SEA Games 31-năm 2021 là kỳ đại hội mà Việt Nam đăng cai lần thứ hai. Thế nhưng dịch Covid-19 là một tai họa cho toàn cầu khi nó đẩy lùi cả một kỳ Olympic Tokyo 2020 được mong đợi suốt gần 4 năm qua; đồng thời gây khó cho hầu hết các môn thể thao trên thế giới. Vừa ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa do tình hình kinh phí hạn hẹp nên việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để thi đấu và tổ chức sự kiện ở Hà Nội cùng những tỉnh, thành phố tổ chức SEA Games 31 gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chung tay của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương... công tác chuẩn bị SEA Games 31 đã có những chuyển động tích cực và dự kiến về đích đúng kế hoạch.
 |
Vận động viên Ánh Viên phấn đấu giành vé dự Olympic Tokyo. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Không chỉ làm khó các ban tổ chức về cơ sở vật chất, dịch Covid-19 còn khiến công tác đào tạo lực lượng vận động viên (VĐV) gặp nhiều thách thức, nhất là những khó khăn khi đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài. Nhiều nước áp dụng quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên thể thao Việt Nam chỉ biết đóng cửa tự tập, tự tổ chức thi đấu, và dĩ nhiên là hiệu quả không cao. Một số địa phương có kinh phí cho VĐV đi tập huấn, thi đấu nước ngoài nhưng lại rơi vào tình cảnh “có tiền mà không tiêu được”.
Nếu như trước đây, chủ nhà SEA Games cố gắng đưa nhiều bộ môn “của nhà trồng được” với mong muốn thâu tóm vị trí dẫn đầu thì tại SEA Games 31-năm 2021, nước chủ nhà Việt Nam chủ trương tổ chức một kỳ đại hội công bằng. Việc đưa phần lớn môn thi đấu có trong hệ thống Olympic là một chủ trương hết sức đúng đắn, vì sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á. Điều này không những không mang đến khó khăn cho thể thao Việt Nam, trái lại, là cơ hội để chúng ta tiến nhanh hơn tới đấu trường ASIAD và Olympic. Theo tính toán, thể thao Việt Nam sẽ không khó để giành vị trí đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 31. Trong tổng số 522 bộ huy chương, thể thao Việt Nam có thể sẽ giành tối thiểu 160 huy chương vàng (HCV). Trong số 40 môn thi đấu tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam có thế mạnh ở những bộ môn như: Điền kinh, đấu kiếm, thể dục, vật...
 |
Tuyển thủ quân đội Nguyễn Văn Lai, vận động viên chạy 5.000m, 10.000m hay nhất khu vực. Ảnh: HẢI ĐĂNG
|
Sau SEA Games 22-năm 2003, thể thao Việt Nam đã có cú hích lớn để mặc định sở hữu vị trí tốp 3 ổn định ở các kỳ SEA Games sau đó. Cá biệt có vài lần thể thao Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ hai tại kỳ SEA Games nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là SEA Games 30-năm 2019. Trước khi có được những thành tích vang dội trên, chúng ta không thể không nhắc đến nhiều năm qua, Việt Nam đã tổ chức thành công 8 kỳ đại hội thể thao toàn quốc. Nếu như không có những đại hội này thì lấy đâu ra đích cho việc đào tạo VĐV cung cấp cho đội tuyển quốc gia, cho các trung tâm đào tạo VĐV cấp cao của Trung ương và địa phương? Lâu nay, nói đến công tác đào tạo VĐV ở Việt Nam là nói đến mô hình “ngắt ngọn”. Tức là các đơn vị sẽ thông qua các giải đấu nhằm tuyển chọn những VĐV tài năng về để bồi dưỡng, nhào nặn. Nhưng trong những năm trở lại đây, nhiều địa phương đã có những đầu tư nhất định để đào tạo VĐV bài bản. Nhiều VĐV tài năng được đào tạo ngay từ lúc nhỏ (6 đến 8 tuổi), được tiếp cận phương pháp đào tạo bài bản hiện đại trên thế giới.
Có một thực tế, nhiều địa phương hiện nay đang gặp không ít khó khăn trong việc báo cáo thành tích để duy trì bộ môn. Bộ môn nào không hoàn thành chỉ tiêu liên tiếp trong vài năm rất có thể sẽ bị... dẹp. Nói đến thể thao là nói đến tinh thần cao thượng nhưng không thể không nhắc đến thành tích. “Bệnh thành tích” là không nên, nhưng thành tích là động lực để mỗi đơn vị phấn đấu phát triển thể thao. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều yếu kém về cơ sở vật chất, kinh phí thì biết đến bao giờ mới có được huy chương ở môn điền kinh, bơi lội, thể dục hay bắn súng? Họ chỉ còn hy vọng giành huy chương ở các môn bắn nỏ, đẩy gậy vốn không được quan tâm nhiều. Do đó, ngành thể thao không nên loại bỏ những môn thể thao dân tộc ra khỏi Đại hội thể thao toàn quốc. Ngoài ra, ở Hội khỏe Phù Đổng cũng cần có sự tính toán lộ trình cho phong trào thể thao quần chúng, ươm mầm cho những VĐV này hướng tới Đại hội thể thao toàn quốc, SEA Games, ASIAD và cuối cùng là Olympic.
Nói đến Olympic là nhắc đến một sân chơi ở tầm cao khác. Hiện tại, thể thao Việt Nam mới có 5 VĐV đạt chuẩn Olympic Tokyo và còn rất nhiều cuộc thi vòng loại đang bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Ngành thể thao đề ra mục tiêu có khoảng 20 VĐV lọt qua vòng loại và phấn đấu có huy chương tại Olympic. Phấn đấu lên đấu trường Olympic là cả một lộ trình khó khăn. Trong lịch sử tham gia các kỳ Thế vận hội, khu vực Đông Nam Á mới có được vỏn vẹn 18 HCV. Việt Nam may mắn có được 1 HCV nhờ công của Hoàng Xuân Vinh năm 2016 tại Olymic Rio (Brazil). Nhìn tấm HCV mà Hoàng Xuân Vinh mang về cho Tổ quốc, tôi và nhiều người làm công tác thể thao đã ôm mặt khóc. Bởi, gắn bó với thể thao đã lâu, những người gắn bó với thể thao nước nhà đều hiểu tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh chỉ là một vệt sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic và sẽ rất lâu nữa chúng ta mới có thể tái hiện. Do vậy, ngoài việc “phải biết mình là ai”, những người làm trong ngành thể thao Việt Nam càng không nên đốt cháy giai đoạn.
Với đấu trường SEA Games, ở đây có 11 nền thể thao mà nhiều người vẫn gọi vui là “ao làng”, “ao xóm” hay “ao” gì đi nữa cũng được... Điều quan trọng, thể thao Việt Nam vẫn tỏa sáng, mang niềm vui về cho người hâm mộ nước nhà. Khi đội tuyển U.22+2 Việt Nam giành HCV SEA Games 30, người dân trên khắp cả nước đã vỡ òa trong hạnh phúc sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi. Tại SEA Games 30-năm 2019, ngoài bóng đá nam, nữ, thể thao Việt Nam còn mang lại kỳ tích từ kết quả đứng thứ hai bảng tổng sắp huy chương với sự tỏa sáng của những VĐV bộ môn điền kinh, đấu kiếm, vật, thể dục, wushu, pencak silat, kurash... Những tấm huy chương, thành tích trên một lần nữa khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực, vững bước hướng tới ASIAD và dần “nhích” lên Olympic.
PGS, TS HOÀNG VĨNH GIANG, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam