Nhận lời của Ban Biên tập viết một bài với chủ đề thơ ca về tình yêu của người lính, thú thực tôi thấy khó quá. Những bài thơ đích thực viết về tình yêu nam nữ, cái đề tài muôn thuở ấy trong cuộc sống của người lính thời bình sao lại hiếm hoi đến thế. Thật khó cắt nghĩa, nhưng đó là sự thật. Thôi thì quay lại cái thuở đất nước rền vang tiếng súng, thuở những người lính chúng tôi vừa cầm súng đánh giặc, vừa không nguôi thương nhớ một bóng hình ai đó, một bóng áo đỏ trong “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ hay một mảnh “Vườn trong phố” “nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật” của nhà thơ kiêm kịch tác gia lừng danh Lưu Quang Vũ vậy... Nhưng dẫu sao đó cũng là những bài thơ tôi đã nói tới quá nhiều, có lẽ nên tìm một bài khác. Thì đây, một tiếng thơ xưa cũ bỗng khẽ vang lên bên tai tôi:
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi...
Vâng! Tôi nhớ ra rồi. Đó là bài thơ “Tình em” của nhà thơ mặc áo lính Hồ Ngọc Sơn và cũng là bài hát của nhạc sĩ Huy Du mà lính tráng chúng tôi ít ai không biết. Bây giờ chúng ta hãy đọc tiếp mấy đoạn xúc động của bài thơ này:
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng
Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy
...
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài...
Theo văn bản mà tôi từng đọc, bài thơ này được tác giả viết vào những năm 1962-1963 trên mảnh đất Tây Nguyên của rừng núi và khe suối, một không gian và thời gian đã in đậm dấu ấn lên bài thơ.
Đó là những năm tháng vô cùng gian khổ và ác liệt của người lính chiến đấu trên mảnh đất cao nguyên chỉ có cây rừng và đá núi, ấy vậy mà cả bài thơ như thoát lên, bay lên trên thực tại gian lao, để chỉ còn lại một tiếng nói yêu thương và lạc quan, vâng, rất lạc quan.
Nhà thơ-người lính ở đây đang gửi gắm tình yêu và lòng tin của mình về với người yêu, người vợ ở nơi xa xôi. Để nói niềm nhớ thương và tin tưởng của mình, nhà thơ đã mượn tất cả cảnh trí rất Tây Nguyên quanh mình, với những “khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh”, những “núi”, những “khe suối”, những “rừng”, những “cỏ hoa”, những “nương rẫy” và cuối cùng:
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài...
Tất cả cảnh trí vốn vô tri, vô giác, vô tình của thiên nhiên ở đây bỗng được nhà thơ thổi vào tâm hồn ấm áp của con người. Núi non và khe suối thì biết “lưu luyến và nhớ thương”, cỏ hoa và nương rẫy thì biết “âu yếm và thiết tha” và câu kết như ta đã thấy, dù cuộc chia ly ấy có kéo dài đến mấy thì đã có “tình em như sông dài”. Không, tất cả mọi hoàn cảnh dù có vây quanh để cố chia rẽ đôi lứa yêu nhau này thì cũng đều bất lực, đều phải nhường bước trước một niềm tin quá mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu. Vâng, tình yêu đã chiến thắng tất cả mọi ngăn cách cả trong thời gian và không gian. Tình yêu bất diệt đã được sự hỗ trợ nâng giấc của tất cả cỏ cây, hoa lá, núi rừng và sông suối để kiêu hãnh ngẩng cao đầu trước mọi thử thách lớn lao.
Thưa các bạn, đó là một bài thơ nhỏ bé thôi nhưng lại bao trùm một thế giới tinh thần to lớn vô cùng, tâm hồn của những người lính một thời trận mạc khói lửa nhưng vẫn sáng ngời tình yêu và niềm tin. Và tôi nghĩ, với phẩm chất rất cao quý của con người ấy, chúng ta đã chiến thắng tất cả mọi kẻ địch là một điều tất yếu.
Đọc lại bài thơ này, tôi vẫn phải nhớ lại cái niềm tin yêu kỳ lạ trong bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ như đã nói ở trên:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu
đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi
đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trong bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc
chia ly...
Và với thi sĩ Lưu Quang Vũ thì:
Vườn không níu được
bước chân trở lại
Nhưng lá còn che mát suốt
đường anh.
Vâng, tất cả vẫn là tình yêu mượn lời của hoa lá, cỏ cây nói hộ lòng người. Đọc những vần thơ viết về tình yêu của người lính chúng ta, sao tôi cứ nhớ đến những dòng thơ quá gần gũi và ấm áp trong tuyệt tác “Đợi anh về” của thi sĩ Nga Konstantin Simonov qua bản dịch tuyệt vời của nhà thơ Tố Hữu, khi nhà thơ- người lính nói lời cảm tạ với người yêu của mình, rằng sở dĩ đi qua bao nhiêu bom đạn khói lửa mà anh không chết, ấy chỉ vì:
... Không ai người
Biết như em chờ đợi
Vâng, phức tạp bao nhiêu cũng giản dị bấy nhiêu, sức mạnh của tình yêu chính là ở chỗ:
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống.
Nhà thơ ANH NGỌC