Ký ức tiếng chày bên ánh đuốc

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” khua nhịp vọng vang núi rừng bên ánh đuốc lồ ô, đời sống của đồng bào dân tộc X’tiêng đã tiến những bước dài, nhưng vẫn còn đó dấu ấn người xưa, cảnh cũ. Sóc Bom Bo hiện nay đã trở thành Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng. Những phong tục, tập quán của đồng bào được phục dựng bằng các mô hình thực tế sinh động. Đến địa danh nổi tiếng này, chúng tôi được đồng hành với một số cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước và ông Điểu Ma Riêng, nguyên cán bộ an ninh vũ trang Khu 10, hoạt động ở vùng Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông kể:

- Nhà tôi ở sóc Bom Bo. Ba tôi là Điểu Minh, làm Trưởng ban Nông hội của tỉnh, chuyên lo tổ chức sản xuất, vận động bà con tham gia nuôi quân, phục vụ kháng chiến. Hằng đêm, tôi theo ba mẹ cùng dân làng đốt đuốc giã gạo. Tôi yêu quý bộ đội nên đã tình nguyện gia nhập lực lượng an ninh vũ trang (nay là BĐBP), tham gia kháng chiến đến ngày đất nước thống nhất.

Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, Điểu Ma Riêng chuyển ngành và giữ cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trước khi nghỉ hưu. Ông tham gia cố vấn chuyên môn cho dự án trùng tu, bảo tồn di tích sóc Bom Bo. “Lịch sử văn hóa kháng chiến của đồng bào X’tiêng gắn liền với cây lồ ô. Hình ảnh cây lồ ô là một biểu tượng của tình đoàn kết quân dân, gắn liền với các hoạt động của bộ đội trong kháng chiến", ông Điểu Ma Riêng nói.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Gia Mập chống bè lồ ô trên sông Đắc Huýt.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước nói thêm rằng, với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng ở Bình Phước, cây lồ ô như là bạn tâm giao. Lồ ô mọc thành rừng, đan cài vào nhau như chiến lũy ngăn bão dông, chống sạt lở. Lồ ô theo cùng chiến sĩ biên phòng trên mỗi bước đường tuần tra...

Cơm lam trên bè lồ ô

Những câu chuyện trong khu nhà dài quanh năm thơm mùi khói bếp ở sóc Bom Bo thúc giục chúng tôi ngược hướng biên cương. Đường tuần tra biên giới mùa này đẹp mê hồn. Dọc đường vào rừng Bù Gia Mập, măng lồ ô đội đất nhú lên mãnh liệt. Thiếu tá Nguyễn Hữu Sỹ, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bù Gia Mập rất hào hứng khi chúng tôi gợi chuyện về những dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng giữa đại ngàn hùng vĩ. “Cách hay nhất là các đồng chí đi tuần tra cùng chúng tôi”, anh nói.

Vậy là chúng tôi có được cuộc trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Mới hôm qua còn vã mồ hôi với cái nắng nóng ở TP Hồ Chí Minh mà đêm nay đã phải cuộn mình trong tấm chăn bông tránh rét. Sáng mờ đất, chúng tôi theo đội tuần tra do Thiếu tá Nguyễn Hữu Sỹ chỉ huy, vạch lá cây rừng leo núi. Lồ ô mọc thành từng trảng, đan xen với những khoảnh rừng nguyên sinh. Chúng tôi đi trong tiếng muông thú gọi đàn, nhảy nhót chuyền cành chào đón bình minh. Sau hơn một giờ leo đèo, đổ dốc, đội tuần tra dừng chân bên bờ sông Đắc Huýt, con sông chảy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Cán bộ, chiến sĩ sử dụng lồ ô kết bè. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc câu chuyện của ông Điểu Ma Riêng ở sóc Bom Bo. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đồng bào X’tiêng đã cùng bộ đội sử dụng bè lồ ô vận chuyển lương thực, vũ khí vượt sông. Đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, các cánh quân tiến công từ hướng tây nam về thành phố đã kết hàng trăm bè lồ ô đưa quân và vũ khí, hậu cần vượt sông Bé thần tốc tiến về Sài Gòn...

Hai chiếc bè lồ ô được kết rất nhanh. Chúng tôi ngồi trên bè. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng lấy những thân cây lồ ô nhỏ làm sào, chống bè xuôi dòng Đắc Huýt. Việc tuần tra biên giới bằng cả đường bộ và đường sông được tổ chức thường xuyên, nhất là trong giai đoạn căng sức phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Thời tiết ở miệt rừng biên giới mỗi ngày có 4 mùa. Vừa mới rét căm căm đêm qua mà giờ đây nắng đại ngàn đã rực như lửa. Mặt trời đứng bóng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Sỹ hạ lệnh dừng bè, cố định bè bằng những sợi dây lồ ô buộc vào gốc cây. Bữa ăn trưa dọc đường hành quân dậy lên mùi cơm thơm ngát đựng trong từng ống lồ ô. Ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X'tiêng sóc Bom Bo, món cơm lam nấu bằng ống lồ ô là thứ đặc sản mê hoặc du khách. Còn ở đây, cơm lam lồ ô là phương tiện hậu cần được kế thừa từ các thế hệ cha anh trong kháng chiến. Món canh rau nhíp nóng hổi múc từ ống lồ ô cũng dậy lên hương vị quyến rũ lạ kỳ. Trên bè lồ ô tròng trành sóng nước, chiến sĩ Điểu Rưng, một người con của đồng bào X’tiêng say sưa nói về phong tục đón Tết Nguyên đán của đồng bào mình. Không còn những tập tục rườm rà như xưa nữa nhưng ngày Tết trong các sóc vẫn không thể thiếu tiếng cồng chiêng bên ánh đuốc lồ ô bập bùng rộn ràng giữa đại ngàn, truyền đi lời cầu nguyện của dân làng đến các vị thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối... mong cho một năm mùa màng tươi tốt, con người mạnh khỏe, an khang. “Vì nhiệm vụ không về ăn Tết với gia đình được thì ở đơn vị, con em đồng bào X’tiêng đón Tết vẫn luôn được truyền lửa đại ngàn từ ánh đuốc lồ ô”, Điểu Rưng nói rồi cười vang vách đá...

Khi số báo này đến tay bạn đọc thì Thiếu tá Nguyễn Hữu Sỹ đã chuyển công tác về Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Phước. Xa rừng về phố nhưng anh vẫn gắn bó với những cánh rừng lồ ô trong mỗi chuyến công tác về với đồng đội và đồng bào vùng biên giới.

Bài và ảnh: TÙNG SƠN - HUY VÕ