Tết, nói chuyện đói hình như có cái gì đó sai sai. Năm mới, chắc ai cũng thích nói chuyện tươi sáng từ cái cụ thể như ăn ngon, mặc đẹp đến ước muốn lâu dài là con cháu thành đạt, thảo hiền. Đầu xuân tràn trề hy vọng, người ta hay chúc nhau vạn sự như ý, cầu mong lành đến dữ đi... Tết Việt nếu thiếu những lời chúc tốt đẹp thì ý nghĩa của nó chẳng còn mấy nữa.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình ứng cứu, giúp đỡ bà con vùng lũ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: THU HÀ |
Thực ra, tôi muốn mượn cái đói để thẩm thấu sâu hơn minh triết sống giản dị và nhân văn của dân tộc ta: “Thương người như thể thương thân”. Câu đó thì nhiều người biết như đã biết dặn dò ân nghĩa của ông cha mình: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Nhà thơ Tố Hữu có hai câu thơ tôi cho là đỉnh: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Nhân sinh quan của nhà thơ cộng sản trùng khít với quan niệm sống đẹp của ông cha mình và điều ấy có thể gói lại trong hai tiếng chia sẻ. Vâng, chia sẻ yêu thương là phẩm chất nổi bật của dân tộc Việt; trong gian nguy hoạn nạn thì điều ấy càng tỏa sáng hơn.
Bỗng nhiên tôi lại nhớ về năm tháng cũ trong tiết xuân nhè nhẹ mưa bay và ngan ngát hương hoa này. Mẹ tôi áo nâu nón lá, cuốc đất lật cỏ gieo trồng rau quả nuôi con. Bao nhiêu mưa nắng đầm đìa, hong hao trong tấm áo bạc màu của mẹ? Tôi chưa trả lời được, chắc không trả lời được. Tôi chỉ biết rưng rưng gửi vào câu thơ lòng biết ơn mãi mãi: “Ôi áo mẹ như lá cờ bạc sớm/ Vẫy gọi con suốt cuộc đời này”. Mẹ dạy chúng tôi biết trân quý từng hạt gạo không chỉ qua lời nói mà bằng cái cách mẹ nhặt lên mỗi hạt cơm do những đứa con láu táu ăn vội làm rơi xuống chiếu, xuống nong cho vào miệng nhai. Mẹ bảo: “Hạt gạo là hạt ngọc trời cho, đừng bao giờ làm rơi vãi các con nghe”. Cũng là mẹ, san bớt hũ gạo nhà mình vài lon cho người hành khất đi qua ngõ dù gia đình còn bữa đói, bữa no. Mắt mẹ buồn buồn khi nói với chúng tôi: “Một miếng khi đói bằng một đọi khi no các con nờ”. Tôi ngầm so sánh sự lệch chênh giữa miếng và đọi. Miếng ít ỏi rất nhiều nếu so với đọi (đọi là bát; cũng có nơi đọc một gói khi no). Thời bé, tôi không hiểu thấu đáo vì sao một miếng lại bằng một đọi được, bởi chưa hình dung đủ cái tình người trĩu nặng trong sự chia sớt thành tâm. Dần dà, tôi thấm những bài học luân lý từ ca dao, tục ngữ xứ sở mà mẹ hay ru, hay đọc giữa mưa nắng đời thường. Xin đừng coi thường kho tàng văn học dân gian nhé, sau những mộc mạc, chân chất ấy là chiều sâu của đạo lý làm người, là bao cung bậc tình cảm không gì thay thế được với yêu thương làm nền tảng, cốt lõi. Cũng không khác biệt với lời Phật khuyên, đại ý: Cứ yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Có sự thanh thản nhẹ nhàng, có nhân đức để vơi bớt nghiệp đời và dành gửi cho con cháu dài lâu. Được thế là phúc, hồng phúc cho bản thân, gia đình, dòng họ và xã hội.
Khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, chúng tôi không lạ gì chuyện đói rét; miếng ăn, tấm mặc hầu như lúc nào cũng thiếu. Những đứa trẻ như tôi gầy gò, xanh xao bởi ăn ít khi no, mặc chẳng mấy lúc đủ. Ước mơ của tôi ngày ấy là mong Tết đến để được ăn bát cơm không độn, có lát thịt mỏng dính dán lên trên. Kể chuyện ấy với con cháu bây giờ, đứa nào cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên, có lẽ ông bà bịa ra chăng? Tôi làm sao quên được những cơn đói cồn cào sau giờ học thời cấp hai, cấp ba, liêu xiêu bước về nhà với ý nghĩ bây giờ ai cho mình một miếng ăn thì sẽ nhớ suốt đời. Rất nhiều người đói trong thời bom rơi, đạn nổ ấy nhưng có sự thật là dân quê tôi không hề đụng đến những hạt gạo dành cho chiến trường. Những bao gạo gửi trong nhà dân vẫn đầy căng không hao vơi chút nào khi bốc lên xe vượt Trường Sơn. Những bao gạo mang nặng tình nghĩa hậu phương gửi ra tiền tuyến. Chẳng có sự chia sẻ nào vĩ đại hơn thế khi mặt trận thấy hậu phương luôn ở bên mình, người lính chưa bao giờ đơn độc, lẻ loi trong những thử thách sinh tử khốc liệt. “Hũ gạo nuôi quân, áo mùa đông” gửi chiến sĩ có từ thời chống Pháp đến Phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của thời chống Mỹ là bản trường ca cảm động về sự chia sẻ mang tầm vóc lịch sử dân tộc. Đó là gì nếu không phải là cuộc chia sẻ trường kỳ chín năm và hai mươi mốt năm đánh giặc ngoại xâm, cứu nước. Không ai đành lòng sống chỉ cho riêng mình khi đất nước gian khó, lâm nguy. “Hạt gạo chia ba” là một biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử và nhân văn lớn lao. Phần cho chiến trường miền Nam, phần cho nghĩa vụ quốc tế, phần cho hậu phương, thử hỏi có sự sẻ chia nào bao la hơn thế. Đây nữa, người lính Cụ Hồ trong thiếu thốn tận cùng cũng đã chia nhau từng viên thuốc ký ninh đắng ngoét để đẩy lùi cơn sốt rét rừng, nhường nhau mỗi mẩu lương khô trên điểm chốt khét mùi thuốc súng, lá thư người yêu cũng chụm đầu đọc chung... Chẳng lạ, khi đồng đội cũ gặp nhau sau chiến tranh, người ta cứ ôm nhau khóc cười nghẹn ngào nhắc lại bao kỷ niệm thời trận mạc và sự chia sẻ thời nào trở thành hoài niệm không phai. Tôi tin rằng, năng lượng chiến đấu và công tác của bộ đội ta có một phần ở đấy, sức mạnh tạo ra từ lòng yêu thương đồng chí, đồng bào. Yêu thương chính là mùa xuân vĩnh cửu của dân tộc này, nó luôn hiển hiện trong đời sống tinh thần của đồng bào, chiến sĩ như cái đẹp không bao giờ bị mất đi.
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 tìm kiếm, cứu nạn tại vụ sạt lở đất khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế). Ảnh: TRỌNG HẢI |
Mùa thu năm Canh Tý 2020. Tôi trải qua những ngày sống trong tâm lũ lụt của miền Trung. Mưa như đổ nước xuống dải đất hẹp, trọng điểm là các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi Bình Định, Phú Yên. Những ngày mưa trắng trời, trắng đất, lũ ống chỗ này, lũ quét chỗ kia, nước dâng ngập ba bên, bốn phía. Những xóm làng, khu phố chìm trong biển nước, cánh đồng, vườn tược biến mất, đường sá, núi đồi sạt lở vỡ toác thay hình, biến dạng... Thiệt hại, mất mát không sao kể xiết. Vâng, những điều ấy nhiều người nói rồi. Tôi chỉ muốn nói đến tình người tỏa sáng trong tâm lụt, trên đỉnh lũ, thêm lần nữa minh chứng cho phẩm chất, bản lĩnh của người Việt Nam. Những việc làm tốt đẹp xuất hiện ở mọi nơi trong và sau những ngày miền Trung bị bão lụt. Hình ảnh những người lính dầm mình trong mưa lũ cứu dân làm cho ta xúc động. Những chiến sĩ quân phục lấm lem bùn đất dìu đỡ người già, trẻ em là phác họa đẹp về người lính thời bình. Tình quân dân nói bao nhiêu mới đủ. Hoạn nạn ập đến khôn lường. Cứu dân, mệnh lệnh ấy vang lên trong trái tim người lính. Từ rừng núi đến biển cả, ở đâu nhân dân cần, ở đó có người lính. Họ chịu đói, chịu rét làm việc trong lặng lẽ, âm thầm và luôn đương đầu với những hiểm nguy không dự tính trước được. Bao trùm lên cơn hồng thủy, cao hơn đỉnh lũ, tỏa sáng trong tâm lũ, không gì khác là tình yêu thương, sự chia sẻ nồng ấm có tên gọi Việt Nam. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hình như, ai cũng muốn làm một điều gì đó cho miền Trung yêu thương. Người trong vùng lũ, nơi bị nước ngập ít mang đồ ăn thức uống đến cho đồng bào ở vùng ngập sâu. Dân vùng biển bỏ qua mọi kiêng cữ, khiêng thuyền qua động cát đi chở người ở vùng ngập lụt. Chẳng phải Ba mươi Tết mà nhiều nơi hối hả gói bánh chưng, bánh tét để kịp chở vào cứu trợ dân vùng lũ. Nhìn những bếp lửa bập bùng mà lòng rưng rưng quá... Có một “dòng lũ” khác đổ về miền Trung trong những ngày cuối thu Canh Tý, “dòng lũ thương yêu”. Những đoàn xe cứu trợ nối nhau chạy về dải đất đòn gánh như một cuộc hành quân thần tốc thời bình. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng quyên góp được trao tận tay người dân miền Trung bị bão lụt qua những kênh khác nhau. Công khai hay âm thầm làm thiện nguyện đều cùng chung tâm sáng, đều thấm thía tình người.
Tôi nghĩ, người dân miền Trung không bao giờ quên ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước. Bởi hơn ai hết, không phải bây giờ họ mới biết “một miếng khi đói bằng một đọi khi no”...
NGUYỄN HỮU QUÝ