Phát triển với hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ
Đến Bình Dương những ngày đầu Xuân Tân Sửu, ai cũng phải ngưỡng mộ mô hình phát triển các khu công nghiệp (KCN) gắn với phát triển đô thị và bảo đảm các dịch vụ cho cuộc sống hiện đại. Hệ sinh thái mang đậm thương hiệu Bình Dương không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong phát triển công nghiệp, đô thị, mà còn đầu tư để nâng cao đời sống và bảo đảm các quyền lợi cho người dân. Hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ giúp Bình Dương phát triển nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, lan tỏa và phát triển ra các địa phương bạn, như: Bình Phước, Bình Thuận, Long An, Bình Định...
 |
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Miền Đông trao đổi những ý tưởng khởi nghiệp. |
Với hệ sinh thái đổi mới, nhiều trường đại học hiện đại, cơ sở giáo dục thông minh, các bệnh viện tầm cỡ, khu văn hóa-thể thao đa năng đã được xây dựng ở Bình Dương. Công nhân trong các KCN và người dân có điều kiện nghiên cứu, học tập để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng sống cho mình. Việc tỉnh Bình Dương liên kết, hợp tác chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước, nhất là các nước phát triển, như: Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã đánh thức tiềm năng của vùng đất, phát huy trí tuệ của con người, hội tụ những tài năng và thúc đẩy Bình Dương phát triển mạnh mẽ.
Niềm tin với thành phố thông minh
Là tỉnh thứ hai của Nam Bộ có đề án xây dựng thành phố thông minh (sau TP Hồ Chí Minh), Bình Dương đã tạo cho mình một sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Việc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với TP Eindhoven của Hà Lan và cộng đồng thông minh thế giới đã đưa Bình Dương từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó đổi mới sáng tạo là nền tảng động lực phát triển.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tâm đắc: “Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) với mô hình 3 nhà (nhà trường, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) giúp Bình Dương kêu gọi được sự chung tay, đóng góp của cả cộng đồng thông minh trên thế giới, nhất là các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức trẻ để triển khai những ý tưởng đổi mới sáng tạo, xây dựng TPTM trở thành hiện thực”. Đề án TPTM Bình Dương mang tính đột phá toàn diện, trong cả lĩnh vực công nghệ và phi công nghệ, trong đó 4 lĩnh vực trọng tâm là: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng được gắn chặt với nhau cùng phát triển.
Từ năm 2016 đến nay, TPTM Bình Dương đã được cộng đồng thông minh thế giới hai lần vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển TPTM nhất thế giới. Nó góp phần lớn đưa Bình Dương liên tục có vị trí dẫn đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp; thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nên môi trường việc làm đa dạng, hấp dẫn và có chất lượng tốt.
Là đơn vị được lãnh đạo tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ chính trong xây dựng và thực hiện dự án xây dựng TPTM, Tổng công ty Becamex IDC đã kết nối, hợp tác với nhiều tập đoàn lớn, các viện, trường nổi tiếng, như: Schneider; Daejeon Technopark Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Công nghiệp Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)... Cùng với đó, Bình Dương đã đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế về hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh như: Horasis, WTA, SmartCity Summit, etc... thu hút lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp, trường đại học, chính trị gia trên thế giới đến trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
 |
Đường Mỹ Phước-Tân Vạn góp phần kết nối giao thông khu vực Đông Nam bộ.
|
Phát triển Vùng đổi mới sáng tạo
Năm 2020, cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Những khó khăn, trở ngại đó không làm lãnh đạo tỉnh Bình Dương chùn bước. Trái lại, địa phương đã mạnh dạn xây dựng, triển khai Dự án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Dự án này là sự “đột phá dũng cảm” của tỉnh Bình Dương, ứng phó hiệu quả với tác động của dịch bệnh và theo kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trung tâm vùng đổi mới sáng tạo được quy hoạch là TP Thủ Dầu Một, gồm các yếu tố: Hệ thống hành chính một cửa, hệ thống giáo dục đại học, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trung tâm thương mại TP mới Bình Dương, khu đô thị chất lượng cao, phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử...
Vùng đổi mới sáng tạo bao gồm chiến lược phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối, trên cơ sở phối hợp với các đối tác từ Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, để kích thích văn hóa đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội. Giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất cho vùng đổi mới sáng tạo chính là việc phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử cấp tỉnh, phát triển kinh tế số và tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất.
Ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng vùng Noord Brabant (Hà Lan), thành viên Ban điều hành TPTM Bình Dương khẳng định: “Vùng đổi mới sáng tạo sẽ giúp tỉnh Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới...”. Các dự án trọng điểm của vùng chính là Trung tâm thương mại thế giới TP mới Bình Dương (WTC BDNC) và KCN Khoa học công nghệ (KHCN) ở huyện Bàu Bàng.
WTC BDNC là một “siêu” dự án, bao gồm: Trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh. Nó là hạt nhân của TPTM. KCN KHCN xây dựng xong sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức, như: Giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ, sản xuất tiên tiến và môi trường sống thân thiện. Hai dự án này đều do Becamex IDC nghiên cứu, hợp tác thiết kế, xây dựng và đưa vào sử dụng.
Đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói rằng: “Thúc đẩy KHCN sẽ mở rộng được hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn đến với Bình Dương nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Bình Dương thành trung tâm công nghiệp phát triển, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, hấp dẫn về đời sống và là vùng đất thân thương, nghĩa tình với tất cả mọi người”.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG