Nhận điện là tác chiến

Mở đầu cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: “Nhanh một phút là cứu được một mạng người. Chậm một phút là tính mạng của người dân gặp nguy hiểm”. Dễ hiểu vì sao ở trung tâm, khi thấy cấp trên hạ lệnh hoặc có sự vụ xảy ra trên toàn quốc, mọi cán bộ, nhân viên đều đi như chạy để xử lý tình huống. Thậm chí, nhận lệnh xong là mọi người chạy ào ào, lướt nhanh như gió. Hàng chục màn hình camera ở trung tâm hoạt động liên tục 24/24 giờ, mọi người nhanh chóng vào vị trí làm việc. Người cầm thước, bút tính toán tọa độ, hướng di chuyển của bão, của tàu trên bản đồ; người cầm sổ tay ghi chép; người nghe điện để nắm tình hình từng phút... Mọi công đoạn phải ăn khớp, nhịp nhàng với cường độ và tốc độ cao.

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn (thứ hai, từ phải sang) cùng kíp trực tác nghiệp trên hải đồ. 

365 ngày trong một năm, cán bộ, công nhân viên ở trung tâm luôn căng mình với công việc. Các kíp trực bảo đảm 24/24 giờ trong ngày túc trực ở mọi vị trí. Điện thoại đổ chuông là mọi người lao ngay vào việc. Bao chuyến đi công tác, bao đêm trực cùng đồng đội đã giúp Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn có được bản lĩnh, kinh nghiệm, trực giác nhạy bén trong chỉ huy, phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tìm kiếm CHCN. Nghe chuyện anh kể, chúng tôi có cảm giác gần như mọi người ở trung tâm không có ngày nghỉ. Băn khoăn, chúng tôi đem thắc mắc này hỏi anh thì nhận được câu trả lời: “Dân đánh cá ở ngư trường truyền thống không về đất liền ăn Tết là chuyện thường. Đánh bắt trên biển ngư dân gặp tai nạn rất nhiều. Tai nạn có nhiều nguyên nhân: Nào là sóng to, gió lớn, nào là hỏng máy, chìm tàu, người rơi xuống biển, tai nạn lúc đánh bắt... Từ kinh nghiệm trực Tết bao năm qua, Tết Nguyên đán này, chắc chắn tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn trong trạng thái tốt nhất. Khi nhận được tin báo về một sự việc xảy ra, chúng tôi sẽ nhanh chóng kiểm tra, đánh giá thông tin. Sau đó, trung tâm sẽ phối hợp với các phòng chức năng của Cục CHCN để đưa ra phương án giải quyết sao cho hiệu quả”. Chốt lại, anh Sơn khẳng định: “Nhanh một phút là cứu được một mạng người”.

Những ngày lễ, Tết, ai cũng muốn được thảnh thơi đi chơi, đi chúc Tết, nghỉ ngơi cùng người thân. Nhưng với các đơn vị quân đội, trong đó có Cục CHCN, trung tâm thì ngày Tết vẫn phải bảo đảm đủ quân số trực, nắm chắc tình hình, sẵn sàng vào việc, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhanh, chính xác trong tất cả các hoạt động.

Trắng đêm trực Tết

Thấy chúng tôi quan tâm đến chuyện trực Tết, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn gợi ý: “Các bạn gặp hai gương mặt kỳ cựu trực Tết ở đơn vị, sẽ hiểu hơn công việc ở trung tâm”.

Đại tá Phạm Lâm Hoàng có 14 năm làm việc tại trung tâm thì đến 11 năm ăn Tết xa gia đình. Vợ và hai con đã quen với những ngày Tết không có anh sum họp. Ngày Tết, cả gia đình thường quây quần vào mồng 3 hoặc mồng 4 khi anh được nghỉ bù. Chị Oanh, vợ anh là y tá ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Chị cũng thường xuyên phải trực ở bệnh viện nên luôn thông cảm cho anh.

Đại tá Phạm Lâm Hoàng luôn xác định, CHCN vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm. Thấu hiểu sự thiệt thòi của vợ và các con, anh có cách bù đắp của riêng mình, đó là thực hiện nhiệm vụ ở trung tâm thật tốt, để xứng đáng với niềm tin gia đình gửi gắm nơi anh.

Ngồi bên Đại tá Phạm Lâm Hoàng, Đại tá Nguyễn Việt Hoa cũng là một trong những “cây đại thụ” của trung tâm, có tròn 10 năm trực Tết. Cùng với anh Hoàng, anh Hoa cũng là người luôn xung phong trực Tết ở đơn vị. Đại tá Nguyễn Việt Hoa mở lòng cùng chúng tôi: “Nhà mình gần hơn anh em trong đơn vị. Về Phú Xuyên (Hà Nội) chỉ 40km nên mình có thể chạy xe máy về nhà, không phải đón xe khách vất vả như anh em khác. Ngày Tết đón xe về quê vất vả lắm chứ đâu đơn giản”.

