Tiếng súng từ phương Nam như vọng về Hà Nội, nhắc nhở các chàng trai phải trong tư thế sẵn sàng ra trận. Sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như các trường đại học: Bách khoa, y khoa, sư phạm, xây dựng, kinh tế, mỹ thuật... trên địa bàn Hà Nội đều có phần “phân tán tư tưởng” vì những tin chiến sự vọng về. Chúng tôi, sinh viên tổng hợp đã tự luyện tập quân sự, tập thể thao, tăng cường thể lực, chuẩn bị cho đợt khám tuyển quân sự. Chúng tôi tập hành quân. Những cành cây xà cừ Hà Nội khi ấy chưa cao. Chúng tôi ngắt lá xà cừ ven đường làm vòng ngụy trang. Nhìn những hàng cây xà cừ thưa lá, có nhà thơ trẻ trong đám sinh viên chúng tôi thầm thì xin lỗi và hứa với hàng cây: Hãy cho ta vay lá, chiến thắng trở về sẽ chăm cây trả nợ...

Lệnh tổng động viên đến: Ngày 6-9 sẽ là ngày các trường đại học ra quân. Tháng 8, đang là những ngày nghỉ hè, sinh viên trúng tuyển sức khỏe không cần chờ quyết định gửi đến, đã chào cha mẹ, ra trường trước hằng tuần để chuẩn bị lên đường. Có nhiều sinh viên viết đơn tình nguyện, ký bằng máu. Có người trước khi chích kim vào đầu ngón tay lấy máu lại co người, rụt tay, tặc lưỡi: Không cần, phải tiết kiệm, dùng cho chiến trận sắp tới, biết đâu sẽ bị thương, đổ máu.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) trước giờ lên đường ra trận, tháng 9-1971. Ảnh tư liệu

Có một thầy giáo của chúng tôi không trả kết quả môn thi cho tốp sinh viên nhập ngũ. Thầy vốn là bộ đội Điện Biên Phủ năm xưa nên rất yêu những “đồng đội tương lai” của mình. Thầy bảo: “Không cần xem điểm. Tất cả đều được điểm 10 rồi, vì môn học lớn nhất là học làm người yêu nước, các em còn phải sát hạch bằng máu của mình. Thầy sẽ giữ cẩn thận bài thi của những người ra trận. Chúc các em đi chiến thắng, hòa bình trở về thầy sẽ trả bài thi”.

Mùa thu năm 1971 là mùa thu ra quân của các trường đại học. Sau những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc, các trường đại học trở lại chế độ thi tuyển rất khắt khe, nghiêm túc. Mười học sinh tốt nghiệp mới được một, hai người đỗ vào đại học. Trong làng, trong xã, hỏi ai là sinh viên, các em bé có thể gọi ra tên, đếm trên đầu ngón tay một cách tự hào. Sinh viên đại học được nhìn như những trí thức trẻ của đất nước. Trong nhiều năm chiến tranh, quân đội không tuyển sinh viên vào, coi như một thứ “của để dành” cho hòa bình dựng xây đất nước. Đến năm 1970-1971, chiến trường miền Nam đã vào giai đoạn mỗi năm một thiếu đạn, thiếu người. Huy động sinh viên nhập ngũ, điều đó có nghĩa là đất nước đã phải tạm quên đi tương lai cho trận chiến sinh tử giành quyền độc lập, thống nhất.

Ngọn cờ đào mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là lá cờ đỏ sao vàng treo trên lễ đài của buổi làm lễ xuất quân trên sân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày 6-9-1971. Buổi sáng hôm ấy, sân bóng đá của trường trở nên chật chội vì 300 sinh viên nhập ngũ được vây giữa những vòng người thân và bạn bè. Các sinh viên nữ tặng bạn ra trận những cuốn sổ tay thơ, những chiếc khăn mùi soa có thêu hình chim, bướm, những chiếc túi đựng bàn chải đánh răng, đựng bút. Những bạn trai chưa ra trận đợt này muốn tiễn bạn thật nhanh để về chuẩn bị đi chống lụt. Hà Nội đã qua ngày đe dọa vỡ đê sông Hồng nhưng kho gạo ga Yên Viên đang bị ngập. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải chi viện sức người chống lũ, giữ gạo cho tiền tuyến. Trong không khí hối hả đưa người chống lũ, đưa người ra trận, lễ xuất quân cũng không tránh khỏi những điều sơ suất. Lá cờ xuất quân không phải là lá cờ mới. Đó vẫn là lá cờ quen thuộc, ngày thường cờ vẫn đu đưa trên cổng trường. Cờ được tháo từ cổng vào treo trên lễ đài. Lá cờ treo ngoài trời lâu rồi, nay từ màu đỏ đã ngả sang màu hồng đào, in màu sương gió. Không ai để ý đến lá cờ, vì đó là một biểu tượng gần gũi, thân thuộc như cây lá vườn trường, nhất là khi Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum xuất hiện, đọc diễn văn. Thầy hiệu trưởng đọc, chúc cho chúng tôi: “Những chàng trai khỏe mạnh nhất của trường” ra chiến trường chiến thắng. Ngày trở về trường lại mở vòng tay đón các em vào học tiếp...”.

Diễn văn ngắn nhưng thầy đọc làm chúng tôi xúc động. Thầy là người Việt Nam năm 1946 đã bỏ giảng đường đại học Pháp, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về nước tham gia kháng chiến. Năm xưa thầy trở về, năm nay đến lượt thế hệ chúng tôi ra đi. Thầy về năm ấy và trò đi năm nay đều là cùng chung một con đường. Mái tóc thầy thì bạc, lá cờ trên đầu thầy màu hồng đào, bầu trời thu xanh thắm. Có một đợt gió thổi mạnh. Lá cờ trên lễ đài như đã say gió thu, đột nhiên đổ gập xuống. Cả sân trường xôn xao, mọi người như đồng thanh ồ lên một tiếng kêu kinh ngạc xen chút sợ hãi. Các bà mẹ tiễn con xung quanh sân trường bật khóc. Những người đọc Tam Quốc chợt nhớ tới mô típ cờ súy đổ trong lúc xuất quân thường là điềm báo sẽ thất trận, chết người. Mấy cán bộ Phòng Tuyên huấn của trường vô cùng lo sợ, hối hả bắc thang lên treo lại cờ. Thầy hiệu trưởng cau mày, suy nghĩ giây lát rồi ngăn lại. Thầy bảo tháo hẳn cờ xuống. Mấy chàng sinh viên Khoa Toán nhanh chân chạy lên khán đài, đón lấy lá cờ. Họ vô tình trở thành những tân binh tình nguyện làm chiếc cột giữ cờ, đứng bên thầy hiệu trưởng. Lễ xuất quân vì lỗi cờ đổ đã phải nhanh chóng kết thúc. Xe quân sự đã nổ máy chờ ven đường. 300 chàng tân binh sinh viên chúng tôi vẫy tay chào từ biệt, lên xe...

Sau ngày xuất quân và mấy tháng huấn luyện kỹ chiến thuật bộ binh, hàng nghìn lính sinh viên miền Bắc tỏa về các sư đoàn, về các quân binh chủng khác nhau, ở mọi chiến trường Nam-Bắc. Quá nửa số sinh viên được chọn bổ sung vào các đơn vị có sử dụng vũ khí kỹ thuật, như: Tên lửa, cao xạ, tăng thiết giáp, thông tin... Lính sinh viên không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực chiến đấu mà còn trở thành một nguồn lực văn hóa tinh thần cho các đơn vị. Các trung đội có thêm sách đọc, có thêm người thuộc thơ, dạy hát. Anh lính thông tin Nguyễn Văn Thạc (tác giả cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20”) còn tạo cho đồng đội thói quen hằng ngày ghi nhật ký. Chàng lính tăng Khoa Toán Nguyễn Quý Lăng làm cho cả đại đội biết bập bùng cây đàn guitar.

