* Chuyện tác nghiệp tại Alabino

Trước khi sang Moscow, Liên bang Nga thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020, chúng tôi được cảnh báo về điều kiện tác nghiệp sẽ vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thật may mắn, gần giữa tháng 8-2020, khi Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2020 sang đến Moscow lại đúng thời điểm tình hình dịch Covid-19 tại thủ đô nước Nga tạm lắng. Vì thế, điều kiện tác nghiệp của cánh báo chí cũng “dễ thở” hơn.

leftcenterrightdel
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân và các cổ động viên Việt Nam tại thao trường Alabino. Ảnh: HUY QUÂN 

Thú thực, khi đến thao trường Alabino, địa điểm tổ chức nội dung thi “Xe tăng hành tiến”, chúng tôi hơi ngợp bởi thao trường rộng ngút tầm mắt, không biết đâu là ranh giới! Tất cả hoạt động của các thành phần có mặt tại đây đều được ban tổ chức “chăm sóc” từng li từng tí. Cánh báo chí được tạo điều kiện tác nghiệp tối đa trong “khuôn khổ”, tức là các yêu cầu hợp lý đều được phía bạn đáp ứng đầy đủ, nhưng dưới sự giám sát kiêm hướng dẫn của đội ngũ tình nguyện viên và lực lượng kiểm soát quân sự, mà chúng tôi thường gọi vui là “mũ nồi đỏ”. Mãi đến giai đoạn nửa sau của Army Games 2020, thấy đội báo chí Việt Nam nghiêm túc chấp hành các quy định của ban tổ chức, việc giám sát mới được nới lỏng hơn.

leftcenterrightdel
Phóng viên tác nghiệp tại Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020. 

Những ngày tác nghiệp tại thao trường Alabino có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất về tình hữu nghị giữa phóng viên Việt Nam và đội ngũ tình nguyện viên Nga. Do đặc thù là một thao trường quân sự nên ở thao trường Alabino chỉ có vài cửa hàng đồ ăn nhanh. Hơn nữa, các cửa hàng này đều cách xa Trung tâm Báo chí thao trường Alabino, vì vậy, việc kiếm đồ ăn khá khó khăn. May mắn, trong hành trang của phóng viên Việt Nam mang theo có nhiều đồ ăn vặt như: Lương khô, ngô cay... Thế là mỗi buổi trưa, tại Trung tâm Báo chí thao trường Alabino lại diễn ra những “bữa tiệc” đoàn kết. Các tình nguyện viên Nga tỏ ra rất hào hứng, luôn thưởng thức ngon lành những đồ ăn mà có lẽ họ chưa bao giờ được thử. Và ngày nào đồ ăn mang đi của cánh báo chí Việt Nam cũng hết veo!

Thiếu tá PHẠM HUY QUÂN (Biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn)

* “Khóa học” đặc biệt

Những ngày cuối tháng 9-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội (ĐBQĐ) lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Với kíp phóng viên Báo Quân đội nhân dân tham gia tuyên truyền tại đại hội lần này, hẳn nhiên ai cũng vinh dự, tự hào nhưng không kém phần áp lực. Nhóm phóng viên đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền từ trước đó nhiều ngày, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên... 

Đại hội đại biểu ĐBQĐ là sự kiện chính trị quan trọng, vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể bị “ngợp” về tầm vóc sự kiện và khối lượng thông tin quá lớn. Viết về chủ đề gì để vừa đúng, vừa trúng? Cách thể hiện như thế nào để truyền tải được không khí, tinh thần đại hội?... Đó luôn là những câu hỏi được nhóm phóng viên đặt ra trong quá trình tác nghiệp. Suốt những ngày diễn ra đại hội, nhóm phóng viên chúng tôi được sống trong không khí thi đua, nỗ lực hết mình với nhiều cung bậc cảm xúc mỗi khi tin, bài được đăng tải. Với chúng tôi, những ngày tham gia tuyên truyền Đại hội đại biểu ĐBQĐ lần thứ XI chính là tham gia một “khóa học” đặc biệt. Sau đại hội, ai cũng thấy mình trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý, làm hành trang cho chặng đường sắp tới với những sự kiện chính trị mang tầm vóc lớn hơn.

Thượng úy TRẦN MINH MẠNH (Phóng viên Phòng biên tập CTĐ, CTCT)

* 10 ngày ở “điểm nóng” bão lụt miền Trung

Trong những ngày Báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống-Ngày ra số báo đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2020), chúng tôi đã thực hiện chuyến công tác 10 ngày đáng nhớ tại “điểm nóng” bão, lụt miền Trung. Áp lực công việc liên tục từ 5 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, cảm giác trong tôi là không lúc nào ngừng nghỉ. Đặc biệt, ở Tiểu khu 67, từ sở chỉ huy để đến được hiện trường, chúng tôi phải “hành quân” khoảng 15km. Do khu vực hiện trường không có sóng điện thoại nên cứ nửa ngày tác nghiệp, chúng tôi lại phải quay ra sở chỉ huy để xử lý tin, bài, phóng sự truyền hình, phát thanh và cả những ghi nhanh, clip ngắn để gửi về tòa soạn. Chúng tôi cứ đi đi, về về trên những đoạn đường xảy ra sạt lở, hiểm nguy nhưng không có thời gian để nghĩ đến những gian khổ ấy. Trong quãng thời gian đó, chúng tôi ít có giờ nghỉ mà tranh thủ mọi lúc để viết bài, dựng phim gửi về tòa soạn...

leftcenterrightdel

Phóng viên Phan Thanh Hà trong chuyến công tác tại “điểm nóng” bão, lụt miền Trung.

Ảnh: NGỌC MINH

Nhiệm vụ của tôi ở tòa soạn là phát thanh viên, biên tập tin, bài của cộng tác viên, xây dựng kịch bản phóng sự, kịch bản chương trình trực tiếp trong trường quay... nên có nhiều thời gian chuẩn bị. Còn tại tâm lũ, chúng tôi phải theo sát lực lượng chức năng, đứng giữa bùn đất để dẫn hiện trường, tổng hợp, chuẩn bị nội dung dẫn, phỏng vấn, viết nhanh nhưng phải bảo đảm chính xác. Tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn có rất nhiều lực lượng đến từ các đơn vị trong và ngoài quân đội, vì vậy khối lượng tin, bài rất lớn. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc, chúng tôi phải chụp ảnh, quay hình, đọc lời bình, dựng phim trên chính chiếc smartphone của mình. Nhiều lúc giọng chúng tôi lạc đi, nhiều phóng viên không cầm được nước mắt mỗi khi đọc đến bản tin đã tìm được thi thể cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đưa ra khỏi hiện trường sau hàng chục giờ đồng hồ tìm kiếm...

Trung úy PHAN THANH HÀ (Ban Video-Audio, Phòng Báo Quân đội nhân dân Điện tử)