Trên thực tế, những người duy cảm không phải là những người hay khóc lóc hoặc luôn trong “tâm trạng”. Cũng không phải là những người làm cường điệu mọi thứ lên vì sự nhạy cảm của họ. Thực tế là những người duy cảm nhìn thấu đáo và đồng cảm hơn với con người và thế giới xung quanh. Họ thường nhạy cảm với những logic cảm xúc đằng sau những gì mà người khác thường cho là “bất thường”, để từ đó hóa giải chứ không gán nhãn, phán xét đúng, sai như những người duy lý. Nói một cách khác, những người duy cảm có khả năng tư duy và trải nghiệm cảm xúc ở mức độ sâu hơn so với số đông trong chúng ta.

Trên thế giới, có những người nổi tiếng như ca sĩ Elton John, Martin Luther King Jr., Albert Einstein hay công nương Diana cũng được xếp vào nhóm duy cảm. Các con số nghiên cứu dịch tễ về đặc điểm nhân cách còn ước lượng có khoảng 20% dân số là những người duy cảm. Có nghĩa là cứ 5 người thì một người có tư duy thiên về những logic của cảm xúc.

Người duy cảm có nhiều điểm mạnh trong cuộc sống hằng ngày

Họ là những người biết lắng nghe. Họ có xu hướng trở thành người bạn hoặc đồng nghiệp mà bạn có thể gọi bất kể khi bạn đang buồn hay bạn có niềm vui để chia sẻ. Họ có thể lắng nghe và ở bên bạn trong mọi hoàn cảnh, chấp nhận bạn mà không cần bạn thay đổi điều gì. Không giống như những người duy lý rất hay đưa ra các phán xét và lời khuyên ngay lập tức để giải quyết vấn đề.

Họ cân nhắc trước khi nói. Những người duy cảm thường có xu hướng xử lý thông tin bên trong kỹ càng. Nhìn ra được logic của tình cảm nên họ hiểu không chỉ nội dung mà còn cảm nhận được các tầng, bậc cảm xúc và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Vì vậy, họ sẽ cân nhắc và lựa chọn từ ngữ để phản hồi một cách khôn ngoan hơn, sâu sắc vào bản chất vấn đề hơn.

Họ tinh ý. Những người duy cảm ngoài năng lực lắng nghe tốt còn có năng lực quan sát tinh tế. Họ diễn giải tốt hơn những người duy lý về các yếu tố phi ngôn ngữ đôi khi trái ngược với những nội dung mà người đối diện đang nói. Điều này làm họ trở thành những người bạn trung thành, chu đáo và tận tâm. Nói một cách khác, trong bối cảnh các mối quan hệ của chúng ta bị mạng xã hội hóa, càng có nhiều bạn, chúng ta lại càng cảm thấy cô đơn hơn vì những tương tác chỉ mang tính xã giao, thoáng qua, chẳng lưu vết cảm xúc lâu dài thì những người duy cảm trong cuộc sống lại là những mối nối cảm xúc sâu sắc để những khoảnh khắc ở bên nhau giữa những người bạn được khắc sâu.

Họ cũng sẽ trở thành những người yêu lãng mạn. Người duy cảm sẽ tiêu hao năng lượng khi ở bên cạnh bạn vì sự chăm chú, lắng nghe tích cực và phản hồi cảm xúc. Nhưng họ cũng đủ nhạy cảm để hiểu khi nào đối tác của họ cần những không gian riêng tư. Điều này trái ngược với những người duy lý, luôn muốn trở nên nổi bật, vì vậy sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng từ việc ở bên người khác, hút mất năng lượng từ những người xung quanh.

Bên cạnh đó, những người duy cảm khá thẳng thắn và trung thực. Vì họ tôn trọng cảm xúc nên không thể làm trái với cảm xúc của bản thân. Cảm xúc sẽ thể hiện vô thức trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của họ. Đó cũng chính là lý do khiến họ có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể và hành vi của người khác. Nên thay vì kìm nén cảm xúc, họ thường đưa những cảm xúc lên bình diện ý thức và xử lý chúng.

Nếu những người duy cảm là sếp của bạn thì bạn sẽ có những nhà lãnh đạo dân chủ và nhân ái. Thậm chí người ta còn cho rằng người duy cảm sẽ là lãnh đạo tuyệt vời, vì họ lãnh đạo tập thể bằng cảm xúc (thiên về dùng đức trị chứ không phải pháp trị). Họ không có nhu cầu cần phải thể hiện, bước ra dưới ánh đèn sân khấu mà lùi lại làm nổi bật điểm mạnh của các thành viên đội mình, ghi nhận thành công của cả nhóm. Họ giống như một huấn luyện viên, người truyền cảm hứng phía sau để cho đội ngũ (các vận động viên) bứt phá giành huy chương vàng. Điều này trái ngược với những người lãnh đạo kỹ trị, duy lý thường thích nổi bật, gây tiếng vang. Vì vậy, công chúng chỉ nhìn thấy họ thay vì nhìn thấy những cố gắng của đội nhóm đằng sau. Thế nên, những nhân viên dưới trướng thường không có động lực cao, không cảm thấy được công nhận nhiều như với người lãnh đạo duy cảm.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu của xã hội về năng lực của công dân thế kỷ 21 ngày càng đề cao trí tuệ cảm xúc, sự sáng tạo và đổi mới, giải quyết các vấn đề phức tạp từ các mối quan hệ và hệ thống hơn là trí thông minh, khả năng ghi nhớ, khả năng thiết lập và duy trì hệ thống quản lý hay khả năng diễn thuyết thì những đặc điểm của người duy cảm lại càng trở thành một ưu thế để thành công.

Hoàn thiện những điểm hạn chế trong tính cách người duy cảm

Bên cạnh những điểm mạnh và ưu thế của tư duy cảm xúc, những người duy cảm có thể sẽ gặp những bất lợi trong một số tình huống công việc hằng ngày. Vì vậy, việc nhận ra và chuẩn bị ứng phó với những “điểm nghẽn” này sẽ khiến họ trở nên hoàn hảo hơn.

Đầu tiên, những người duy cảm luôn kết nối cảm xúc với mọi việc ở tầng sâu nên họ dễ bị quá tải cảm xúc khi có quá nhiều việc phải làm, phải để tâm chú ý. Họ sẽ có xu hướng trở nên lo lắng bất an hơn trong những quan hệ xung đột hoặc khi phải làm việc đa nhiệm (một yêu cầu bắt buộc của môi trường lao động hiện tại). Họ cũng dễ trở nên khó chịu với môi trường ồn ào và hỗn loạn (trong các văn phòng làm việc mở và rất năng động là xu thế hiện nay). Họ dễ bị phân tán cảm xúc bởi các kích thích bên ngoài như sự khó chịu của người khác hay những kích thích bên trong như cảm giác đói, mệt của bản thân.

Và khi cùng lúc có nhiều vấn đề xảy ra, cảm xúc của họ dường như bị hút vào hố đen tiêu cực khó thoát khỏi. Vì vậy, những người duy cảm cần phải duy trì một lịch trình quen thuộc hằng ngày (bảo đảm ăn, ngủ đủ và tập thể dục) để giảm nguy cơ suy kiệt cảm xúc. Họ cần nhận ra trước những tình huống dễ khiến họ xúc động để quản lý nó. Họ cần học cách thoát khỏi cảm xúc của mình về những vấn đề không mấy quan trọng và bức thiết để tập trung vào những thứ quan trọng hơn. Đó có thể là một chiến lược thư giãn giống như việc khi chúng ta xem một bộ phim cảm động. Mọi người có thể khóc, đồng cảm với nhân vật, nhưng khi kết thúc bộ phim, chúng ta đứng dậy và cảm xúc đó thì ở lại với bộ phim. Những người duy cảm thì khó có thể thoát vai khỏi nhân vật nhưng họ cần phải học được cách thức đó.

