Phóng viên (PV): Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội khi làm Chủ tịch ASEAN 2010 và nước chủ nhà Năm APEC 2017 để thực hiện mục tiêu quảng bá đất nước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây khó như thế nào cho Việt Nam thực hiện mục tiêu này trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thưa bà?
Vụ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Trước khi tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cả năm 2020 với kỳ vọng đây sẽ là cơ hội quảng bá đất nước, con người cũng như tiềm năng của Việt Nam. Tâm thế chuẩn bị rất kỹ nhưng không ngờ dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến nhanh, phức tạp như vậy. Trước tình hình trên, cuối tháng 3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo chính thức tới lãnh đạo/nguyên thủ các quốc gia thành viên ASEAN về việc thay đổi lịch họp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và sau đó là thay đổi hình thức họp trực tiếp sang trực tuyến.
Từ quyết định của Thủ tướng, chúng ta phải tính toán lại phương thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại, theo hướng tranh thủ tối đa nguồn lực tại chỗ. Đối với báo chí Việt Nam thì đẩy mạnh kênh tiếng nước ngoài. Đối với báo chí nước ngoài, phải tranh thủ các phóng viên và văn phòng thường trú ở Việt Nam.
Đúng theo tinh thần “chủ động thích ứng”, thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, để bảo đảm mục tiêu tuyên truyền, Vụ Thông tin báo chí đã chủ động thay đổi phương thức cung cấp thông tin cho phóng viên. Vừa tổ chức Trung tâm Báo chí quốc tế như bình thường, vừa cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam nhưng không thể đến đưa tin trực tiếp bằng cách livestream lễ khai mạc, bế mạc, các buổi họp báo trên hệ thống website ASEAN 2020 và mạng xã hội. Ngoài ra, phóng viên có thể lấy video và ảnh trên trang mạng của ASEAN đầy đủ, kịp thời.
Trăn trở lớn nhất của Bộ Ngoại giao là làm thế nào để quảng bá Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước khi mà các cuộc họp diễn ra trực tuyến. Trong “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi đã sản xuất 6 sản phẩm truyền thông video (ban đầu dự kiến làm 3 video), trong đó tổng kết những kết quả mà ASEAN đạt được theo lộ trình Năm Chủ tịch của Việt Nam, đồng thời quảng bá về đất nước và con người Cộng đồng ASEAN, trong đó có Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất là giới thiệu thành tựu trong phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục phát triển kinh tế-xã hội với quyết tâm cùng sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện “mục tiêu kép”. Những sản phẩm truyền thông trên được phát trong các cuộc họp trực tuyến tại tất cả điểm cầu, trên các kênh truyền hình trong nước và khu vực, đưa lên trang web hoặc qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá rộng rãi.
Có thể nói, Covid-19 không làm ngừng trệ các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN mà số lượng các hoạt động, sự kiện còn tăng vọt. Theo kế hoạch, dự kiến có khoảng 200 cuộc họp, hoạt động trực tiếp, nhưng thực tế trong năm 2020 có khoảng 550 hoạt động trực tuyến, trong đó có hơn 20 cuộc họp cấp cao, cấp bộ trưởng, bao gồm cả ADMM và ADMM+. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hai cuộc họp liên quan tới ASEAN.
Là nước chủ nhà, Việt Nam chủ trì hạ tầng kỹ thuật cho các cuộc họp trực tuyến, đáp ứng mọi yêu cầu phát sinh. Đơn cử như hôm kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM) lần thứ 53, đến sát giờ họp báo, Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia) cho biết, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cũng muốn tham gia. Chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với các bên liên quan thiết lập ngay hệ thống họp báo trực tuyến song song với trực tiếp để Tổng thư ký ASEAN không chỉ theo dõi mà còn tương tác với phóng viên trong cuộc họp báo...
 |
Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (ngoài cùng, bên phải) tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: HOÀNG VŨ.
|
PV: Theo bà, việc tổ chức hội nghị trực tuyến sẽ mở ra hướng đi mới nào cho công tác tuyên truyền trong tương lai?
Vụ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Covid-19 làm đảo lộn mọi mặt đời sống chính trị-kinh tế-xã hội toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận từ khía cạnh khác, tôi cho rằng Covid-19 cũng có những tác động tích cực nhất định, mở ra những hướng đi mới cho hiện tại và tương lai. Đó là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong truyền thông.
Về phương thức cung cấp thông tin, tôi cho rằng cần phát huy và tận dụng các phương thức thông tin trên nền tảng kỹ thuật số. Một là, tổ chức họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến. Trong năm qua, Bộ Ngoại giao đã duy trì họp báo thường kỳ trực tuyến, bảo đảm thông suốt kênh thông tin chính thống. Trong tương lai có thể phát huy hình thức này, thậm chí livestream các cuộc họp báo thường kỳ để mở rộng phóng viên tham gia.
Hai là, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thông số để đáp ứng yêu cầu các hoạt động trực tuyến, đồng thời dễ chia sẻ và lưu hành trên nền tảng số. Năm 2020 đã có hơn 40 bài thông điệp, phát biểu, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo Bộ Ngoại giao được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, nổi bật là việc lần đầu tiên tất cả lãnh đạo cấp cao của ta (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân) đều “đăng đàn” tại các phiên họp chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75.
Về điều kiện tác nghiệp cho báo chí, kinh nghiệm trong năm 2020 cho thấy, trong tương lai, tại các sự kiện, hội nghị quốc tế, chúng ta có thể tổ chức theo hybrid format (hình thức kết hợp), vừa tổ chức trung tâm báo chí tại chỗ, vừa thiết lập trung tâm báo chí ảo, cung cấp tài khoản để phóng viên có thể nhận thông tin, hình ảnh, tham gia các cuộc họp báo, phỏng vấn như đang tham gia đưa tin trực tiếp... Như vậy, báo chí nước ngoài có thể tham gia đông đảo hơn do thuận tiện hơn và tiết kiệm chi phí đi lại.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
PHƯƠNG LINH (thực hiện)