Đòn knock-out của virus SARS-CoV-2

Có thời điểm mỗi ngày qua đi lại có thêm hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng nghìn người thiệt mạng, cả thế giới sống trong lo lắng, hoảng sợ. Dịch bệnh chẳng chừa một ai, từ người dân thường đến nguyên thủ các cường quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng trở thành nạn nhân của Covid-19. Trong cơn lốc đại dịch, ngay các nền kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng “lấm lưng trắng bụng” trước đối thủ nhỏ bé là những con virus SARS-CoV-2.

Đối mặt với Covid-19, những điểm mạnh, yếu của các quốc gia, các hệ thống chính trị đã bị phơi bày rõ ràng, thậm chí đến mức khiến người ta ngỡ ngàng. Nhiều thể chế chính trị vốn được coi là hoàn thiện bỗng trở nên lúng túng, tỏ ra đuối sức trước sự tấn công ồ ạt của virus SARS-CoV-2. Nước Mỹ giàu mạnh tưởng sẽ là “thành trì” ngăn dịch, thì nay trở thành “ổ dịch” lớn nhất thế giới. Một mô hình liên kết được coi là thành công nhất trong lịch sử là Liên minh châu Âu (EU) lại tỏ ra chia rẽ, thiếu đoàn kết trong cơn đại dịch.

leftcenterrightdel
Việt Nam chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TTXVN 

Cùng với con số hơn 2 triệu người thiệt mạng do Covid-19 là những tác động mang tính tàn phá với nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch đã đẩy thế giới rơi vào tình trạng sản xuất bị đình trệ, giao thương sụt giảm, ngành hàng không tê liệt, ngành du lịch sụp đổ và giá dầu lao dốc kỷ lục. Bóng đen của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu đã hiện rõ. Hệ quả là hàng triệu người thất nghiệp và nguy cơ khủng hoảng lương thực, thực phẩm bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.

Đánh giá về tính chất nghiêm trọng của Covid-19, các chuyên gia đều cho rằng, dù có là siêu cường kinh tế, chính trị hay cường quốc quân sự thì cũng không tránh được cú “hủy diệt mềm hàng loạt” của đại dịch. Trước đòn tấn công vô hình của virus, bộ máy quân sự khổng lồ hay kho vũ khí hạt nhân chiến lược của các cường quốc đều trở nên vô dụng.

Đại dịch còn làm thay đổi cách nhìn nhận về thế giới đương đại. Rất có thể thế giới mà chúng ta từng hiểu rõ và quen thuộc sẽ trở thành ký ức lịch sử. Dịch bệnh cho người ta cơ hội sống chậm lại để nhận ra rằng, mình đã bán rẻ đời sống tinh thần một cách dễ dàng thế nào để đổi lấy tốc độ, tiền bạc, siêu kết nối... Những ngày giãn cách xã hội đã kết nối, gắn bó, đem lại cho nhiều gia đình những thứ vốn mất đi bởi nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại.

Thời điểm của “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết” toàn cầu

Covid-19 dù nguy hiểm thế nào thì cũng phải qua đi. Giờ là lúc thế giới phải vực dậy, cùng nhau vượt qua cơn đại dịch. Trái Đất là ngôi nhà chung thì mọi thứ xảy ra trong ngôi nhà đó đương nhiên tác động đến mọi thành viên trong gia đình, không ai có thể đứng ngoài. Dịch Covid-19 không biên giới thì dù muốn hay không, việc ngăn dịch, dập dịch phải là nỗ lực chung của toàn cầu.

Tiếc rằng, chính vào thời điểm đòi hỏi phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết” toàn cầu thì thế giới lại thiếu đi những tầm nhìn và chương trình hợp tác. Tình trạng lúng túng, chậm trễ, chia rẽ, cục bộ, thiếu đồng bộ trong phòng, chống đại dịch trên toàn cầu chứng tỏ thế giới thiếu một “nhạc trưởng”, “thuyền trưởng” trong bảo vệ an ninh con người, an ninh sức khỏe. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải thốt lên rằng: “Mối đe dọa lớn nhất chúng ta phải đối diện hiện nay không phải là virus, mà là thiếu đoàn kết trên thế giới và thiếu lãnh đạo toàn cầu”.

Không những thế, đại dịch đã làm lộ rõ những mảng tối khủng khiếp ẩn sau sự hào nhoáng của xã hội tư bản, nhất là tình người trong hoạn nạn. Khi Italy rơi vào tình cảnh như “ngày tận thế” với hàng nghìn người chết mỗi ngày, thì những người anh em dưới “mái nhà chung châu Âu”-EU lại sẵn sàng ngoảnh mặt. Thế giới cũng đang phải đối mặt với một thực tế đau lòng, khi số phận của các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh lại dễ dàng bị bỏ mặc bởi mối lo riêng của những nước giàu.

Người ta sẵn sàng bỏ tiền mặc cả, chỉ cốt sao giành được quyền tiếp cận đầu tiên với vaccine ngừa Covid-19 mà chẳng cần quan tâm đến số đông còn lại đang vật lộn giữa sự sống và cái chết. Đây không chỉ là sự tàn nhẫn mà còn không khôn ngoan, bởi ai cũng biết các nước giàu dù có sở hữu vaccine cũng không thể trở thành những “thiên đường an toàn” trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Vaccine ngừa Covid-19 phải được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu, chứ không phải là biệt dược riêng với những ai có tiền.

Xem ra, đại dịch Covid-19 không chỉ là phép thử đối với hệ thống y tế quốc gia mà còn là phép thử đối với chế độ, hệ thống chính trị mỗi nước. Nó cũng làm lộ rõ những nền tảng bấp bênh mà người ta coi là hiển nhiên trong thế giới phát triển.

“Ngôi sao sáng trên bầu trời Covid-19 tối tăm”

Trong cuộc đối đầu với đại dịch, Việt Nam đang nổi lên như một mô hình thành công. Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Stefanie Stallmeister khẳng định: “Trên bầu trời Covid-19 tối tăm, Việt Nam đang là ngôi sao sáng”. Không phải là quốc gia giàu mạnh, trang thiết bị y tế còn hạn chế nhưng Việt Nam đã vượt qua những giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Trong khi nhiều nước còn đang tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc, thì ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc chiến với Covid-19, Việt Nam đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Tinh thần đó cùng khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” đã tạo dựng niềm tin trong nhân dân, khơi dậy sức mạnh cộng đồng, thúc đẩy cả nước lao vào chống dịch. Trên tuyến đầu là hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng”-các y sĩ, bác sĩ, những người tạm gác lại tình thân, những ngày tháng chung sống cùng gia đình, người thân để đi làm nhiệm vụ. Là những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch. Là hàng nghìn y sĩ, bác sĩ về hưu tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch.

Đó là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội hàng tháng trời hy sinh thầm lặng, ngủ bạt giữa rừng, bên ngoài sân, sảnh các khu tập thể để nhường doanh trại làm khu cách ly tập trung, rồi thâu đêm suốt sáng lo từng bữa ăn cho hàng vạn người Việt Nam từ nước ngoài về và cả người nước ngoài đến Việt Nam đang phải cách ly. Với sự đồng lòng của cả xã hội, khi mỗi người dân trở thành “một chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch, Việt Nam đã tạo dựng được “bức tường thành” vững chắc ngăn dịch thành công.

Không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam còn chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần hợp tác quốc tế, tương trợ lẫn nhau. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã ý thức rõ Covid-19 là đại dịch toàn cầu, là “vấn đề không của riêng ai”. Thời điểm gay cấn khi dịch lan rộng, hàng hỗ trợ phòng, chống Covid-19 của Việt Nam đã được trao tặng đến các châu lục khắp toàn cầu. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển chương trình cũng như trọng tâm nghị sự của khu vực sang phòng, chống dịch bệnh. Những sáng kiến tích cực mà Việt Nam đưa ra đã chứng minh vai trò chủ động và đầy trách nhiệm của Việt Nam. Nhìn nhận về những đóng góp của Việt Nam, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá: “Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch”.

 Nếu coi Covid-19 là phép thử về giá trị và thể chế mà quốc gia đó theo đuổi, Việt Nam đã vượt qua phép thử đó một cách thành công. Những ngày này, các cụm từ như: “Việt Nam là ngọn cờ, điểm sáng chống dịch”, “kết quả phi thường”, “phép nhiệm màu”, “câu chuyện ngoại lệ”, “mô hình có một không hai”... có thể bắt gặp trên mặt báo chí khắp toàn cầu. Thành công trong chống dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam viết tiếp điều mà tờ New York Times của Mỹ cho là “Điều thần kỳ mới của châu Á”, khi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới.

Lịch sử đã chứng minh ở những thời điểm khó khăn nhất, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết và điều đó đã tạo cho chúng ta sức mạnh. Truyền thống người Việt là tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, sự bình yên của xã hội. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin vào chiến thắng trước đại dịch Covid-19.

TƯỜNG LINH