôi nhìn ra xa, những vệt khói của một đám cháy bốc lên mờ mịt.

Tôi không ngờ mình lại được nghe tiếng khèn của K’Rí. Đúng tiếng khèn réo rắt, trầm bổng buồn đến ứa máu ngày chúng tôi ở đại đội thuyền sông vượt dòng Pô Kô. Vẫn chàng trai vạm vỡ ấy. K’Linh ngồi cạnh đống lửa, xung quanh là những chiến sĩ biên phòng, trẻ có, già có, gương mặt không khác gì chúng tôi ngày xưa, đen sắt, thăm thẳm nhìn lửa cháy. Tôi lại nhìn thấy hoa pơ lang nhưng không có mẹ tôi vì người đã mất, đã mất vì lam lũ một đời không ít phần thất vọng về đứa con duy nhất muộn mằn mọi nẻo. Tôi nhìn K’Linh, ao ước giá tôi có được đứa con như nó. Phải! Tại sao tôi không thể có được đứa con như nó? Tại sao tôi không thể nói thẳng với mẹ đẻ của mình một sự thật... Bác sĩ bảo: “Anh có lập gia đình cũng không nên có con. Anh bị nhiễm độc quá mức nên không sinh được con lành lặn”. Ngày ấy, thế mà tôi lại thản nhiên được vì tôi không thể gục xuống, vì mẹ tôi không thể phải biết thêm điều đó, mẹ đã quá nhiều khổ cực rồi. Tiếng khèn đưa tôi tìm đến một tiếng khèn. Phải! A Brao nói đúng. Nếu không hy sinh, K’Rí chắc chắn là một nghệ sĩ lớn. Nhân cách ấy, tài năng ấy lẽ ra không được chết. Lẽ ra người đi chuyến đò hôm ấy phải là tôi.

Tiếng khèn đẩy vào đêm sâu hơn. Tôi đã tìm được tiếng khèn. Xong bộ phim này, tôi sẽ về sống với bà con Đắc Na. Tôi sẽ học thổi khèn. K’Linh sẽ chỉ cho tôi biết và tôi mãi mãi ở lại mảnh đất này. Ô hay! Sao bỗng nhiên tiếng khèn ngừng lại thế nhỉ? Trơ ra dưới sương mờ mịt, bên đống lửa tàn chỉ mỗi tôi và K’Linh. Các chiến sĩ đã đi ngủ. Mấy cái bát uống rượu vứt lăn lóc bên cạnh đám vỏ sắn cháy. Ông trăng đã lặn xuống từ lâu. K’Linh nhắc: “Chú Mai à, chắc ngày xưa chú thân với bác K’Rí lắm”. Tôi sực tỉnh nhìn chàng trai: “Ừ, sắp thổi được khèn thì K’Rí hy sinh. Mai mốt cháu dạy chú nhé”. K’Linh cười: “Chú già rồi học làm gì? Cháu nhớ A Sao mới thổi. Mà cháu học từ bác K’Rí đấy, chú tin không?”. “Tin. Nhất định lần này chú sẽ học bằng được”.

                                                                                   *

                                                                                *       *

Trời chưa sáng hẳn. Hai chú cháu vẫn đang ngồi thì đồn trưởng Tuấn về, người ướt mèm sương, anh hỏi qua quýt tôi rồi tất bật giục K’Linh: “Gọi anh em dậy xuống suối Kin mau. Hôm nay đánh lớn ở đó”. Tôi bật dậy: “Anh Tuấn! Cho tôi đi được không? Tôi thuộc địa hình ở đây mà”. Đồn trưởng Tuấn nhìn tôi quả quyết: “Thôi! Anh cứ ở đồn. Dạo này bọn nó hung hăng lắm!”.

Tôi bồn chồn nhìn đoàn người khuất dần trong sương sớm. Hôm K’Rí tranh đi chuyến đò ấy, sương cũng đậm đặc và lạnh như hôm nay. Hôm ấy tôi sốt, lẽ ra đến đêm mới qua sông nhưng K’Rí hăng lên đòi đi. Dạo ấy, đội vận tải sông hy sinh nhiều nên đội trưởng quyết định đi một người. Chuyến K’Rí đi là chuyến của tôi. Tôi loạng choạng đứng lên cầm một tay chèo thì K’Rí đến, người ướt rượt, tay cầm khèn ấp vào trán tôi kêu: “Chu cha! Sốt dữ thế này sao đi? Để tao đi!”. Tôi lắc: “Không! Tôi đi được mà”. Nói đến đấy thì mắt hoa lên, người lảo đảo. K’Rí dìu vào hầm, trao cho tôi cái khèn lá, giọng thì thầm phấn chấn: “Tao có vợ rồi. Hôm qua rồi. Tao đi về kể cho mày, Mai à”. Tôi chưa hiểu gì thì K’Rí đã vụt ra ngoài, nhanh nhẹn đẩy con đò tràn vào màn sương đục. Tôi mân mê cái khèn lá, nó được kết bằng lá gì lạ lắm, vừa cứng vừa dai, hình lưỡi mác. Có đến bốn loại lá tạo nên thứ nhạc cụ đơn giản nhưng mê hồn này. Tôi ở rừng nhiều nhưng chịu không biết, thậm chí chưa nhìn thấy lần nào một trong bốn loại lá ấy. Tôi đưa chiếc khèn lên ngắm, thấy có ba lỗ chìa ra như sừng dê non, một lỗ loe, chắc là miệng bập vào đấy để thổi. Đang mê mẩn, bỗng có tiếng máy bay ì ầm phía xa rồi nhanh dần, mạnh và gần ngay phía sông. Chết rồi! Giờ này sương bắt đầu tan. Trời ơi! K’Rí chưa thể chèo sang bên kia được. Tôi lao ra khỏi hầm, mặc bom đạn mù trời. Mặt sông cuộn sôi lên từng đám sương xoáy hun hút lẫn khói bom, hơi nước. Đàn máy bay rùng rùng trút bom. Tôi hét to “K’Rí... K’... Rí... í... í...”. Không tiếng người, chỉ tiếng máy bay xa dần rồi tất cả chìm trong sự im lặng ghê rợn.

                                                                                *

                                                                             *      *

Đoàn người đã đi khuất vào sương. Mặt trời bắt đầu sủi dần lên. Tôi nhìn xung quanh, đồn chỉ còn một cậu lính trẻ trên chòi gác. Không! Tôi phải đi xuống suối Kin ngay bây giờ dù anh Tuấn đã quyết tôi phải ở lại. Phải! Tôi phải đi xuống đấy vì tôi đã là người con của Đắc Na rồi. Tôi xốc cái ba lô cũ, vuốt vuốt mặt mũi cho tỉnh hẳn rồi tất tả bước ngược con đường K’Linh đã dẫn tôi lên.

Linh tính mách bảo cho tôi một điều ghê gớm đang diễn ra ở suối Kin. Tôi men theo sườn dốc lần ra đầu nguồn nước. Thỉnh thoảng thấy có cành cây nhỏ bị phát còn tươi, chắc buổi sáng anh Tuấn dẫn quân đi đường này, nhựa cây ứa ra còn ngái lắm. Tôi đi như chạy về vụng Đắc Kin, vụng nằm kín đáo ngay đầu nguồn suối, nơi ngày xưa chúng tôi vẫn tập kết hàng để chuyển sang bên kia sông.

Bỗng một tràng AK nổ gần đanh gắt vang lên. Tôi rùng mình nghĩ đến một điều xấu. Rồi tiếng người quát, tiếng chân chạy vập vạp. Tiếng thét của ai đó rất giống tiếng K’Linh đan vào trong tiếng súng đì đòm. Chân vấp vào đá bật máu, tôi lao thốc về phía tiếng súng, miệng gào lên: “K’Linh! K’Linh...”. Tiếng tôi vọng vào vách đá, vọng vào rừng dội lại âm i. Tất cả chìm trong im lặng rờn rợn như hôm K’Rí bị bom giội xuống đò. Phía trước hiện ra năm, sáu người, có mấy người bị trói, đứng, ngồi nhấp nhô bên đống gỗ quý lăn lóc. Xa hơn, mấy cậu chiến sĩ trẻ đang xúm quanh một người nằm dưới cỏ. Tôi lao thốc đến đấy. Trời ơi! K’Linh bị thương nằm dưới đất. Tôi quẳng ba lô sang một bên, vạch mấy cậu chiến sĩ, ngồi xuống sát cạnh K’Linh. Anh Tuấn nhìn tôi rồi quăng quắc nhìn về lũ người bị trói, nghiến răng: “Quân chó chết! Chẳng nhẽ lại cho mấy phát đạn”.

Tôi ứa nước mắt nhìn chàng trai trẻ. Viên đạn từ phía sau sát nách xé bung rìa cánh tay phải. K’Linh nhìn tôi. Tôi bỗng thấy hiện lên một rừng hoa pơ lang nở rộ như ngày bị bom vùi ở triền sông Pô Kô. Và bỗng từ đâu đó phát ra văng vẳng tiếng khèn.

Truyện ngắn của PHÙNG VĂN KHAI