Toàn bộ sinh viên đợt ra quân ngày 6-9-1971 chủ yếu được dồn vào “lò lửa” Quảng Trị năm 1972. Chúng tôi gặp nhau trên chiến trường, nghe tin lành, tin dữ về nhau. Người lập công ngay từ trận đánh đầu tiên, người bị thương, người hy sinh, nhưng tất cả không một ai lùi bước. Những đêm không nổ súng, nằm trên chốt, chúng tôi nhớ nhà, nhớ cổng trường đại học của mình. Những chàng lính Khoa Văn nhớ bài thi thầy chưa trả, còn nằm lại ở hậu phương, lòng phấp phỏng không biết thầy cho mình mấy điểm. Nghe tin giặc đánh bom B52 vào Hà Nội, chúng tôi lo lắng nhìn về phương Bắc. Chúng tôi ước bọn “giặc trời” cứ trút nhầm hết bom xuống đầu mình trên chiến trường này, để chúng không còn bom thả xuống Thủ đô nữa. Bầu trời phương ấy chỉ có chòm sao Bắc Đẩu nhập nhòe trong ánh pháo sáng địch thả.

Sau Chiến dịch Quảng Trị, những chàng lính sinh viên đã nhanh chóng trưởng thành, lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy quan trọng trong các đơn vị. Tuy vậy, họ lại ít có dịp nghe được tin tức về nhau. Phải tới 3 năm sau nữa, trong những ngày các đơn vị hành quân thần tốc, họ mới gặp nhau trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Hòa bình lập lại, chúng tôi trở lại hậu phương trong niềm vui chiến thắng. Nhiều chàng lính sinh viên bị thương nặng, chỉ đến thăm lại thầy cô rồi trở về các trại điều dưỡng. Họ không còn đủ sức khỏe học tiếp. Có nhiều người bị chấn thương thần kinh, phải bỏ những môn học yêu thích của mình, chuyển sang học một chuyên ngành khác, dễ tiếp thu hơn. Trong số mấy nghìn sinh viên ra quân ngày ấy, có hàng trăm người đã yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ, cũng có hàng trăm người tình nguyện ở lại phục vụ quân đội lâu dài. Họ đã nhanh chóng trở thành sĩ quan cao cấp, thành những vị tướng nổi danh. Ngày 6-9-1971 đã trở thành ký hiệu 6971, được dùng như một biểu tượng để tập hợp sinh viên tất cả các trường cùng chung ngày nhập ngũ. Đó là binh đoàn dân sự mang phiên hiệu 6971-một binh đoàn cựu chiến binh sinh viên đang sống rải khắp mọi miền đất nước.

Mấy chục năm gần đây, cứ đến ngày 6-9, chúng tôi-lính sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại hẹn nhau trở lại thăm trường. Khán đài xuất quân năm xưa không còn. Sân trường đã thay màu cỏ úa bằng màu xanh hoa lá tốt tươi. Thầy hiệu trưởng đã vĩnh viễn đi xa, ngọn cờ mới trên cao đỏ thắm, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn nhớ bóng lá cờ xưa. Chúng tôi không còn nhớ tên hai chàng sinh viên đứng căng cờ cho thầy hiệu trưởng đọc nốt diễn văn. Lá cờ đổ xuống ngày ấy không mang tín hiệu điềm lành, điềm dữ cho ai, vì chiến trận nào mà chẳng có thua, có thắng, có mất mát, hy sinh. Lá cờ đổ xuống đầu chúng tôi chỉ là tín hiệu Tổ quốc muốn trao cờ tận tay cho chúng tôi ra trận.

Có biết bao cựu chiến binh 6971 hôm nay đang giữ mãi trong lòng hình ảnh lá cờ đào buổi xuất quân mùa thu năm ấy!    

MẠC YÊN