Những người duy cảm cũng là những người thích tự do. Vì nhận thức rõ và tôn trọng cảm xúc của mình nên nếu cảm thấy có điều gì đó không phù hợp thì họ sẽ thay đổi bất cứ điều gì, từ vị trí xếp đặt góc làm việc hoặc lớn hơn là phong cách đến thói quen làm việc, miễn là đáp ứng và làm cho trạng thái cảm xúc của họ trở nên cân bằng hơn. Chính vì vậy, họ ghét các nhiệm vụ theo tiến độ và có áp lực thời gian. Nói theo một cách khác, những người duy cảm sẽ không mấy tuân thủ các deadline, các yêu cầu gò bó và thường sẽ rút lui khi mọi thứ trở nên quá sức. Chính vì vậy, trong những giai đoạn nước rút, cần phải có quyết định mạnh mẽ và các giải pháp quyết liệt thì đặc điểm của người duy cảm sẽ trở thành những yếu tố cản trở. Những người duy cảm cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định với văn hóa đo lường hiệu quả công việc dựa trên các chỉ số KPI (key performance indicator) hiện nay.

Tạm kết

Đặc điểm tính cách của từng cá nhân thường do cả hai yếu tố sinh học và xã hội tạo nên. Mỗi nét tính cách đều có những điểm mạnh và điểm độc đáo. Vì vậy, nếu bạn là một người duy cảm thì đó có lẽ là một điều may mắn vì bạn sẽ có nhiều ưu điểm như đã chia sẻ ở trên. Bạn cũng sẽ rất phù hợp với những vị trí công việc liên quan đến sáng tạo, tự do hoặc vị trí nghề nghiệp thiên về trợ giúp xã hội.

Ở trong một tập thể, sẽ luôn cần sự cân bằng giữa những điểm mạnh của người duy cảm và duy lý. Nếu bạn là người duy cảm thì bạn có thể sẽ trở thành trung tâm của sự thông cảm, chia sẻ, nơi lan tỏa những cảm xúc tích cực và tạo động lực làm việc. Nhưng bạn cũng sẽ cần những cộng sự duy lý vì họ sẽ là hạt nhân cho những chiến lược hiệu quả và thành tựu thăng hoa của cả đội.

Ở trong mỗi con người, suy cho cùng cũng đều có những phần duy cảm và duy lý. Phần duy lý đại diện cho những cái mà chúng ta phải, cần, nên, cố từng phút giây trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Còn phần duy cảm đại diện cho những gì chúng ta muốn, thích, yêu, đam mê... Bạn có thể thiên về duy cảm, chỉ làm những gì mình muốn, mình thích và đam mê thì cũng cần phải đặt những điều này vào bối cảnh đáp ứng các yêu cầu của xã hội nếu muốn thành công. Hay nói cách khác, nếu không tạo ra cho mình một số áp lực thì sẽ không có thành tựu, nếu không đặt mình vào bối cảnh phải làm bạn sẽ không phát huy được hết tiềm năng của bản thân. 

Duy cảm và duy lý giống như hai nửa của vòng tròn thái cực (âm dương/ Yin-Yang). Chúng chấp nhận, không phủ định, không loại trừ nhau. Chúng ta thấy trong phần thái âm (nửa đen) vẫn có thiếu dương (hình tròn trắng) và ngược lại, trong thái dương (nửa trắng) vẫn có thái âm (hình tròn đen). Để trở nên hoàn hảo, những người duy cảm cần cởi mở chấp nhận những điểm mạnh của người duy lý.

Và với tôi, có một nghịch lý rất gây tò mò là nếu tôi càng chấp nhận một người nào đó như bản thân họ vốn có thì họ sẽ tự thay đổi theo hướng tích cực. Vì vậy, nếu bạn là người duy cảm, bạn cũng không cần cưỡng ép mình thay đổi. Cứ cảm nhận và thuận với tự nhiên.

PGS, TS TRẦN THÀNH NAM