Chuyện cán bộ, nhân viên ở trung tâm đang ở nhà ăn Tết vui vẻ cùng gia đình nhưng khi có nhiệm vụ lập tức lên đường là việc thường tình. Không hẳn là ngày Tết nhưng có một kỷ niệm anh Hoa vẫn nhớ: “Một năm vào dịp 8-3, tôi xin thủ trưởng phóng xe máy về ra mắt thầy cô Trường THCS Phú Xuyên-nơi vợ tôi dạy học. Vừa ra mắt chào hỏi đồng nghiệp của vợ thì có điện thông báo khẩn cấp vụ máy bay MH370 rơi, thế là tôi lập tức chào thầy cô về đơn vị”.

Vẫn theo lời anh Hoa, anh Hoàng: Không ít cái Tết, cả kíp trực gần như thức trắng đêm Giao thừa vì quá nhiều sự việc xảy ra từ trên biển cho đến trên đất liền. Anh Hoa nhớ mãi ca trực Tết Nguyên đán 2012: “Tết năm đó xảy ra cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Cả kíp trực phải xử lý tình huống, đi ngay trong đêm lên Hoàng Liên Sơn. Lần đó, cả hai đồng chí Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục CHCN đều có mặt kịp thời, dù đang ăn Tết cùng vợ con cũng lên ngay đơn vị để chỉ huy anh em xử lý. Khi chúng tôi tới rừng Hoàng Liên Sơn, nhìn cảnh tượng bà con gùi nước lên đỉnh đồi dập lửa cực nhọc, thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với công việc”.

Nhớ lại chuyện trực Tết Nguyên đán năm ngoái, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn cho chúng tôi hay: “Ba mươi, mồng Một Tết năm trước, tôi trực ở trung tâm cùng một kíp khoảng 20 người. Đúng 11 giờ 20 phút ngày 25-1-2020 (mồng Một Tết Nguyên đán Canh Tý), trung tâm nhận được điện, tàu NORDANA MALEE quốc tịch Thái Lan đang trên hành trình từ Busan (Hàn Quốc) đến TP Hồ Chí Minh, khi tới vị trí 18054’N-115013’E, cách đông đông bắc Đà Nẵng 381 hải lý, có một thuyền viên trên tàu bị liệt bên mặt phải, méo miệng, huyết áp cao, tàu đang đưa bệnh nhân chạy về Đà Nẵng để được cấp cứu. Thuyền trưởng đề nghị cứu nạn khẩn cấp. Ngay lập tức, anh em trong kíp trực tác nghiệp trên hải đồ, phối hợp cùng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) kết nối tư vấn y tế, hướng dẫn tàu NORDANA MALEE chạy về nơi gần nhất để thuyền viên bị nạn được kịp thời cứu chữa. Lúc 13 giờ 24 phút cùng ngày, tàu SAR 412 cùng kíp bác sĩ xuất phát đi đón và cứu chữa bệnh nhân. Lúc 14 giờ ngày 26-1-2020, tàu SAR 412 đã đưa thuyền viên bị bệnh về đến Đà Nẵng bàn giao cho cơ quan chức năng chuyển vào bệnh viện cấp cứu và điều trị kịp thời”.

Vậy là chỉ 2 giờ 4 phút sau khi nhận được tin báo, trung tâm đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tàu và nhóm bác sĩ xuất phát đi cứu nạn nhân trên tàu NORDANA MALEE. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, người bệnh trên tàu là Chatuporn Arttama, nếu không nhờ các bác sĩ Việt Nam kịp thời cấp cứu, chữa trị thì anh đã bị liệt cả người và có thể tử vong. Sau này, khi Chatuporn Arttama được chữa khỏi bệnh ở Việt Nam, thuyền trưởng tàu NORDANA MALEE đã điện thoại chân thành cảm ơn các đơn vị ở Việt Nam, trong đó có cán bộ, nhân viên trung tâm.

Qua chuyện trực Tết ở trung tâm, chúng tôi càng thêm cảm phục thái độ, tinh thần làm việc nơi đây. Những cuộc tìm kiếm CHCN của trung tâm đã làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, để lại trong lòng người dân nhiều tình cảm mến thương. Còn nhiều lắm những chiến công thầm lặng của trung tâm, mà như lời Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn thì: “Cán bộ, nhân viên trung tâm trắng đêm trực Tết, trắng đêm phối hợp cùng các đơn vị, trắng đêm làm công tác CHCN là chuyện rất đỗi bình thường. Những vất vả, khó khăn có thấm gì đâu so với sự mất mát, hy sinh của người dân, đồng đội. Trên hết, cán bộ, nhân viên ở trung tâm luôn tâm niệm giúp người dân an toàn tính mạng là nhiệm vụ cao cả, từ đó đặt ra yêu cầu cả bộ máy phải vận hành trơn tru, đồng bộ”.

Một năm đủ 365 ngày, các kíp trực ở Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn túc trực 24/24 giờ, để sẵn sàng hiệp đồng cùng các đơn vị thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, tác chiến trong thời bình.

Bài và ảnh: HUY HÙNG