Năm qua, dẫu bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ và dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà mùa xuân này đồng bào vùng biên giới miền tây Quảng Nam kém sung túc bởi đã có bộ đội “hai linh bảy” chung tay, góp sức giúp bà con vui Tết, đón xuân...

Nói dân nghe, làm dân tin

Đường lên xã La Êê (Nam Giang, Quảng Nam) mây quàng chân núi, núi chìm trong mây. Xe chúng tôi vượt chặng đường gần 150km với hàng chục cua tay áo hiểm trở. Trên xe, câu chuyện của Thượng tá Lê Thái Hiền, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 207 giúp chúng tôi quên hết mệt mỏi và hiểu khá tường tận về tình đoàn kết quân-dân nơi đầu nguồn biên giới.

Làng quê La Êê bình yên trong sương sớm. 

... Buổi đầu đơn vị lên đây “cắm bản”, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng tình cảm chân thành, bằng hiệu quả thiết thực, kết hợp giữa nói và làm, giữa vận động và thuyết phục, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 đã làm cho dân hiểu: Muốn không đói phải lo trồng và chăm bón cho cây rau xanh tốt, cây ngô nhiều hạt, phải cho nó “ăn”. Về lâu, về dài, muốn đời sống khá giả thì phải trồng cây lúa, cây cam, cây chanh... Buổi đầu, bà con chưa tin nên chẳng ai làm theo. Không nản chí, các anh kiên trì vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cứ rỉ rả như vậy, lại thấy vườn rau bộ đội xanh non, bộ đội có rau ăn mà không bị thần linh quở trách, thế là dân làng làm theo. Không những vậy, các anh còn làm thí điểm mô hình mẫu về sản xuất nông, lâm nghiệp; quản lý và chăm sóc rừng; khai hoang và xây dựng đồng ruộng, xây dựng các ngân hàng cây, con giống, xây dựng các mô hình mẫu trong khu KT-QP và vùng phụ cận; tổ chức dịch vụ “hai đầu” tạo kinh tế hàng hóa trên nền kinh tế hợp tác; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển dần hình thức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến tận người dân, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Người không phụ đất, đất chẳng phụ người, vùng đất năm xưa đầy bom đạn và vết tích chiến tranh, nay đã cho lúa, ngô, khoai, sắn, giúp bà con từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo, sớm ổn định cuộc sống, chung tay phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình...

Để giúp nhân dân phát triển sản xuất, trong hơn 6 năm qua, Đoàn KT-QP 207 đã triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong khu KT-QP. Theo đó, đơn vị đã cấp cho các hộ gia đình 226 con bò giống sinh sản. Nhờ thích nghi với điều kiện môi trường nên đàn bò đã sinh trưởng lên 282 con. Về trồng trọt, xây dựng trại giống cây trồng và 8 mô hình lúa lai, sắn cao sản và cây có múi với 5.500 cây cam Vinh, 5.000 cây chanh không hạt và 1.500 cây bưởi da xanh. Đơn vị còn chuyển giao cho nhân dân phát triển sản xuất hơn 7,8ha lúa nước, 12ha cây có múi, 2ha cây dược liệu, 15ha cây lương thực khác phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm phát triển nhân rộng chuyển đổi kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa trong thời gian tới.

Trang trại gia đình ông Pơ Loong Tum, ở thôn Pa Lan, xã La Êê hôm nay thật đông vui. Ngay từ sáng sớm, Trung tá Hoàng Thanh Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật-Vật tư đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách làm cho cây cam, chanh sai quả, lớn nhanh. Nhìn những cành cam, cành chanh trĩu quả, cái bụng ông vui lắm. Từ xưa đến nay, cả đời ông chỉ biết nay rẫy này, mai nương khác, an phận với cuộc sống du canh, du cư. Làm lụng quanh năm mà gia đình ông vẫn thuộc diện nghèo nhất, nhì xã. Vậy mà hôm nay, ngay trên khu vườn trong nhà mà trước đây chỉ toàn cỏ dại, gần 100 cây cam, chanh sai trĩu quả, đem lại thu nhập bình quân của gia đình ông từ 15 đến 20 triệu đồng/năm.

Mừng vui trước sự đổi thay của quê hương, già làng Coorl Vếnh (dân tộc Cơ Tu) ở thôn Công Tơ Rơn tâm sự với chúng tôi: “Ngày trước, người Cơ Tu mình thường đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được, lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào miệng thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có bộ đội “hai linh bảy” về làng, cuộc sống của bà con ta ngày càng no ấm. Năm nay được mùa nếp mới, thịt lợn, thịt bò đã có bộ đội “hai linh bảy” hỗ trợ. Xuân này, bà con ta vui lắm!”.

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 trao bò giống tặng hộ gia đình trên địa bàn xã La Êê và xã Chơ Chun (Nam Giang, Quảng Nam).

“Siêu thị” vùng cao

Buổi sáng, khung cảnh La Êê thật thanh bình. Phóng tầm mắt về phía thung xa, nơi những làn khói trắng còn vương vấn trên nương rẫy, Đại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207 chia sẻ với tôi về nỗi niềm trăn trở và nỗ lực của các anh đã tạo dựng cho vùng quê nơi đầu nguồn biên giới... Từ bao đời nay, sản phẩm bà con làm ra thường không có thị trường tiêu thụ, bởi người dân vùng biên ải này không có khái niệm mua bán. Những năm trước, thực phẩm hằng ngày được tư thương chở từ dưới xuôi lên để trao đổi nông sản. Hàng hóa có gì dùng nấy, giá cả gấp đôi, gấp ba lần. Trăn trở trước sự bất cập ấy, Đoàn KT-QP 207 chủ động giải quyết luôn “tròn khâu”, đó là giúp bà con có cây trồng, vật nuôi và bao tiêu luôn cả sản phẩm.

Một sự kiện lớn mà bà con đồng bào các dân tộc nơi đầu nguồn biên giới ai ai cũng hồ hởi đón nhận là chợ phiên do Đoàn KT-QP 207 phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Từ đây, hàng hóa, những sản phẩm do chính tay đồng bào làm ra được bày bán, mang lại thu nhập. Phiên chợ giúp những người dân nơi đây từ chỗ tự cung, tự cấp đã chuyển sang giao thương hàng hóa. Và cũng với hoạt động buôn bán mới mẻ này, những sản phẩm truyền thống được bảo tồn, phát huy. Nông sản được làm ra bằng mồ hôi và công sức của người dân được tiêu thụ.

Giờ đây, các cửa hàng của bộ đội trên vùng biên giới này đã là địa chỉ quen thuộc của đồng bào; bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ các hàng hóa, nông sản của bà con trong vùng dự án; vừa bình ổn giá cả, vừa dự trữ các mặt hàng cho mùa mưa lũ.

Không chỉ lo từ cái ăn, cái mặc, khám, chữa bệnh cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 còn quan tâm đến những điều cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hình ảnh người dân tìm đến đơn vị nhận nước uống tinh khiết mang về nhà vào mỗi buổi chiều; hay nồi cháo nghĩa tình của các chú bộ đội trích từ đồng lương hằng tháng nấu cho các cháu nhỏ trường mầm non thôn Pa Lan vào các bữa trưa hằng ngày... phần nào nói lên tấm lòng thơm thảo của người chiến sĩ.

Cảm kích trước những việc làm tình nghĩa của bộ đội, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã La Êê cảm động nói: “Từ ngày có Đoàn KT-QP 207 lên “cắm bản”, cuộc sống của đồng bào ngày càng khấm khá, tình quân-dân thêm bền chặt, gắn bó...”.

Khe Zum hung dữ ngày nào giờ đây đã có cây cầu vững chãi bắc qua. Mùa xuân này, đồng bào thoải mái đi trên con đường bê tông hun hút, trải dài bên sườn đồi nối liền các thôn, bản về xuôi. Những ai đã trải qua khó khăn ngày đầu không đường, không điện, không sóng liên lạc, không doanh trại và những ai từng ngày gian truân băng rừng, lội suối, lội bộ hàng chục cây số trong lớp bùn nhão nhoét, hay oằn mình trong những cơn mưa rừng tầm tã nơi vùng cao biên giới này thì mới thấu hiểu hết niềm vui đó lớn đến nhường nào.

Tình yêu và trách nhiệm của người chiến sĩ đã tiếp thêm ý chí và sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 vững tin, sát cánh cùng đồng bào vùng cao chung tay, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương ngày thêm giàu mạnh. Chia tay Nam Giang trong chiều cuối năm quyến luyến, tôi ấn tượng mãi câu nói của già làng Bling: “Bao giờ trên rừng hết cây, nước sông Bung không còn chảy thì lòng dân Cơ Tu mới hết thương Bộ đội Cụ Hồ!”.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG