Trên dặm dài khám phá dọc theo con sông dài nhất chảy trọn trong lòng Tổ quốc, giọt nước tôi sẽ dừng lại thật lâu nơi vùng đất Đơn Dương để đắm mình trong sắc xuân rực rỡ, nét văn hóa đặc sắc và lần theo bóng mờ trên hành trình di trú của một tộc người.

Sông Đa Nhim là một trong những phụ lưu chính của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ núi Langbiang cao 2.167m so với mực nước biển. Trước khi lao xuống những thềm đá hùng vĩ của thác Pongour để nhập với sông Đạ Dâng chảy về vùng Đông Nam Bộ, dòng Đa Nhim đã dịu dàng, đắm say trôi qua vùng đồng bằng nhỏ hẹp, được án ngữ bởi hai dãy núi cao chạy song song theo hướng đông bắc-tây nam. Đó là vùng đất Đơn Dương, địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc Chu Ru.

leftcenterrightdel
Sắc xuân trên vùng đất Chu Ru. 

Bà Touner Nal Chanh, một trong những người già thông thái ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tổ tiên của mình xuất phát từ miền biển, dường như là một bộ phận của người Chăm?! Vì một lý do nào đó mà họ đã phải rời bỏ quê hương di cư lên vùng đất Tây Nguyên cách đây nhiều thế kỷ và dần trở thành một dân tộc độc lập. Sống trên cao nguyên, trải qua nhiều thế kỷ giao lưu và tiếp biến các giá trị văn hóa các dân tộc, nhưng người Chu Ru vẫn mang nặng tâm thức biển cả và bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Với họ, vùng đồng bằng Đơn Dương, sông Đa Nhim không chỉ là nơi an trú lý tưởng mà còn là chỉ dấu nhắc nhớ cội nguồn. Đó là vùng đồng bằng ven biển, nơi có những dòng sông và đồng lúa bát ngát. Người Chu Ru rất giỏi dẫn thủy nhập điền, trồng lúa nước, làm đồ gốm, dệt vải, chế tạo trang sức, buôn bán và đánh bắt cá, những nghề vốn không phải thế mạnh của nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên.

Đơn Dương ngày nay đã trở thành miền quê trù phú, một trong những huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Dẫu nhịp sống và tiện nghi hiện đại đã hiện diện khắp các buôn làng nhưng vẻ đẹp và sắc màu huyền bí của văn hóa Chu Ru vẫn còn ẩn hiện lung linh trong những đền tháp nghìn năm, trong tín ngưỡng, phong tục, trang phục, dân ca, dân vũ, công trình kiến trúc và các nghề thủ công truyền thống như làm đồ gốm, chế tác nhẫn bạc, dệt thổ cẩm...

Nghệ nhân gốm Ma Li, 66 tuổi, ở thôn Krăng Gọ 1, xã P'ró chia sẻ: "Cách làm gốm của người Chu Ru cũng giống như người Chăm, nghĩa là không dùng bàn xoay mà sẽ đi vòng quanh bàn gốm, dùng tay và các công cụ để tạo hình sản phẩm. Tuy nhiên, điều khác biệt nằm ở nguyên liệu vì toàn vùng Đơn Dương chỉ có một nơi duy nhất có loại đất để làm ra gốm Chu Ru. Đó là vỉa đất nhỏ nằm sâu trong khu đất trên núi Trôm Ụ rộng khoảng 1ha. Hiện nay, vỉa đất này đang cạn kiệt và nghề làm gốm của người Chu Ru có nguy cơ bị thất truyền trong tương lai". Loại đất quý hiếm sau khi mang về sẽ được các nghệ nhân phơi thật khô, đập cho tơi, giã nhuyễn, sàng lấy bột và nhồi với nước sạch cho thật dẻo, sau đó mới nặn thành các sản phẩm gia dụng rồi nung trong lửa. Vì hàm lượng vàng và khoáng chất trong đất rất cao nên sau khi nung, gốm Chu Ru thấp thoáng ánh vàng, khi gõ vào phát ra tiếng kêu trong, vang, có độ cứng và độ bền đáng kinh ngạc.

Cách đó không xa, tại thôn Hawai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, vợ chồng nghệ nhân Ya Tuất đang chuẩn bị nổi lửa cho mẻ nhẫn bạc để đám con trai, con gái Chu Ru kịp trao nhau trong mùa xuân này. Xem nghệ nhân Ya Tuất làm nhẫn mới thấy hết sự tài hoa, khéo léo và tấm lòng của người nghệ nhân để biến những thỏi bạc thô cứng thành những chiếc nhẫn trống, nhẫn mái tinh xảo, xinh đẹp, có sức mạnh nhiệm màu, trở thành tín vật tình yêu, giúp trai gái Chu Ru tìm thấy nhau và gắn bó với nhau trọn kiếp.

Mùa xuân này, dự án Làng văn hóa P'ró giữa vùng đất Đơn Dương đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, công trình là nơi lưu giữ, tái hiện những tinh hoa đặc sắc nhất của văn hóa Chu Ru. Cùng với hệ thống di sản đang hiện hữu, Làng văn hóa P'ró sẽ góp thêm tiếng nói tự hào của một dân tộc, một vùng đất, khiến ngày xuân thêm rực rỡ, mê say với những lễ hội tắm trong men rượu cần chếnh choáng, trong âm nhạc miên man, vũ điệu cộng đồng rạo rực. Cứ thế, nhịp sống và mùa xuân ở vùng đất Chu Ru mãi tiếp nối, sinh sôi trên cao nguyên đất đỏ bazan, dưới những dãy núi xanh biếc và bên dòng Đa Nhim dư vang âm hưởng đại ngàn.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG